Được bố trí một hoặc nhiều tổ tuần tra, kiểm soát trên mỗi tuyến
Theo đó, việc bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và thời gian tuần tra, kiểm soát quy định trên mỗi tuyến giao thông đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và luồng hàng hải ngoài vùng nước cảng biển nơi phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động qua mỗi địa phương được bố trí một hoặc nhiều Tổ tuần tra, kiểm soát. Mỗi tổ gồm Tổ trưởng và các tổ viên.
Số lượng cán bộ trong mỗi Tổ tuần tra, kiểm soát do Thủy đội trưởng, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát đường thủy, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy hoặc Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Thủy đội trưởng, Trạm trưởng, Đội trưởng) quyết định.
Thời gian thực hiện nhiệm vụ của một Tổ tuần tra, kiểm soát không quá 08 giờ/ngày.
Trường hợp cần kéo dài thêm thời gian thì Thủy đội trưởng, Đội trưởng, Trạm trưởng phải báo cáo và được sự đồng ý của Thủy đoàn trưởng; Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nhưng phải bảo đảm chế độ nghỉ bù cho cán bộ theo quy định.
Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải bố trí đủ cán bộ ứng trực và trực ban tại đơn vị 24/24 giờ…
Nghiêm cấm lợi dụng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính để sách nhiễu, gây phiền hà nhân dân
Nguyên tắc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính phải tuân thủ quy định của Thông tư này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệnh Công an nhân dân; thực hiện đúng kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bảo đảm tính minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng, an toàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính và các vi phạm pháp luật khác theo đúng quy định.
Chỉ được bố trí cán bộ đã được cấp Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát đường thủy làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trên đường thủy nội địa.
Nghiêm cấm lợi dụng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính để sách nhiễu, gây phiền hà Nhân dân, cản trở hoạt động giao thông vận tải thủy, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.