CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Đề xuất 7 tiêu chí phân loại phim

18:49 - 21/09/2022

(Chinhphu.vn) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất 7 tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi gồm: Chủ đề, nội dung; Bạo lực; Khỏa thân, tình dục; Ma túy, các chất kích thích, gây nghiện; Kinh dị; Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục; Hình ảnh nguy hiểm dễ bắt chước.

Đề xuất 7 tiêu chí phân loại phim - Ảnh 1.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim.

6 loại phim phân loại theo lứa tuổi

1. Loại P: phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;

2. Loại K: phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;

3. Loại T13: phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên (13+);

4. Loại T16: phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên (16+);

5. Loại T18: phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên (18+);

6. Loại C: phim không được phép phổ biến.

Việc đánh giá, phân loại một bộ phim hoặc một nội dung được đánh giá dựa trên cách thể hiện, thời lượng, tần suất, mức độ chi tiết hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, lời thoại và mức độ tác động của bộ phim hoặc nội dung đối với khán giả xem phim.

Các nội dung cần đánh giá khi phân loại phim

a) Chủ đề, nội dung: Tác động lên việc hình thành các cảm xúc, tư tưởng và thẩm mỹ của từng nhóm khán giả theo độ tuổi, cũng như khả năng hiểu biết và chấp nhận chủ đề, nội dung của bộ phim.

b) Bạo lực: - Hành vi bạo lực được thể hiện trong bộ phim nhằm mục đích lên án, hoặc sau đó có thể đem lại hiệu quả, kết quả tích cực;

- Tính hiện thực của các tình huống, sự hiện diện của trẻ em trong các cảnh bạo lực, bao gồm cả bạo lực tình dục;

- Nhịp điệu và âm thanh, lời thoại, mức độ gây cảm giác sợ hãi của hành vi bạo lực;

- Khi xem xét phân loại hình ảnh bạo lực, sẽ căn cứ vào mức độ và tính chất bạo lực có yếu tố gia tăng (miêu tả bạo lực như một giải pháp thông thường, gây đau đớn và thương tích, sự nhẫn tâm đối với nạn nhân, khuyến khích thái độ hung hăng, các nhân vật tự sướng trong đau đớn và hoặc sỉ nhục, tôn vinh hoặc phô trương bạo lực, bạo lực vô cớ) hoặc yếu tố giảm nhẹ (bạo lực trong bối cảnh lịch sử, bạo lực trong bối cảnh hành động hoặc giả tưởng, bạo lực thiếu chi tiết, bạo lực trông giả tạo hoặc được dàn dựng quá đà, bạo lực hài hước, bạo lực bị lên án hoặc trừng phạt) để tiến hành phân loại.

c) Khỏa thân, tình dục: - Về nguyên tắc, khỏa thân trong bối cảnh không diễn ra hoạt động tình dục có thể được chấp nhận ở mọi cấp độ phân loại, tuy nhiên, tùy vào mức độ của hình ảnh để phân loại.

- Việc miêu tả hoạt động tình dục bao gồm từ hành động ôm hôn đến hoạt động tình dục không mô phỏng chi tiết. Khi xem xét phân loại nội dung tình dục, sẽ căn cứ vào mức độ gia tăng (việc miêu tả kéo dài, chi tiết hoặc vô cớ, nhấn mạnh vào khỏa thân và tình dục, nhấn mạnh vào sự thích thú của kẻ tấn công, nhấn mạnh và nỗi đau và sự sợ hãi của nạn nhân) trong phim hoặc mức độ giảm nhẹ (miêu tả ngắn gọn, thiếu chi tiết, và có thông điệp giáo dục rõ ràng) của hành vi để tiến hành phân loại.

d) Ma túy, các chất kích thích, gây nghiện: Mức độ sử dụng ma túy, các chất kích thích, gây nghiện và mục đích thể hiện trong phim không nhằm mục đích hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép, quảng cáo, tiếp thị và buôn bán trừ trường hợp lên án, phê phán hành vi ấy;

đ) Kinh dị: Mức độ gây căng thẳng, kích thích và đe dọa ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và tinh thần người xem là căn cứ để tiến hành phân loại.

e) Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục: - Mức độ và cường độ sử dụng hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục bao gồm cả tiếng lóng, phụ thuộc vào độ mạnh của ngôn ngữ, bối cảnh mà nó được sử dụng cũng như tính nhạy cảm của cộng đồng và văn hóa liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ thô tục;

- Ngôn ngữ khó chịu đối với người xem là những từ ngữ tục tĩu gắn với tình dục, tôn giáo hoặc chủng tộc, ngôn ngữ xúc phạm đối với các nhóm thiểu số và những cử chỉ thô lỗ được hiểu theo cách thông thường.

g) Hình ảnh nguy hiểm dễ bắt chước: Mức độ bắt chước, khuyến khích và kích thích các hành vi bắt chước như sử dụng ma túy, tự sát, bạo lực học đường, sử dụng vũ khí, hành động vi phạm pháp luật sẽ là căn cứ để tiến hành phân loại.

Phim loại P phù hợp với khán giả mọi lứa tuổi

Dự thảo quy định cụ thể tiêu chí đối với từng loại phim.

Đối với phim loại P (phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi), chủ đề của phim phù hợp với khán giả ở mọi lứa tuổi. Nội dung phim phản ánh mang tính giáo dục, giải trí, khuyến khích những giá trị đạo đức và quan hệ xã hội tích cực.

Phim không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh uy hiếp, đe dọa người khác, trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim và được mô tả ở mức độ nhẹ. Không có cảnh khỏa thân, có thể có hình ảnh mô tả thoáng qua sự âu yếm, ví dụ hôn phớt (nhẹ nhàng). Không có các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc sử dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện.

Trong phim loại P, hình ảnh kinh dị được mô tả ngắn gọn và không thường xuyên và không có bất cứ cảm giác đe dọa nào, ví dụ được miêu tả hài hước. Không chấp nhận việc sử dụng hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục. Không có những hình ảnh, âm thanh khuyến khích và kích thích hành vi bắt chước như sử dụng ma túy, tự sát, bạo lực học đường, sử dụng vũ khí, hành động vi phạm pháp luật.

Phim 18+ có thể có hình ảnh bạo lực, kinh dị

Đối với phim T18, chủ đề, nội dung của phim chỉ phù hợp với khán giả ở lứa tuổi từ đủ 18 trở lên. Có thể có những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ tả thực cảnh bạo lực nhưng phải phù hợp với nội dung phim và không gây mức độ căng thẳng quá mức. Có thể mô tả chi tiết một cách không lạm dụng cảnh khỏa thân toàn bộ phía trước, nhưng phải phù hợp với nội dung phim. Có thể mô tả cảnh kinh dị mạnh mẽ với cảm giác đe dọa liên tục nhưng không thường xuyên và không kéo dài, không tác động quá mức tới tâm lý và cảm xúc của người xem…

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.