CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Các doanh nghiệp bất động sản phải ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ

12:06 - 13/03/2023

(Chinhphu.vn) - Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trách nhiệm ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu tái cơ lại giá cả, cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trong Nghị quyết số 33/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trách nhiệm ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu tái cơ lại giá cả, cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.

Phân loại các dự án bất động sản để xử lý nợ phù hợp

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội hồ sơ xây dựng dự án Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ nhằm cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tăng trưởng tín dụng hợp lý, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong mọi trường hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Xem xét chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…) theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, đồng thời nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng

Ngân hàng nhà nước chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 04 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ; phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại   Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiềm năng của từng dự án và loại hình phân khúc bất động sản như bất động sản nhà ở phù hợp thu nhập người dân, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; bất động sản công nghiệp, du lịch, văn phòng,... để xem xét điều chỉnh các điều kiện cho vay mà không đánh đồng chính sách với các dự án có những rủi ro.

Xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ.

Đáng giá kỹ lưỡng khả năng thanh toán của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023;

Rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong đó có nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023;

Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là việc phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;

Có các biện pháp, giải pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tiễn, theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn, rủi ro chia sė", theo đúng quy định pháp luật; nghiên cứu phương thức doanh nghiệp bất động sản đàm phán, hoán đổi nợ trái phiều bằng tài sản, bất động sản…

Bảo đảm hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, lành mạnh, thông thoáng; kiểm soát tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Xử lý nghiêm vi phạm trong đầu tư, kinh doanh bất động sản

Chính phủ giao Bộ Công an, chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền giám sát, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản và hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.

Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả các kênh thông tin; phối hợp với Bộ Công an có biện pháp, hệ thống và nhân lực kiểm soát, phát hiện, thống kê, ngăn chặn các kênh thông tin xã hội không chính xác, không chính thống có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý nhân dân, nhà đầu tư, khách hàng và thị trường, nhất là các thông tin ảnh hưởng đến sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

Phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường, đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống, chính xác, đúng bản chất tình hình, tránh các thông tin sai lệch để ổn định tâm lý nhân dân, nhà đầu tư, khách hàng, ổn định thị trường.

Phân loại xử lý các dự án bất động sản đang vướng mắc pháp lý

Các bộ, ngành cơ quan trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao: Tiếp tục khẩn trương, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; các Công điện (số 1156/CĐ-TTg; số 1163/CĐ-TTg; số 1164/CĐ-TTg;…) và Thông báo Kết luận số 242/TB-VPCP ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Tập trung xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, tạo sự đồng bộ, thống nhất, ổn định của các quy hoạch; gắn kết phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hệ thống kết cấu hạ tầng với phát triển đô thị và các dự án nhà ở để đảm bảo cân đối cung - cầu.

Đẩy mạnh việc rà soát, phân loại xử lý các dự án bất động sản đang có vướng mắc về pháp lý, phải ngừng hoạt động, không đưa được sản phẩm ra thị trường do vướng mắc pháp lý để giải phóng nguồn lực đất đai, nguồn vốn đầu tư, giảm rủi ro nợ xấu tín dụng.

Kiên quyết xử lý cán bộ sợ trách nhiệm, sách nhiễu trong thực hiện các thủ tục về đất đai, bất động sản

Kiên quyết xử lý tình trạng cán bộ lơ là, không làm hết trách nhiệm, sợ trách nhiệm và sách nhiễu trong thực thi công vụ nhất là trong công tác phê duyệt quy hoąch, thực hiện các thủ tục về đầu tư, cấp phép, đấu thầu, đấu giá, định giá đất đai, bất động sản.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản gắn với chính sách nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân.

Tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường đặc biệt là nhu cầu về các loại hình bất động sản công nghiệp, bất động sản dịch vụ, du lịch để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, nhu cầu về nhà ở theo các phân khúc;

Tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn đối với phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp để thúc đẩy thị trường tự điều chỉnh phù hợp với nhu cầu.

Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn kịp thời tháo gỡ khó khăn trong triển khai thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản.

Đẩy mạnh công tác công bố, công khai, minh bạch các thông tin, đảm bảo hiệu quả, kịp thời, đúng bản chất tình hình, tránh các thông tin sai lệch, chú trọng tuyên truyền, phổ biến, công bố công khai các chính sách, quy định, giải pháp mới của Nhà nước về tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, tình hình thị trường bất động sản.