
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội
Bỏ thuế khoán: Cần làm gì để các hộ kinh doanh cảm thấy thuận lợi hơn, chuyên nghiệp hơn và hứng khởi hơn trong việc nộp thuế?
Chất vấn tư lệnh ngành Tài chính, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển hộ kinh doanh một cách chuyên nghiệp là bỏ thuế khoán. Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân cũng quyết định bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ ngày 01/01/2026.
Chính sách này đang tác động đến hàng triệu hộ kinh doanh, với tâm lý e ngại. Một số ý kiến đề nghị lùi thời hạn áp dụng quy định này, điều này cho thấy hộ kinh doanh không ngại nộp thuế nhưng rất e ngại về cách tính thuế, thủ tục để nộp thuế cho đúng.
“Xin hỏi Bộ trưởng, Chính phủ đã có kế hoạch và giải pháp như thế nào để chuẩn bị cho việc thực thi cách thu thuế mới với hộ kinh doanh mà sau khi bỏ thuế khoán để các hộ kinh doanh cảm thấy thuận lợi hơn, chuyên nghiệp hơn và hứng khởi hơn trong việc nộp thuế?", đại biểu Hoàng Văn Cường chất vấn?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Trả lời câu hỏi của đại biểu về bỏ thuế khoán, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hệ thống thuế của Việt Nam được các cơ quan quốc tế đánh giá là cơ bản tiếp cận các thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, liên quan đến tính minh bạch trong một số loại thuế thu thủ công đang là rào cản rất lớn, dẫn đến không minh bạch trong công tác quản lý thuế.
Vì vậy, Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 198 của Quốc hội đã nêu yêu cầu bỏ hình thức thuế khoán chậm nhất trong năm 2026.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, cơ chế thuế khoán phù hợp trong giai đoạn nhất định, nhưng đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, thiếu minh bạch, dễ lạm dụng và gây bất bình đẳng giữa các loại kinh doanh và không tạo được động lực cho hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc bãi bỏ thuế khoán từ năm 2026 là chủ trương rất đúng của Đảng và Nhà nước, là bước đi căn cơ và cần thiết để minh bạch hóa hoạt động của các hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp và mở rộng khu vực kinh tế chính thức.

Bộ trưởng khẳng định, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách mới sẽ có những tác động đến hàng triệu hộ kinh doanh.
Do đó, Bộ Tài chính đang chuẩn bị đồng bộ về pháp lý, công nghệ để hỗ trợ thực hiện đảm bảo thuận lợi và giảm gánh nặng về thủ tục, cũng như chi phí cho các hộ kinh doanh.
Trong đó, rà soát, hoàn thiện chính sách thuế; đề xuất sửa Luật Quản lý thuế, Luật Thu nhập cá nhân hướng đến mô hình quản lý thuế mới và kê khai đơn, giản minh bạch và dễ thực hiện; đơn giản hóa các sổ sách, hóa đơn chứng từ để đảm bảo hộ kinh doanh sẽ không bị áp lực khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
Cùng với đó, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý thuế như: áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền giúp thu đúng, thu đủ; đồng thời giảm thời gian cũng như chi phí cho các hộ kinh doanh.
Cung cấp miễn phí hệ thống khai thuế, nộp thuế điện tử, phần mềm hóa đơn điện tử, phần mềm kế toán, đặc biệt là hỗ trợ cho các hộ kinh doanh còn khó khăn trong giai đoạn đầu.
Đẩy mạnh chuyển đổi số nội bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ công và năng lực quản lý thuế, tăng cường kết nối dữ liệu.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh truyền thông, đào tạo và tư vấn, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh hiểu rõ lợi ích, cách thực hiện hóa đơn điện tử và kê khai thuế; Tổ chức đào tạo, tư vấn pháp lý, kế toán thuế cho các hộ kinh doanh…

Đại biểu Đặng Bích Ngọc.
Ba giải pháp căn cơ để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) về các giải pháp để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 theo Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định đây là “một mục tiêu có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện khát vọng phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận đây là một thách thức lớn trong bối cảnh sức cầu suy giảm, môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ trưởng nêu ba nhóm giải pháp căn cơ. Thứ nhất là kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và hiệu quả. Bộ Tài chính sẽ tập trung tháo gỡ các rào cản gia nhập thị trường, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, rà soát các vướng mắc trong đầu tư, đất đai, xây dựng và quy hoạch.
“Chúng ta cũng phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ hai là thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp. Hiện có hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động và đây là lực lượng có tiềm năng lớn nhất để hiện thực hóa mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đang hoàn thiện phương pháp thu hẹp chênh lệch giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp về quản trị, tài chính, kế toán; triển khai chính sách bãi bỏ chế độ khoán từ năm 2026; đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ thiết thực như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm, bãi bỏ thuế môn bài, cung cấp phần mềm kế toán miễn phí.
Thứ ba là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bộ Tài chính sẽ ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai, vốn, thị trường, công nghệ, chuyển đổi số và phát triển nguồn lực.
“Chúng tôi tập trung khơi thông điểm nghẽn, hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu, thích ứng để từ đó giảm số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường" - Bộ trưởng khẳng định.

Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang)
Nhiều chính sách hỗ trợ nhóm doanh nghiệp yếu thế
Với chất vấn của đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) về hỗ trợ doanh nghiệp ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và doanh nghiệp do phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số làm chủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Đảng và Nhà nước luôn quan tâm thúc đẩy các nhóm doanh nghiệp yếu thế, nhằm thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế gắn với giải quyết vấn đề xã hội, môi trường.
Bộ Tài chính đã lồng ghép nhiều chính sách ưu đãi trong các luật hiện hành như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hợp tác xã và Luật Đấu thầu.
Theo đó, Luật Đầu tư có chính sách ưu đãi cho dự án triển khai ở các địa bàn khó khăn. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hợp tác xã, Luật Đấu thầu cũng có các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, hợp tác xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa do phụ nữ làm chủ, làm chủ, sử dụng người lao động khuyết tật, rồi người đồng bào dân tộc thiểu số.

Mới đây, Bộ Tài chính đã tham mưu để đưa vào Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 198/2025/QH15 về cơ chế chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân của Quốc hội chính sách ưu tiên nhóm doanh nghiệp này tiếp cận và sử dụng các sản phẩm tài chính.
Đặc biệt là dành riêng gói thầu từ 20 tỷ đồng trở xuống cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên doanh nghiệp ở vùng khó khăn và nhóm yếu thế.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi hơn, đẩy mạnh chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo, tư vấn phát triển thị trường cho các doanh nghiệp này.
Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để đưa chính sách “đến tận cơ sở, đúng đối tượng, đúng nhu cầu và đúng thời điểm”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn
Thúc đẩy, phát triển kinh tế tư nhân xây dựng, phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ công
Trả lời câu hỏi của đại biểu về thúc đẩy và phát triển kinh tế tư nhân vào xây dựng, phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã tham mưu với Chính phủ để tiếp tục trình Quốc hội sửa đổi các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật, Bộ Tài chính đã tham mưu với Chính phủ để rút ngắn tối đa thời gian lập, thẩm định dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), cắt giảm thủ tục và chủ trương đầu tư đối với một số nhóm dự án.
Bên cạnh đó là trao quyền chủ động cho cơ quan có thẩm quyền để quyết định việc thành lập và không thành lập Hội đồng thẩm định nhằm giảm thời gian trong các thủ tục để triển khai, thu hút các dự án PPP.
Ngoài ra, mở rộng các trường hợp chỉ định thầu, lựa chọn đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đặc thù; triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách.
Đặc biệt, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được tham gia đa dạng hóa các lĩnh vực, hình thức hợp tác đầu tư công để các doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn, phát huy các mô hình như là đầu tư tư sử dụng công; đầu tư công quản trị tư; lãnh đạo công quản trị tư.
Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, Bộ Tài chính cũng đã và đang xây dựng nghị định về PPP trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định trong tháng 6 này. Nghị định dự kiến có nhiều điểm mới nhằm tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào các dự án PPP trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Song song với đó, Bộ Tài chính cũng tích cực tháo gỡ những khó khăn trong các dự án PPP giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng).
Ưu đãi thiết thực để hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp
Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) đặt câu hỏi về chính sách đột phá khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hiện nay, cả nước có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó nhiều hộ có doanh thu hàng năm không kém doanh nghiệp, thậm chí còn cao hơn, nhưng vẫn chưa chuyển đổi mô hình. Đây là lực lượng tiềm năng lớn để hiện thực hoá mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017 đã quy định về chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay số lượng chuyển đổi không nhiều. Bộ trưởng đã chỉ rõ 3 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này.
Thứ nhất, chi phí tuân thủ pháp luật giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp còn chênh lệch lớn. Thứ hai, nhiều hộ chưa nắm rõ quy định pháp luật, chưa quen với quản lý sổ sách kế toán, nên còn tâm lý dè dặt. Thứ ba là thuế khoán và chế độ sổ sách kế toán đơn giản là sự thuận lợi khiến hộ kinh doanh không mặn mà với việc chuyển sang mô hình doanh nghiệp.
Từ thực tế này, Bộ Tài chính đang triển khai bốn nhóm giải pháp. Đó là rà soát, hoàn thiện khung pháp lý để thu hẹp khoảng cách về quản trị, kế toán, tài chính giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, pháp lý để thực hiện bỏ thuế khoán từ năm 2026, coi đây là giải pháp căn cơ để minh bạch hoạt động hộ kinh doanh, tạo động lực chuyển đổi.
Bộ Tài chính cũng sẽ triển khai các chính sách ưu đãi thiết thực như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm đầu sau chuyển đổi, bãi bỏ lệ phí môn bài, cung cấp miễn phí phần mềm kế toán và nền tảng số…
“Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, nhận thức và năng lực quản trị của hộ kinh doanh để họ tự tin chuyển đổi và phát triển bền vững theo cái mô hình doanh nghiệp”, Bộ trưởng chia sẻ.

Hỗ trợ tối đa cho hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử và "chưa phạt ai cả"
Liên quan đến băn khoăn của đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) về việc nhiều hộ tiểu thương vẫn lúng túng khi sử dụng hóa đơn điện tử và e ngại bị xử phạt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định: “Hiện nay chúng tôi đang hỗ trợ tối đa cho các hộ kinh doanh và không có chuyện phạt bất cứ hộ kinh doanh nào trong quá trình triển khai thực hiện, trừ khi sau này khi đã triển khai mà hộ kinh doanh cố tình thì lúc đó phải có chế tài”.
Theo Bộ trưởng, hiện nay Cục Thuế đã hết sức nỗ lực, cố gắng để phối hợp với chính quyền địa phương các cấp hướng dẫn, hỗ trợ hộ kinh doanh, giải thích để họ triển khai đúng quy định của pháp luật và “chưa phạt ai cả”.
Về tình trạng một số hộ cố tình không xuất hóa đơn điện tử khi khách hàng thanh toán tiền mặt, Bộ trưởng cho rằng đây không phải là hiện tượng phổ biến. Hành vi này không đúng quy định pháp luật, là hành vi vi phạm luật về thuế và các quy định hiện hành.
Bộ Tài chính sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương và cơ quan báo chí để đẩy mạnh tuyên truyền, chấm dứt hành vi này.