Thông tin trên được Đại tá Dương Văn Yên, Phó chủ nhiệm Tổng cục CNQP nhấn mạnh tại Hội thảo “Hợp tác công nghiệp quốc phòng Việt Nam và các nước” diễn ra ngày 9/12 trong khuôn khổ Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.
Các cơ sở công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ
Giới thiệu với các đại biểu quốc tế về công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Đại tá Dương Văn Yên cho biết, công nghiệp quốc phòng Việt Nam được ra đời ngay sau khi nước Việt Nam giành được độc lập năm 1945.
Trải qua gần 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đồng hành cùng mọi thắng lợi của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và đang lớn mạnh không ngừng.
Bắt đầu với các xưởng sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật và đến nay đã hình thành được một hệ thống thống nhất các cơ sở nghiên cứu, sản xuất trải dài trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
Hầu hết các cơ sở công nghiệp quốc phòng Việt Nam thuộc sở hữu Nhà nước, giao cho Bộ Quốc phòng Việt Nam quản lý.
Trong đó, Tổng cục công nghiệp quốc phòng là cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ, Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý về công nghiệp quốc phòng trên phạm vi cả nước; đồng thời, quản lý, chỉ đạo các công ty sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị trực thuộc.
Đại tá Dương Văn Yên nhấn mạnh, hiện nay, năng lực của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực.
Theo Đại tá Dương Văn Yên, hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng là một trụ cột trong đối ngoại quốc phòng.
Chủ trương của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng là đa phương hóa, đa dạng hóa các kênh hợp tác, mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài về sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần đáp ứng yêu cầu của các lực lượng vũ trang.
Nhiều sản phẩm được sản xuất thành công từ kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ hay hợp tác nghiên cứu, sản xuất với các nước như súng, tàu quân sự, ngòi đạn, thuốc phóng, thuốc nổ... Đồng thời, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm quốc phòng do Việt Nam sản xuất.
Chia sẻ về định hướng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng trong thời gian tới, Đại tá Dương Văn Yên nhấn mạnh, Việt Nam chủ động thực hiện phương thức hợp tác quốc tế đa dạng, linh hoạt, đồng bộ cả về chiều rộng và chiều sâu: Chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết, hợp tác cùng nghiên cứu phát triển mẫu vũ khí mới, hợp tác về đào tạo nhân lực, phát triển thị trường quốc tế và xây dựng thương hiệu, xuất khẩu sản phẩm quân sự, lưỡng dụng và sản phẩm kinh tế; tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu trong phân công chuyên môn hoá sản xuất trước hết là các sản phẩm kinh tế và lưỡng dụng...
Phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng
Đề cập tới chính sách phát triển theo hướng lưỡng dụng của công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Đại tá Dương Văn Yên cho biết, chính sách này được triển khai đồng bộ theo hai chiều: Một là, đẩy mạnh các lĩnh vực có thế mạnh của công nghiệp quốc phòng để tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Hai là, huy động tối đa năng lực sản xuất, công nghệ của các thành phần kinh tế công nghiệp dân sinh cho các hoạt động công nghiệp quốc phòng.
Qua đó, kết hợp chặt chẽ các cơ sở công nghiệp quốc phòng với các cơ sở công nghiệp dân sinh phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phải tuân thủ yêu cầu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, sẵn sàng huy động, động viên để sản xuất bảo đảm cho nhu cầu quốc phòng khi cần thiết.
Về chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam hiện đại, Đại tá Dương Văn Yên lưu ý, Việt Nam chủ trương xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, đủ năng lực sản xuất được các loại vũ khí trang bị hiện đại, vũ khí chiến lược, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại, nâng cao sức mạnh, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nâng cao tiềm lực quốc phòng.
Trong tham luận của mình, Đại tá Dương Văn Yên cũng đưa ra các định hướng, giải pháp phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam theo hướng lưỡng dụng, hiện đại.
Phần trình bày về nội dung "công nghiệp quốc phòng Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, phát triển theo hướng lưỡng dụng, hiện đại" của Đại tá Dương Văn Yên đã thu hút sự quan tâm và nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội thảo.
Theo QĐND