Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết thông tin trên tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Tại Hội nghị, bà Trương Thị Mai đã truyền đạt chuyên đề về Nghị quyết 28 “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.
Theo bà Mai, qua hơn 2 tháng thực hiện Thông báo 20, có 3 cán bộ thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác; 2 Thứ trưởng thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi; 2 Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, phương thức lãnh đạo của Đảng với hoạt động của hệ thống chính trị đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.
Bà Mai thông tin, nhiệm kỳ XI (2011-2016) đã thi hành kỷ luật 56.572 đảng viên, trong đó khiển trách 36.754, cảnh cáo 15.008, cách chức 2.477, khai trừ 2.333 đảng viên.
Sang nhiệm kỳ XII (2016-2021) có số đảng viên bị kỷ luật cao hơn. Cụ thể là đã thi hành kỷ luật 93.207 đảng viên, trong đó khiển trách 65.647, cảnh cáo 17.217, cách chức 2.496, khai trừ 7.847 đảng viên.
Còn từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cấp uỷ các cấp đã thi hành kỷ luật 365 tổ chức Đảng, 56 đảng viên; uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 48 tổ chức Đảng, 5.527 đảng viên.
“Nôi dung vi phạm chủ yếu là việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; phẩm chất đạo đức, lối sống; giữ gìn đoàn kết nội bộ; vi phạm những điều đảng viên không được làm; chính sách kế hoạch hoá - gia đình; tham nhũng, cố ý làm trái; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo; quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản…”, bà Mai cho hay.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị vẫn còn những hạn chế.
Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng không khả thi. Mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh.
Một số cấp uỷ, tổ chức Đảng chưa chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc. Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa tác động đến một số đối tượng, địa bàn…
Vì vậy, bà Mai cho hay, Nghị quyết 28 “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” lần này nêu rõ 3 quan điểm, 3 mục tiêu và đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, Trung ương nêu rõ mục tiêu, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là thể chế hoá, cụ thể hoá thành luật và các văn bản dưới luật; tạo chuyển biến thực sự, đạt kết quả cao trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng ở các cấp.
“Đề cao trách nhiệm của tập thể, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với kiểm soát quyền lực chặt chẽ”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.