Cách đây khoảng 3 năm, Đồi Bá Vân-nơi đóng quân huấn luyện của Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh (có diện tích khoảng 7ha, nằm bên cạnh Trung tâm Nghiên cứu chăn nuôi thú ý) còn là những đồi cỏ xanh mướt trải dài vút tầm mắt thế nhưng, bây giờ dưới móng ngựa chạy gần như cả ngày, những ngọn đồi đó đã nhắn thín, thưa cỏ. Đến đây từ sáng tinh mơ đã nghe tiếng các chiến sĩ tập luyện, tiếng ngựa hí, tiếng vó ngựa vang khắp các ngọn đồi.
Hiện tại, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh Công an nhân dân đã có khoảng hơn 100 con ngựa, trong đó có 30 ngựa cái và 4 ngựa đực phục vụ việc phối giống, sinh sản; số ngựa còn lại được dùng cho huấn luyện. Không như cách đây 3 năm, ngựa của Trung đoàn giờ đã to cao, vạm vỡ, bóng bẩy hơn rất nhiều.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, được phép của Chính phủ, Bộ Công an đã đầu tư xây dựng Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh, có sự giúp đỡ, hợp tác với nhiều nước trên thế giới đã phát triển về lực lượng kỵ binh.
Mô hình Cảnh sát Cơ động Kỵ binh được Bộ Công an thành lập dựa trên việc học tập, trao đổi kinh nghiệm với nhiều nước trên thế giới, sử dụng vào rất nhiều việc, liên quan đến bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội là chính.
"Trước đây, khi Bộ Công an còn lực lượng Công an vũ trang thì cũng có lực lượng kỵ binh rồi, lúc đó chủ yếu tuần tra biên giới, chưa có đường sá, phải dùng ngựa đi tuần tra. Ngựa thì có thể đi bất kể địa bàn nào, từ miền núi, có đường hay không có đường, đường rừng, mang được nặng...", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Lực lượng kỵ binh sẽ phục vụ các công việc cần thiết, thậm chí trong các nghi thức cấp quốc gia, lễ tân của nhà nước..., tiến tới nghiên cứu sử dụng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tuần tra kiểm soát.
Ảnh CAND