CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Vì sao bức tranh vận tải xe buýt chưa sáng như kỳ vọng?

09:03 - 26/07/2022

(Chinhphu.vn) - Xe buýt là sự lựa chọn không thể thiếu của một đô thị văn minh. Những năm qua các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để phát triển phương tiện này. Tuy nhiên, dường như "bức tranh" vận tải xe buýt nói chung, nhất là tại 2 thành phố lớn nhất cả nước là TPHCM, Hà Nội "vẫn chưa sáng được như kỳ vọng".

Xe buýt là sự lựa chọn không thể thiếu của một đô thị văn minh

Tại tọa đàm "Để xe buýt thực sự là một lựa chọn văn minh" do Cổng TTĐT Chính phủ vừa tổ chức, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu vấn đề: Xe buýt là sự lựa chọn không thể thiếu của một đô thị văn minh. Để người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, trong đó có xe buýt, từ nhiều năm qua, Hà Nội, TPHCM cũng như nhiều địa phương khác đã triển khai một loạt biện pháp có thể tạm phân thành 2 nhóm là: Hạn chế và khuyến khích.

Thứ nhất, các địa phương hạn chế xe cá nhân bằng cách hạn chế đăng ký xe (mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe máy chẳng hạn); tăng phí trước bạ đăng ký xe, tăng thuế, thu phí xe cá nhân; thu phí lưu thông; phí đậu xe phí đậu xe…

Thứ hai, để khuyến khích xe buýt và người dân sử dụng xe buýt, các địa phương đã nỗ lực giữ cho đường thông hè thoáng; tăng cường tuyên truyền vận động người dân đi xe buýt; xây dựng trạm dừng, nhà chờ, trạm trung chuyển xe buýt; cải tiến công tác điều hành; triển khai một loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ để xã hội hóa vận tải xe buýt như: hỗ trợ cho vay ưu đãi; trợ giá, hỗ trợ xe buýt; hỗ trợ người yếu thế như học sinh, sinh viên, người cao tuổi,…; cho quảng cáo trên xe buýt để tăng nguồn thu; đưa vào vận hành các tuyến buýt nhanh BRT,…

Tuy nhiên, dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, nhưng dường như "bức tranh" vận tải xe buýt tại 2 thành phố lớn nhất cả nước là TPHCM, Hà Nội "vẫn chưa sáng được như kỳ vọng".

Dịch vụ của xe buýt chưa tạo được sự yên tâm cho người dân

Từ góc độ "dân nguyện" và góc độ của nhà quản lý, bình luận về câu chuyện này, TS. Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: Rõ ràng, hầu hết các nước trên thế giới sử dụng xe buýt là phương tiện giao thông công cộng đáp ứng kỳ vọng của người dân. Đó cũng chính là giải pháp giải quyết không chỉ vấn đề giao thông mà cả vấn đề an ninh an toàn trật tự giao thông, an toàn trật tự xã hội.

Chúng ta có thể thấy vận tải xe buýt ở những nước văn minh như Anh, Pháp rất đáng mơ ước. Nước ta phát triển xe buýt cũng rất nhiều năm. Chúng ta đã từng bỏ tàu điện để thay thế bằng những tuyến xe buýt. Người dân dần dần có thói quen đi xe buýt và đặc biệt khi có loại hình xe buýt mới có điều hòa thì người dân rất hồ hởi phấn khởi.

Bên cạnh những cái xe buýt đạt được, vẫn còn những vấn đề khiến xe buýt chưa hấp dẫn. Dịch vụ của xe buýt chưa tạo được sự yên tâm cho người dân.

Qua báo chí qua công luận, có bài báo đã đưa tin xe buýt là hung thần đường bộ gây ra nhiều vụ tai nạn, thậm chí có cả xe buýt cố tình gây tai nạn.

Hai là, xe buýt gây ra ách tắc giao thông. Bản thân diện tích của xe buýt không lớn, 1 xe máy 4 m2, 10 xe máy hơn cả xe buýt, nhưng đấy là tính toán mang tính cơ học. Tính cơ học của xe buýt hiện nay trong đường phố không thể như xe máy. Chính vì thế tiết diện của nó tạo ra trên đường phố gây cản trở rất nhiều, gây ách tắc giao thông. Đặc biệt là cách chạy xe buýt hiện nay, nhiều anh chạy rất dích dắc, thậm chí vượt cả đèn đỏ.

Thứ ba, xe buýt gây ô nhiễm môi trường. Thứ tư, vỉa hè, lòng đường chúng ta không quản lý được. Rõ ràng bến bãi, vỉa hè lòng đường quản lý đô thị kém, dẫn đến chậm đổi mới giao thông công cộng, ảnh hưởng ngay đến vận hành xe buýt, không thể trở thành phương tiện nhanh nhẹn được.

Và cái quan trọng nhất, người dân cần đáp ứng mục tiêu, nhất là cán bộ, công chức, người lao động rất cần đúng giờ. Đi xe buýt thì người ta phải đi bộ 1 đoạn từ nhà ra bến xe buýt, rồi chờ đợi, xong đi được xe buýt đến được địa điểm nào đó lại tiếp tục đi bộ tiếp đến cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. Nó tạo ra sự bất tiện với người dân, nên người ta nói rằng tốt nhất là đi xe máy vù cái đến tận nơi.

Rồi vấn đề nữa tạo sự không hấp dẫn của xe buýt mà báo chí đã phản ánh là thái độ của nhân viên trên các xe buýt chưa phù hợp, thậm chí có người rất hùng hổ. "Tôi đã đọc những bài báo người ta nói không đi xe buýt chỉ vì có 1 lần nhân viên đối xử không đến nơi đến chốn", TS. Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.

"Chúng ta cũng đặt ra những cơ chế trợ giá xe buýt, rồi đặt ra BRT,... Người dân đặt ra dấu hỏi đấy là duy trì để trợ giá cho hành khách hay trợ giá cho các công ty, doanh nghiệp vận tải xe buýt. Nếu chúng ta đặt ra được những gì hấp dẫn với người dân, người tham gia giao thông thì người ta lựa chọn, còn nếu vẫn giữ tình trạng như hiện nay thì xe buýt thực sự khó khăn", TS Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.