Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) nêu rõ 7 thủ đoạn rửa tiền phổ biến hiện nay:
Thứ nhất, thành lập công ty vỏ bọc để mua bán khống hàng hóa, sau đó lợi dụng để rửa tiền.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho biết, thực tế thời gian quan, cơ quan điều tra Bộ Công an và cơ quan tố tụng đã tiến hành làm rõ nhiều vụ án lợi dụng việc thành lập công ty vỏ bọc để rửa tiền.
Điển hình là vụ việc vợ chồng Nguyễn Thị Nguyệt và Phạm Anh Tuấn, cùng đồng phạm đã chuyển trái phép ra nước ngoài 30.000 tỉ đồng với hình thức thành lập 8 công ty khác nhau. Mục đích cuối cùng là xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, thông qua đó để rửa tiền.
Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức băn khoăn: “Với những thủ đoạn rửa tiền tinh vi như vậy, Luật Phòng chống rửa tiền hiện nay đã đủ hành lang pháp lý để ngăn chặn chưa? Bản thân tôi thấy rằng, các điều khoản trong dự thảo luật chưa đủ hành lang pháp lý để ngăn chặn hành vi này”.
Thứ hai, thủ đoạn rút tiền mặt thông qua nền tảng trò chơi trực tuyến.
Điển hình vừa qua là vụ thông qua các trò chơi điện tử để tổ chức đánh bạc trực tuyến lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu ví dụ liên quan đến Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương.
Với hình thức này, người chơi có thể dùng tiền mặt để đổi thẻ (hay còn gọi là xèng) tham gia trò chơi. Sau khi trò chơi kết thúc, có thể rút và đổi thẻ đó thành tiền mặt. Như vậy, trường hợp đối tượng phạm tội rửa tiền, dùng tiền bẩn chơi những trò chơi trực tuyến như vậy, rồi đổi lại lấy tiền mặt, rõ ràng đây là hành vi rửa tiền rất tinh vi.
Thứ ba, thủ đoạn núp bóng gây quỹ làm từ thiện, đi du lịch.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu rõ, trước đây, Ngân hàng Nhà nước có quyết định 1437 năm 2001, quy định giới hạn không được chuyển quá 5.000 USD ra nước ngoài.
Thế nhưng, Nghị định 70 năm 2014 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện pháp lệnh ngoại hối sửa đổi lại không còn quy định giới hạn chuyển tiền số lượng như vậy.
Mục đích của Nghị định giúp cho các giao dịch được thuận tiện hơn, song có điểm hở đối tượng có thể lợi dụng là chuyển tiền cho người thân ra nước ngoài bằng nền tảng giao dịch trực tuyến, chuyển khoản. Đại biểu cho rằng, như vậy rất khó kiểm soát.
Đại biểu nêu dẫn chứng một trường hợp ở quận 7, TP.Hồ Chí Minh đi du lịch sang Bồ Đào Nha, thông qua luật sư bên đó để mở tài khoản tại Bồ Đào Nha. Cá nhân sở hữu tài khoản này với tư cách là khách du lịch, tham gia vào một tổ chức từ thiện tại Bồ Đào Nha, chỉ trong vòng 24h yêu cầu người nhà chuyển nhanh hơn 200 nghìn Euro ra nước ngoài.
Như vậy, vì không bị giới hạn thông qua nền tảng giao dịch trực tuyến như vậy, các đối tượng rửa tiền đã thực hiện việc chuyển tiền cho người thân đi du lịch hoặc đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài.
Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức lo ngại, hành lang pháp lý của Luật Phòng, chống rửa tiền đã đạt yêu cầu, kiểm soát được phạm vi điều chỉnh hay chưa, đề nghị cơ quan soạn thảo tính toán lại nội dung này.
Thứ tư, chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người hưởng thừa kế.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu rõ, đây là vấn đề mới, chưa có nhiều quy định ràng buộc, do đó cần phải được nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng.
Mặc dù thủ đoạn này chưa phổ biến nhưng hoàn toàn có thể nếu các đối tượng lựa chọn, đó là việc chuyển tiền qua danh nghĩa được pháp luật cho phép “chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài”.
Rõ ràng, hành lang pháp lý của Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) chưa tính toán thủ đoạn này để ngăn chặn.
Thứ năm, nhờ người thân mua bán, chuyển nhượng hoặc cho, tặng bất động sản.
Thứ sáu, thủ đoạn mua bán cổ phiếu, trái phiếu.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu rõ, đây cũng là thủ đoạn rửa tiền phổ biến hiện nay.
Thứ bảy, cung cấp các dịch vụ tiền ảo, bitcoin…
Đại biểu cho rằng, với tiền ảo, hiện nay pháp luật nước ta chưa chấp nhận nhưng đã có các hiệp hội, hoặc các tổ chức thực hiện hoạt động này.
Cũng giống như trò chơi trực tuyến là dùng tiền thật để mua tiền ảo rồi đổi lại tiền thật. Như vậy, các đối tượng có thể lợi dụng dùng tiền bẩn mua tiền ảo rồi rút ra thành tiền sạch.
Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Nguyễn Minh Đức nhận thấy, đây là 7 thủ đoạn rửa tiền phổ biến hiện nay, đề nghị cần xem xét, tính toán chặt chẽ trong dự án Luật sửa đổi lần này.
Có những quy định chưa thật sự chặt chẽ trong phong tỏa tài khoản
Theo đại biểu, thời gian qua, tính từ tháng 5/2020, Bộ Công an đã phát hiện ra 5408 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trong đó có 2540 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, chiếm 46,5% và có rất nhiều hình thức lừa đảo khác nhau.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền có những quy định chưa thật sự chặt chẽ trong vấn đề phong tỏa tài khoản,
So sánh với các pháp luật khác có liên quan, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong trường hợp này, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị sửa điểm b khoản 1 Điều 37 của dự thảo Luật như sau: “Khi có yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự để phục vụ hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo tội phạm kiến nghị điều tra truy tố xét xử”, cần phải quy định rõ ràng như vậy.
Trong khi đó, dự thảo Luật chỉ quy định là “trì hoãn khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định theo các pháp luật có liên quan”. Đại biểu cho rằng, quy định chưa rõ ràng như vậy quá rộng, chỉ nghi ngờ thôi nhưng các cơ quan khác cũng có quyền áp dụng các biện pháp theo chủ thể của Luật PCRT, có thể yêu cầu trì hoãn như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế khác. Vì vậy cần phải ghi rõ như nêu trên.
Đồng thời, để ngăn chặn việc các cán bộ tố tụng hình sự lợi dụng, lạm dụng hoặc vượt quá yêu cầu, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị bổ sung thêm vào Điều 37 của dự thảo: các cơ quan có thẩm quyền tố tụng hình sự phải chịu trách nhiệm về yêu cầu trì hoãn giao dịch của mình.
Quy định như vậy sẽ chặt chẽ, không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế khác, đồng thời đặt ra vấn đề trách nhiệm với các cơ quan tố tụng, ngăn chặn hành vi rửa tiền, phong tỏa tài khoản để có thể thu hồi tài sản tham nhũng./.
(Nguồn: Quochoi.vn)