Thủ tướng phân công nhân sự Ủy ban sông Mê Công Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 892/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 về việc phân công Phó Chủ tịch Thường trực và Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.
Quyết định nêu rõ, phân công Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đảm nhận chức danh Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế của Việt Nam.
Phân công Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đảm nhận chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (25/7/2023); thay thế Điều 2 Quyết định số 1231/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và thay thế Quyết định số 408/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.
Ủy ban sông Mê Công Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý các hoạt động liên ngành, liên tỉnh, liên quốc gia nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam, theo quy định của Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan.
Ủy ban sông Mê Công Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam.
Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đối tác quốc tế, khu vực, trong nước và các cá nhân có liên quan trong theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động liên ngành trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam.
Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan: Thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công và các quy chế, thủ tục liên quan; thực hiện các quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh; quy hoạch môi trường và chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk; thực hiện các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt trên các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San- Srêpốk.
Tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thượng nguồn tới các vùng lãnh thổ của Việt Nam thuộc Lưu vực sông Mê Công trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong lưu vực sông Mê Công có tác động xuyên biên giới.
Theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên nước, các hoạt động sử dụng, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công nhằm đảm bảo sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước sông Mê Công, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam thông qua quy hoạch tổng thể, các dự án hợp tác và nghiên cứu khoa học công nghệ cho lưu vực Mê Công, đặc biệt là các dự án trên dòng chính.
Nhân sự mới Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 890/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 thay đổi thành viên Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương.
Cụ thể, ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng ban, thay bà Trương Thị Ngọc Ánh.
Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thành viên, thay bà Trần Thị Hương.
Ông Phạm Hồng Hương, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, thành viên, thay ông Khuất Việt Dũng.
Ngày 28/4/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2006/NĐ-CP về việc ban hành Điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
Theo quy định, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được xây dựng bằng sự đóng góp tự nguyện theo trách nhiệm và tình cảm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và ngoài nước để cùng nhà nước chăm sóc người có công với cách mạng.
Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được thành lập ở các cấp sau:
1- Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trung ương.
2- Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh).
3- Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện).
4- Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã).
Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được sử dụng để: Tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm, xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ; hỗ trợ để xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ; thăm hỏi, hỗ trợ người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ khi ốm đau, khám, chữa bệnh và khi qua đời mà gia đình gặp khó khăn; giúp đỡ người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ khi gặp khó khăn trong đời sống…
Ban Quản lý quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở từng cấp có nhiệm vụ: Chỉ đạo việc vận động xây dựng, quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; kiểm tra các hoạt động của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thuộc cấp mình quản lý; bảo đảm thu, chi đúng quy định, chấp hành đúng chế độ kế toán, tài chính hiện hành.
Hàng năm lập dự toán và quyết toán thu, chi Quỹ Đền ơn đáp nghĩa gửi Ban Quản lý quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp trên, Ủy ban nhân dân và cơ quan tài chính cùng cấp.
Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trung ương lập dự toán và quyết toán thu, chi gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính; tổ chức kế toán và báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đúng chế độ kế toán, tài chính hiện hành; đề nghị khen thưởng các đơn vị và cá nhân có thành tích; kiến nghị xử lý những trường hợp vi phạm…