Nếu giảm thêm nhiều khoản thuế sẽ "làm khó" ngân sách nhà nước
Hiện nay, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào 3 yếu tố đó là: Giá thế giới, thuế và Quỹ Bình ổn giá. Đến nay, giá xăng dầu thế giới tăng rất cao, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã âm. Do đó, "van điều tiết" từ quỹ không còn tác dụng.
Vậy thì giá xăng dầu muốn giảm, cần "van điều tiết" công cụ thuế. Câu hỏi đặt ra lúc này là có nên giảm thuế hay không? Nêu vấn đề trên Thời báo Tài chính, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, muốn trả lời câu hỏi này, thì chúng ta cần nhìn nhận nó ở nhiều góc độ.
Trên thực tế, nhiều nước giàu hiện nay đã giảm thuế và sử dụng nhiều công cụ điều tiết khác để giảm giá xăng dầu.
Đối với nước ta, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng: "Một chính sách phải thực hiện được đa mục tiêu. Hiện nay chúng ta cũng phải đảm bảo cân đối nguồn thu để đáp ứng các nhu cầu chi như chi thường xuyên, chi đầu tư, chi cho an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.
Vừa qua, chúng ta đã thực hiện gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ rất lớn thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Như Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thông báo trước Quốc hội, trong 5 tháng qua đã hỗ trợ hơn 26 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm thuế trên tổng số hơn 64 nghìn tỷ đồng. Đây là con số rất lớn mà ngân sách phải bỏ ra hỗ trợ tổng thể nền kinh tế.
Nghĩa là đã giảm nhiều khoản thuế, phí, lệ phí rồi, nếu giảm thêm nhiều khoản thuế đối với giá xăng sẽ làm khó cho ngân sách nhà nước".
Đề xuất giảm thuế xăng dầu là những ý kiến rất đáng lưu ý
Nêu quan điểm đối với các ý kiến đề xuất giảm về mức 0 đồng với thuế bảo vệ môi trường (BVMT), hoặc có thể cân nhắc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (GTGT)… đối với xăng dầu, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng: Đây cũng là những ý kiến rất đáng lưu ý.
Đối với thuế BVMT mới đây Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm 1.000 đồng/lít đối với xăng về mức sàn. Có ý kiến cho rằng, tại sao không giảm hết về 0 đồng là bởi vì nếu giảm về 0 đồng, vô hình trung sẽ không còn loại thuế đó nữa. Như vậy, đề xuất giảm về mức sàn của Bộ Tài chính là hợp lý.
Đối với thuế TTĐB, quy định với những mặt hàng xa xỉ, hàng Nhà nước không khuyến khích và có tác động đến môi trường. Xăng sản xuất từ nguyên liệu hóa thạch, từ dầu mỏ nên phải thực hiện tiết kiệm và phải đánh thuế TTĐB.
Còn đối với thuế GTGT, hiện nay Nhà nước giảm 2% đối với các loại hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Tuy nhiên, Quốc hội đã quyết định không giảm mức thuế GTGT đối với các mặt hàng chịu thuế TTĐB (trong đó có mặt hàng xăng) và dầu mỏ tinh chế.
Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất MFN đối với xăng từ mức 20% xuống mức 12% (chênh 4% so với thuế suất FTA từ Hàn Quốc và ASEAN). Đối với mặt hàng dầu hiện đang áp dụng mức thuế suất MFN là 7% đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.
Mức chênh lệch 4% giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA đối với xăng cũng là hợp lý để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn cung xăng mới trong trường hợp nguồn cung xăng từ các thị trường truyền thống bị thiếu hụt, đồng thời vẫn đảm bảo được dư địa đàm phán các Hiệp định FTA mới trong tương lai trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.
Giải bài toán giá xăng dầu: Phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo PGS.TS. Ngô Trí Long: Giải bài toán về giá xăng dầu trong lúc này không hề dễ dàng. Nếu trong bối cảnh xăng dầu tăng quá cao, cơ quan quản lý cũng nên cân nhắc đến việc giảm thuế TTĐB hay GTGT.
Tuy nhiên, việc thực hiện điều chỉnh thuế TTĐB, thuế GTGT thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể giảm trong "ngày một ngày hai".
Do đó, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, trong trước mắt, Bộ Công Thương cần phải tính toán, khuyến khích các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tìm nguồn xăng dầu rẻ để mua về góp phần giảm giá.
Bên cạnh đó, việc khôi phục lại sản xuất của nhà máy lọc dầu trong nước cũng phải làm khẩn trương hơn.
Cùng với đó, việc tiết kiệm sử dụng xăng dầu trong bối cảnh giá tăng cao cũng phải được người dân, doanh nghiệp tính toán.
PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh: Chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chứ không chỉ tính đến việc giảm thuế mỗi khi giá xăng dầu tăng cao. Theo dự báo của Bộ Công thương, giá bình quân các mặt hàng xăng dầu cả năm 2022 sẽ ở mức 130-140 USD/thùng, nên chúng ta phải chủ động các phương án từ sớm, từ xa, chứ không thể mỗi khi xăng dầu tăng cao lại "ép" giảm thuế.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, nên để giá xăng tiệm cận dần theo giá thị trường. Nếu dùng thuế để điều chỉnh giá xăng dầu sẽ dễ tạo ra sự không bình đẳng, không công bằng trong nền kinh tế, bởi vì có những lĩnh vực sử dụng nhiều xăng dầu và những lĩnh vực dùng ít hơn. Khi Nhà nước đã ban hành các sắc thuế thì phải đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, việc dùng thuế để can thiệp vào giá thị trường nên có mức độ.
Các bộ, ngành, địa phương cũng phải cùng vào cuộc, ví như Bộ Công Thương, cần phải làm tốt công tác dự báo, có kịch bản điều hành phù hợp.
Cùng với đó, cần chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường, tăng cường thanh tra kiểm tra cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các địa phương cần vào cuộc, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu ngân sách. Còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cũng như các doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu như vận tải, logistics,.. nghiên cứu sử dụng công cụ hedging để phòng ngừa rủi ro biến động giá xăng dầu./.