Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất nhiều nội dung quan trọng đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng, khi hình thức này ngày càng phổ biến.
Dự thảo quy định, điều kiện để các chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng thực hiện phân loại phim là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có chức năng hoặc có đăng ký ngành nghề phổ biến phim. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài muốn phổ biến phim trên không gian mạng tới người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam thì thực hiện thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc theo hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Điều 8 Luật Điện ảnh.
Hướng dẫn để cha/mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi
Doanh nghiệp đủ điều kiện cần có đầu mối, thông tin, địa chỉ liên hệ để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; có hội đồng phân loại phim (trong đó có các thành viên đủ năng lực để thực hiện phân loại phim).
Doanh nghiệp cần có phương án kỹ thuật sửa đổi, cập nhật kết quả hay tạm dừng phổ biến, gỡ bỏ phim theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có phương án thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha/mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi, đề nghị người sử dụng báo cáo, phản ánh phim vi phạm. Đồng thời, có cơ chế tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và phản ánh, khiếu nại của người sử dụng dịch vụ.
Để phổ biến phim, các doanh nghiệp, tổ chức phải gửi báo cáo qua đuờng bưu điện hoặc trực tiếp hay email đến Cục Điện ảnh các điều kiện quy định trước khi thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam. Trong thời hạn 15 ngày, cơ quan này sẽ đăng tải công khai tên doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện phân loại phim trên không gian mạng trên Cổng thông tin và cấp quyền truy cập Hệ thống dữ liệu về phân loại phim.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi thay đổi nội dung, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng có trách nhiệm gửi thông báo những nội dung thay đổi tới Cục Điện ảnh.
Trước khi phổ biến phim trên mạng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng phải sử dụng tài khoản do Cục Điện ảnh cấp quyền truy cập để đăng tải hoặc cập nhật thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim thông qua Hệ thống dữ liệu về phân loại phim của cơ quan này.
Tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm pháp luật chậm nhất không quá 3 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu
Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Nghị định đó là việc kiểm soát và trách nhiệm của các bên trong việc gỡ phim được phổ biến trên mạng.
Theo đó, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng phải thiết lập các biện pháp kỹ thuật cần thiết để cha/mẹ, người giám hộ của trẻ em kiểm soát và giới hạn việc tiếp cận của trẻ.
Các đơn vị phổ biến phim trên không gian mạng thiết lập biện pháp kỹ thuật cần thiết cho phép người sử dụng dịch vụ khiếu nại, phản ánh, báo cáo phim vi phạm đối với chính doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khi người sử dụng dịch vụ có lý do để phản hồi nếu phim có nội dung và hành vi vi phạm; có các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức.
Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng có trách nhiệm công khai hướng dẫn cách sử dụng biện pháp kỹ thuật trên các ứng dụng hoặc trang web phổ biến phim; bảo đảm rõ ràng, minh bạch, dễ sử dụng. Đồng thời, xử lý phản ánh, khiếu nại, báo cáo của người sử dụng dịch vụ chậm nhất trong 48 giờ kể từ khi nhận được báo cáo của người sử dụng dịch vụ; tạm khóa hoặc gỡ bỏ nội dung bị phản ánh, khiếu nại.
Các tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số để thực hiện phổ biến phim tại Việt Nam phải có biện pháp để xác thực thông tin khi người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ, xác thực độ tuổi của người sử dụng.
Có biện pháp kỹ thuật để gỡ bỏ phim vi phạm quy định khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hướng dẫn cha/mẹ, người giám hộ trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phù hợp với độ tuổi
Ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm chậm nhất trong 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ TT&TT với truờng hợp doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng không thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ theo yêu cầu.
Dự thảo Nghị định cũng quy định trách nhiệm của các nhà mạng viễn thông, nếu phát hiện phim phổ biến trên không gian mạng vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông thực hiện ngay biện pháp ngăn chặn truy cập phim vi phạm pháp luật. Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các vi phạm đã được xử lý theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Triển khai những biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Thời gian hoàn thành chậm nhất không quá 3 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu.