
Ở Việt Nam hiện chỉ có 2 trường chính thức có chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ Ả Rập
Tiếng Ả Rập là ngôn ngữ chính thức của nhiều quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi. Có tới 22 quốc gia với 420 triệu người đang sử dụng ngôn ngữ này. Vì thế đây là ngôn ngữ được giảng dạy tại nhiều trường đại học trên khắp thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay ngành ngôn ngữ Ả Rập thu hút rất ít học sinh theo đuổi, chỉ có 2 trường có chương trình đào tạo ngành này.
Đó là Trường Đại học Ngoại Ngữ (Đại học Quốc Gia Hà Nội) và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc Gia TP.HCM), hiện đang đào tạo ngành ngôn ngữ Ả Rập với những định hướng và chương trình học mang lại kiến thức sâu rộng cho người học.
Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 ngành ngôn ngữ Ả Rập ở trường Đại học Ngoại Ngữ (ĐHQGHN) là 30 chỉ tiêu, với các tổ hợp D01, D78, D90, D14.
Tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (ĐHQG TPHCM), chuyên ngành Ả Rập học thuộc ngành Đông Phương học. Năm 2024, ngành Đông Phương học của trường lấy chỉ tiêu là 189 chỉ tiêu.
Sinh viên học ngôn ngữ Ả Rập được tiếp xúc trực tiếp với nền văn hóa quốc gia
Sinh viên theo học ngành ngôn ngữ Ả Rập không chỉ được đào tạo các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết để sử dụng thành thạo ngôn ngữ này, mà còn được trang bị các kiến thức về văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội và con người ở các nước sử dụng ngôn ngữ Ả Rập.
Cụ thể, sinh viên theo học ngành ngôn ngữ Ả Rập sẽ học các môn học như Đất nước Ả Rập, Văn học Ả Rập, Phiên dịch – biên dịch chuyên ngành, Tiếng Ả Rập kinh tế - thương mại, Tiếng Ả Rập công nghệ thông tin,…
Bên cạnh đó, các trường đại học cũng ưu tiên phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên để thích ứng với môi trường năng động của ngành học này. Các sinh viên sẽ có những tiết học đào tạo về các kỹ năng như: giao tiếp, tư duy phản biện,… từ đó rèn luyện cho bản thân khả năng linh hoạt và thích nghi với môi trường, văn hóa làm việc cạnh tranh đa văn hóa.
Hàng năm, sinh viên được tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội giao lưu, du lịch, nhận học bổng,… từ các Đại sứ quán tại Việt Nam. Cùng với đó, các tài liệu giảng dạy, học tập tiếng Ả Rập được hỗ trợ rất nhiệt tình tới các giảng viên cũng như sinh viên. Sinh viên theo học còn được phép thực tập tại Đại sứ quán các nước Ả Rập, tham gia vào các sự kiện do Đại sứ quán tổ chức và tiếp xúc trực tiếp với nền văn hóa của các nước nếu nhận được các cơ hội trao đổi, du học tại các nước.
Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành ngôn ngữ Ả Rập
Với xu thế hội nhập toàn cầu cùng sự bão hòa của thị trường nhân lực ngôn ngữ Anh, Hàn, Trung, Nhật, việc học thêm các thứ tiếng hiếm như tiếng Ả Rập có thể gia tăng cơ hội cạnh tranh, tìm kiếm việc làm cũng như những học bổng du học nước ngoài.
Bởi vậy, ngành ngôn ngữ Ả Rập có nhiều hứa hẹn về cơ hội việc làm cho sinh viên. Sau khi ra trường, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí công việc như:
- Làm việc, công tác tại Bộ Ngoại giao (Vụ Trung Đông - châu Phi) và Đại sứ quán các quốc gia Ả Rập tại Việt Nam.
- Biên dịch - phiên dịch viên tại các công ty liên doanh nước ngoài, các công ty đa quốc gia; phiên dịch cho các lãnh đạo trong cuộc họp, hội nghị, đàm phán, thương lượng…
- Giảng viên nghiên cứu, đào tạo ngành Ngôn ngữ Ả Rập.
- Làm việc trong ngành du lịch - khách sạn, trở thành hướng dẫn viên du lịch cho các công ty du lịch quốc tế, cung cấp các tour du lịch dành cho du khách Trung Đông.
- Tiếp viên hàng không các hãng của Ả Rập như Emirate Airlines, Qatar Airway…
- Chuyên viên Marketing: Phụ trách marketing của thị trường Ả Rập, quản lý các kênh truyền thông, mạng xã hội các các công ty, doanh nghiệp.
- Phóng viên/biên tập viên.
Sinh viên thành thạo tiếng Ả Rập có thể làm việc với mức lương dao động từ 12 - 20 triệu. Con số có thể cao hơn rất nhiều nếu làm việc tại các đơn vị, công ty tư nhân, đa quốc gia, các hãng hàng không.