TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI (suy yếu từ bão số 2 - PRAPIROON) và các chỉ đạo ứng phó

23/07/2024 11:15

(Chinhphu.vn) - Sáng 23/7, bão số 2 (PRAPIROON) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi vào Quảng Ninh - Hải Phòng. Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 70/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 2 và mưa lũ.

TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI (suy yếu từ bão số 2 - PRAPIROON) và các chỉ đạo ứng phó- Ảnh 1.

Dự báo vị trí và đường đi của bão số 2

Áp thấp nhiệt đới đi vào Quảng Ninh - Hải Phòng

Trung tập dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sáng 19/7, vùng áp thấp trên vùng biển phía Đông của khu vực Giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Sáng 21/7, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 2 năm 2024 và có tên quốc tế là PRAPIROON. Sáng 23/7, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 02 sáng 23/7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 10; tại Trà Cổ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; tại Cửa Ông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Đầm Hà (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. 

Ở phía Đông Bắc Bộ, Hoà Bình và Thanh Hoá đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Cát Bà (Hải Phòng) 310mm, Quảng Yên (Quảng Ninh) 173mm, Vạn Mai (Hoà Bình) 138mm, ...

Hồi 10 giờ ngày 23/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh-Hải Phòng. 

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8, di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 5-10km/h.

Dự báo diễn biến áp thấp nhiệt đới (trong 12 giờ tới)

Thời điểm dự báo

Hướng, tốc độ

Vị trí

Cường độ

Vùng nguy hiểm

Cấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng)

22h/23/7

Tây Tây Bắc, khoảng 5-10km/h và suy yếu thành vùng áp thấp

21,8N-106,1E; trên khu vực vùng núi phía Bắc

Phía Bắc vĩ tuyến 20,0N; phía Tây kinh tuyến 108,0E

Cấp 3: khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ

Dự báo tác động của áp thấp nhiệt đới

Trên biển: Trưa và chiều ngày 23/7, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Biển động.

Trên đất liền: Trong trưa ngày 23/7, ở khu vực ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; khu vực Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình có gió giật mạnh cấp 6.

Vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, biển ven bờ Quảng Ninh) độ cao sóng 1,5-2,5m. 

Chiều, tối ngày 23/7, ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh-Nam Định cần đề phòng triều cường cao, làm chậm quá trình thoát lũ trên các sông, gây ngập tại khu vực trũng, thấp ven biển, ven sông.

Từ chiều ngày 23/7 đến hết ngày 24/7, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến như sau:

- Phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa: 60-120mm, có nơi trên 250mm.

- Phía Tây Bắc Bộ và Nghệ An: 50-100mm, có nơi trên 200mm.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CHỈ ĐẠO TẬP TRUNG ỨNG PHÓ BÃO SỐ 2 VÀ MƯA LŨ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó bão số 2 và mưa lũ. 

Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên; Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Công điện nêu rõ, sáng nay (ngày 21 tháng 7 năm 2024), áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 2 trong năm 2024). 

Hồi 13 giờ chiều nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc, 112,2 độ Kinh Đông trên vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, trưa và chiều mai (ngày 22 tháng 7 năm 2024) bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ gây gió mạnh trên biển.

Bão số 2 có thể gây mưa to đến rất to tại các địa phương khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực phía Đông Bắc Bộ trong những ngày tới; nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ trên các sông suối nhỏ, ngập úng tại vùng thấp trũng và các đô thị, lũ quét, sạt lở đất ở miền núi và khu vực sườn dốc.

Triển khai kịp thời, hiệu quả các biện áp ứng phó bão số 2 và mưa lũ

Để chủ động ứng phó với bão số 2 và mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó bão, mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân, tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Trong đó: Tiếp tục hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.

Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.

Triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng.

Kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị chết, mất tích; huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.

Hải Phòng: Đình chỉ hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực biển, đảo từ 12 giờ 00 ngày 22/7/2024

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố vừa có Thông báo 25/TB-PCTT-TKCN&PTDS đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thuỷ nội địa, cáp treo, vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo, ven sông phòng chống bão số 2.

Theo đó, để đảm bảo an toàn về người và tài sản trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn do bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố thông báo đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thuỷ nội địa, phả sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long; hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực biển, đảo từ 12 giờ 00 ngày 22/7/2024.

Tiếp tục khẩn trương thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn; kiên quyết ngăn chặn, không để các tàu thuyền thuỷ sản, phương tiện đường thuỷ nội địa đã vào nơi trú tránh hoạt động trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn.

Đề nghị UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, các sở, ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo, tổ chức thực hiện. 

Công điện của Chủ tịch UBND thành phố về phòng, chống Bão số 2 năm 2024

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng vừa có Công điện 04/CĐ-CT yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận và Thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương chủ động ứng phó với bão số 2 năm 2024.

Theo đó, Công điện yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất các điều kiện để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão, mưa lớn gây ra; tiếp tục, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 1672/UBND-TL ngày 19/7/2024 về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản; hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn để đảm bảo an toàn.

Theo dõi chặt chẽ diến biến của bão; Kiểm đếm, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn; quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thuỷ sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tầu thuyền; gia cố lồng bè thủy sản.

Tuyệt đối không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản khi có gió mạnh hoặc bão đổ bộ, đặc biệt là khách du lịch trên biển và các đảo; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiên để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Cơ quan Thường trực về phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cầu qua sông, hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển; chủ động trao đổi cùng Sở Giao thông vận tải để thông tin, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam dừng hoạt động của cầu vượt biển.

Chủ động rà soát, thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu.

Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều (nhất là các vị trí xung yếu), khu, cụm công nghiệp, công trình đang thi công (đặc biệt lưu ý các công trình cao tầng), cầu tàu, bến cảng, khu hậu cần dịch vụ cảng, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc, khu vực khai thác khoáng sản, khu nuôi trồng thuỷ sản, trang trại, gia trại nông nghiệp, cắt tỉa cây xanh.

Chủ động các biện pháp tiêu nước trong hệ thống thủy lợi đề phòng ngập úng, bảo vệ cây trồng; rà soát, có phương án đảm bảo tiêu thoát nước đô thị trong trường hợp mưa lớn gây ngập lụt; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, để giảm thiểu thiệt hại.

Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. 

Rà soát, sẵn sàng phương án và tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt tại các khu vực sạt lở do mưa lớn gây ra; Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Đề nghị Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I chỉ đạo, hướng dẫn các tàu, thuyền, phương tiện thủy neo đậu tại các vùng nước do đơn vị quản lý đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến các công trình kết cấu hạ tầng khác khi có sự cố xảy ra.

Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố chủ động kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống theo địa bàn, lĩnh vực đã được phân công. 

Thường trực các quận ủy, huyện ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão trên địa bàn quản lý.

Quảng Ninh: Từ 12 giờ ngày 22/7, tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thuỷ ra khơi

Để ứng phó và phòng chống cơn bão số 2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh (thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh) đã ban hành văn bản tạm ngừng cấp phép tàu.

Để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Quảng Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa, Ủy ban nhân dân các địa phương ven biển nội dung sau: Xem xét tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi (có thể cho phép các tàu được chạy từ các tuyến đảo về đất liền tránh trú và kết thúc việc này trước 16 giờ ngày 22/7/2024); tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển.

Thời gian tạm ngừng bắt đầu từ 12 giờ ngày 22/7/2024.

Quảng Ninh: Tăng cường chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 2 

Ngày 22/7, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Công văn số 2162-CV/TU về việc tăng cường chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 2 và những tác động của cơn bão số 2.

Để chủ động ứng phó với bão và hình thái mưa sau bão có khả năng diễn biến phức tạp trong những này tới, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các cấp ủy, đảng ủy trực thuộc, chính quyền các địa phương và các cơ quan, đơn vị: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là Công điện hỏa tốc số 70/CĐTTg ngày 21/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó bão số 2 và mưa lũ; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 11/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh” và Thông báo số 1251- TB/TU ngày 04/6/2024 của Thường trực Tỉnh ủy “về sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 11/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”.

Đồng thời, tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến của cơn bão; tập trung chỉ đạo triển khai mọi biện pháp thông tin cho chủ phương tiện, ngư dân, các nhà bè, người có hoạt động sản xuất trên biển về diễn biến của cơn bão số 2 và tổ chức thực hiện di dời vào khu vực tránh trú bão đảm bảo an toàn; chủ động, khẩn trương kiểm tra, rà soát và kiểm soát chặt chẽ những vị trí xung yếu (đê kè biển, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản...), vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa...) và tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn; kiên quyết di dời người dân đến nơi đảm bảo an toàn, “tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người” và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản; khắc phục nhanh hậu quả do bão và hình thái mưa sau bão gây ra khi có tình huống nảy sinh nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, thiên tai.

Ngành Than chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 2 và những tác động của cơn bão số 2 theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”; chuẩn bị kỹ càng các phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn ở tất cả các đơn vị, đặc biệt là những vị trí có nguy cơ cao xuất hiện tình trạng sạt lở, sụt lún, bục nước, ngập mỏ...

Nam Định triển khai ứng phó Bão số 2

Ngày 22/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 2 năm 2024. 

Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 2 và mưa lũ gây ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương, các sở, ngành, các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi thực hiện nghiêm túc Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân; đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trong đó:

- Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn.

- Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các khu vực bến phà, đò ngang; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. 

Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.

- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thuỷ hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng.

- Chủ động kiểm tra, theo dõi thông tin, tình hình lũ trên các tuyến sông để tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/1/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tuần tra, canh gác và bảo vệ đê điều trong mùa lũ.

- Tổ chức phát quang các tuyến đê trên địa bàn phụ trách, để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố đê điều.

2. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện ven biển rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; Hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Cấm biển từ 10 giờ ngày 22/7/2024 đến khi có tin bão cuối cùng;

Kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; Nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 17 giờ ngày 22/7/2024;

3. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, địa phương và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, đôn đốc triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai theo nhiệm vụ được phân công, kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền. 

Tăng cường công tác trực ban, tuần tra, canh gác đê điều theo quy định; phát hiện, báo cáo và phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những sự cố, hư hỏng của đê, kè, cống; chỉ đạo vận hành linh hoạt điều tiết nước khi mưa lũ kéo dài đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp.

5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ địa phương ứng phó sự cố, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

6. Sở Giao thông vận tải và Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện trên sông; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến và dự báo thiên tai, chỉ đạo của cơ quan chức năng, hướng dẫn người dân kĩ năng ứng phó để giảm thiệt hại do thiên tai.

8. Các Sở, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ theo quy định.

9. Các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL trên địa bàn tỉnh:

- Tổ chức tiêu thoát nước để chủ động phòng, chống ngập úng cho các diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích lúa mới sạ, mới cấy. 

Đối với các diện tích sản xuất nông nghiệp đã xảy ra ngập, hoặc có nguy cơ xảy ra ngập phải khẩn trương vận hành tối đa năng lực của công trình được giao quản lý khai thác, nhất là các trạm bơm để tiêu thoát nước nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân.

- Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Thành đảm bảo duy trì mực nước tại các điểm khống chế theo đúng quy trình vận hành hệ thống được phê duyệt.

10. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp & PTNT điện thoại 02283.649.217, fax 02283. 646.779, email: qldnd2012@gmail.com).

Thái Bình thực hiện cấm biển từ 9 giờ ngày 22/7

Trước diễn biến phức tạp của bão số 2, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Thái Bình nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 9 giờ ngày 22/7; bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn, sắp xếp không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu.

Để chủ động ứng phó với bão, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm Công điện số 03/CĐ-PCTT hồi 7 giờ ngày 20/7 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 9 giờ ngày 22/7; bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn, sắp xếp không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu. 

Di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ sản, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm tại các vùng bãi thấp cửa sông, ven biển, số ngư dân trên các phương tiện vào nơi an toàn, chằng chống các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên sông, ven biển bảo đảm an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông. Các công việc này phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 22/7.

Các đơn vị quản lý hệ thống thủy nông cử cán bộ thường trực 24/24 giờ theo dõi mực nước, đóng các cống tưới, mở các cống tiêu (kể cả các cống đã thả phai dự phòng); tổ chức khơi thông giải phóng dòng chảy, triệt để tiêu nước trong hệ thống; chủ động vận hành các trạm bơm tiêu đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu và các khu vực trũng, thấp, khu công nghiệp, đô thị, dân cư tập trung.

Triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu tại các tuyến đê cửa sông, đê biển; nếu thấy phát hiện công trình không bảo đảm an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay.

Thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh và cán bộ kỹ thuật làm công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão năm 2024 tăng cường cho các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải đến ngay vị trí được phân công để chỉ đạo, đôn đốc, tham mưu biện pháp phòng, chống bão.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Bộ Công an chỉ đạo chủ động, tập trung ứng phó với bão số 2 và mưa lũ 

Ngày 21/7/2024, Bộ Công an có Công điện số 05 /CĐ-BCA-V01gửi Thủ trưởng các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Kế hoạch và Tài chính; Cục Quản lý xây dựng và doanh trại; Cục Trang bị và kho vận; Cục Viễn thông và cơ yếu; Cục Y tế; Cục Truyền thông Công an nhân dân và Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên.

Nội dung Công điện nêu rõ: Thực hiện Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với bão số 2 và mưa lũ; lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, thông tin sát diễn biến của bão, mưa lũ; tổ chức hướng dẫn người dân thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, mưa, lũ, sạt lở đất gây ra. 

Bảo đảm tuyệt đối an toàn về các lực lượng, trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân. 

Tuyên truyền sâu rộng, kịp thời về hình ảnh là nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống bão, mưa lũ.

Hai là, đối với lực lượng Công an tại các khu vực ven biển và các huyện đảo: Chủ động ứng phó với bão, mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, phương tiện và các hoạt động du lịch.

Đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông qua các cầu vượt biển trong tình huống dự báo nguy hiểm và tham mưu đề xuất cấm đường vượt biển, cầu vượt biển tuyệt đối trong trường hợp cần thiết.

Kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại các khu neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội.

Lực lượng Công an cấp xã, đồn, trạm của các thủy đoàn thuộc Cảnh sát giao thông chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng tổ chức hướng dẫn các chủ phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để ứng phó, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Ba là, đối với lực lượng Công an tại khu vực đất liền và các tỉnh bị tác động do bão, lũ: Lực lượng tại cơ sở (Công an xã, lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở) triển khai ngay các biện pháp bảo đảm công tác an ninh, trật tự, ứng phó, phòng chống thiên tai ở tất cả các địa bàn, không chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ.

Phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ để khẩn trương sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản tại các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Bảo đảm an toàn giao thông, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan.

Kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra.

Đảm bảo an toàn hồ đập, thủy điện, công trình có dự án trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia.

Bốn là, các đơn vị chức năng của Bộ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Kế hoạch và Tài chính; Cục Quản lý xây dựng và doanh trại; Cục Trang bị và kho vận; Cục Viễn thông và cơ yếu; Cục Y tế; Cục Truyền thông Công an nhân dân) sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, cơ số thuốc men, y tế, kinh phí để kịp thời chi viện cho các địa phương trong trường hợp cần thiết.

Có phương án bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành trong ứng phó với bão, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, dịch tễ, phòng, chống dịch bệnh, tai nạn thương tích trong và sau bão.

Năm là, tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, truyền đạt mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương, nhất là cấp cơ sở; đảm bảo quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống bão, mưa, lũ. 

Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Bộ theo quy định (qua Văn phòng Bộ, SĐT: 069.2299150, 0904231899 hoặc 0979087633).

Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm

Hai là, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.

Ba la,f Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương: chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đối với hoạt động thủy sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, an toàn hệ thống điện.

Bốn là, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan và lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu của địa phương.

Năm là, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho phương tiện vận tải trên biển, ven biển; chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở, nhất là trên các trục giao thông chính.

Sáu là, các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với địa phương triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ theo quy định.

Bẩy là, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến và dự báo thiên tai, chỉ đạo của cơ quan chức năng, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó để giảm thiệt hại do thiên tai.

Tám là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, đôn đốc triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai theo nhiệm vụ được phân công, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Chỉ đạo đảm bảo an toàn ngư dân và tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai vừa có công văn số 702/ĐĐ-ƯPKP ngày 20/7/2024 gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định về việc đảm bảo an toàn ngư dân và tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hiện nay còn 326 tàu/2.181 người (Quảng Bình 06 tàu/27 người; Quảng Trị 48 tàu/339 người; Đà Nẵng 46 tàu/387 người; Quảng Nam 62 tàu/496 người; Quảng Ngãi 138 tàu/815 người; Bình Định 26 tàu/117 người) đang hoạt động tại khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (khu vực dự kiến bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão). 

Để đảm bảo an toàn tàu thuyền, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai một số nội dung như sau:

1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương rà soát các tàu, thuyền đang trong khu vực nguy hiểm.

Bằng mọi biện pháp kiểm đếm, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú.

2. Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai

Công điện số 5175/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 19/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 07h00 ngày 19/7/2024, áp thấp nhiệt đới có toạ độ 14,0 độ Vĩ Bắc, 118,0 độ Kinh Đông với sức gió cấp 6, giật cấp 8; dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Bắc với vận tốc 10km/h, cường độ cấp 6, giật cấp 9.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới.

Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. 

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. 

 Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó. 

Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai)./. 

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Từ 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Kiến nghị công dân đỗ vào các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau

Kiến nghị công dân đỗ vào các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau

Người dân góp ý

(Chinhphu.vn) - Bộ Quốc phòng trả lời cử tri kiến nghị công dân đỗ các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau.

PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THI, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THPT từ năm 2025

PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THI, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THPT từ năm 2025

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ từ 6-14 tuổi

Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ từ 6-14 tuổi

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng dẫn nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi qua Cổng dịch vụ công.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi