Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, Đại biểu Đặng Xuân Phương (Nghệ An) cho rằng, Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đang diễn ra với sự trông đợi của cử tri và Nhân dân cả nước về những việc cần làm và phải làm khẩn trương hơn, quyết liệt hơn của hệ thống chính trị.
Theo đại biểu, đó không chỉ là đòi hỏi đến từ công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; là yêu cầu phải khắc phục cho được những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực thi pháp luật; là tính cấp thiết phải vượt qua được căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ.
Điều cấp bách nhất lúc này chính là đường lối giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế của đất nước
Đại biểu Đặng Xuân Phương cho rằng, điều cấp bách và thuyết phục nhất lúc này chính là đường lối giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế của đất nước. Làm sao để việc thực thi các chính sách kinh tế - xã hội, cân nhắc hợp lý giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.
Chỉ rõ những kết quả tình hình kinh tế - xã hội, cùng với những tác động trong và ngoài nước, đại biểu Đặng Xuân Phương cho hay, qua thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội đều băn khoăn, trăn trở về việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5%.
Đại biểu Đặng Xuân Phương cho rằng, trong công tác chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ, cần kiên trì quan điểm đã được Đảng ta đề ra trong Văn kiện Đại hội 13.
Đó là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công; cơ cấu lại phát triển lành mạnh các loại thị trường, trong đó quan trọng nhất là cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai và các tài nguyên khác theo hướng sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ sở hạ tầng quốc gia
Đại biểu Đặng Xuân Phương kiến nghị trên cơ sở dự báo kinh tế cần có khuyến cáo để các doanh nghiệp và hộ gia đình chủ động điều tiết về đầu tư, sản xuất; cần tổ chức lại sản xuất theo hướng sử dụng lao động luân phiên, hạn chế việc sa thải đột ngột gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người lao động; xây dựng hệ thống chỉ tiêu cảnh báo đối với các ngành nghề dư thừa năng lực có nguy cơ suy thoái trong dài hạn.
Cần tập trung nguồn lực cho giải quyết nhu cầu ăn ở, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và nhu cầu học tập cho tầng lớp công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là của những người trẻ tuổi mới đi làm.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cấp doanh nghiệp và các cấp chính quyền địa phương theo lộ trình và mục tiêu có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng tự pháp đẩy mạnh việc đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ sở hạ tầng quốc gia như các công trình giao thông vận tải trọng điểm. Đồng thời quan tâm hơn đến đầu tư, cải tạo, nâng cấp kết hợp đầu tư mới, các thiết chế văn hóa, thể thao, hệ thống y tế cơ sở đáp ứng nhu cầu của các khu vực có quy mô liên xã.
Đặc biệt quan tâm thực thi chính sách thúc đẩy học tập suốt đời để tạo ra cơ hội sáng tạo việc làm mới cho người dân, nhất là bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra thách thức cho các nước đang phát triển.
Cần phải có những giải pháp cấp bách, vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tán thành với Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra về nội dung này của Ủy ban Kinh tế, cho rằng các báo cáo đã rất cụ thể, chi tiết, cho các đại biểu nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh về kinh tế- xã hội.
Theo đại biểu, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là giai đoạn rất khó khăn và vất vả của đất nước ta. Những kết quả đạt được cho thấy sự đoàn kết chung tay của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò hỗ trợ không nhỏ Quốc hội, sự nỗ lực của nhân dân và doanh nghiệp, đặc biệt đó là khả năng chèo lái, cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý, điều hành đất nước ở một giai đoạn muôn vàn khó khăn.
Đại biểu bày tỏ tán thành với các nhóm giải pháp trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra. Trong thời gian tới, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cần phải có quyết tâm thật cao, tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp, chính sách chủ động, kịp thời. Đặc biệt, cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực, tính tự chủ nền kinh tế, phát huy tối đa nguồn lực đào tạo. Thậm chí, cần phải có những giải pháp cấp bách, vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp…
Đại biểu phân tích, cùng với tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và chứng khoán, đồng thời cần tiếp tục rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn và đặc biệt cần thay đổi văn hóa “doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy”.
“Chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ “phụng sự doanh nghiệp”, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó. Những việc gì cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp “đã gần đất xa trời”, đại biểu nhấn mạnh và đề nghị với những dự án pháp lý đầy đủ, làm đúng quy trình thì các địa phương cần ký đồng ý để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi mà cả năm không ra đời được dự án nào.
Đại biểu cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, cần bớt các nội dung kiểm tra, thanh tra làm khó doanh nghiệp để tránh tình trạng doanh nghiệp phải lao đao giải trình lên xuống. Bên cạnh đó cần có các giải pháp thực chất, cụ thể để ngăn chặn “virus sợ trách nhiệm và bệnh không dám làm”./.