Thiết kế sản phẩm đẳng cấp, độc đáo đưa 'xứ sở hoa ban' trở thành trung tâm du lịch Tiểu vùng Tây Bắc

17/03/2024 19:18

(Chinhphu.vn) - Dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 17/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh thu hút các doanh nghiệp du lịch lớn thiết kế sản phẩm đẳng cấp, độc đáo với "xứ sở hoa ban" xây dựng Điện Biên trở thành trung tâm du lịch của Tiểu vùng Tây Bắc.

Thiết kế sản phẩm đẳng cấp, độc đáo đưa 'xứ sở hoa ban' trở thành trung tâm du lịch Tiểu vùng Tây Bắc- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn Điện Biên xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư có tên tuổi, uy tín để tư vấn cho các quy hoạch phát triển đô thị, du lịch… vừa có tính hiện đại, vừa gìn giữ những giá trị lịch sử, bản sắc văn hoá, tôn vinh nét đẹp của thiên nhiên - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Điện Biên: Mảnh đất anh hùng, tài nguyên phong phú

Điện Biên có vị trí địa kinh tế, địa chiến lược đặc biệt quan trọng; là vùng biên cương, phên dậu của Tổ quốc với 455 km đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc.

Tỉnh có tài nguyên đất đai, khoáng sản phong phú, đa dạng, có tiềm năng lớn về thủy điện và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, hùng vĩ của những đỉnh núi mây ngàn, những thác nước ẩn mình trong những cánh rừng nguyên sinh.

Đây là những thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế xanh như du lịch, sản xuất nông nghiệp sinh thái, phát triển kinh tế lâm nghiệp và sản xuất tín chỉ carbon, năng lượng xanh.

Điện Biên được biết đến là mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống lịch sử cách mạng, với Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu, cùng với bản sắc văn hóa đặc sắc, đa dạng của các dân tộc anh em.

Điều đó khẳng định, Điện Biên hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng Trung du và miền núi phía bắc.

"Xứ sở hoa ban" từng bước "thay da, đổi thịt"

Vượt qua rất nhiều khó khăn, từ một tỉnh nghèo, Điện Biên đã phát huy các lợi thế riêng có về du lịch, dịch vụ xuất, nhập khẩu, sản xuất và chế biến nông lâm sản, thủy điện, khai khoáng… để phát triển, tạo nên những đổi thay toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 9,33%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 48,6 triệu đồng/năm. Tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 26%.

Hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện. Giáo dục, y tế, văn hóa của tỉnh được củng cố đáp ứng nhu cầu phát triển dân trí và chất lượng cuộc sống người dân.

Quy hoạch tỉnh Điện Biên được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu nổi bật của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Điện Biên đã đạt được trong suốt chặng đường vừa qua. Đây cũng là những nền tảng vững chắc, thuận lợi để Điện Biên tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Quy hoạch tỉnh Điện Biên được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch chung cả nước.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,51%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Ngành dịch vụ chiếm khoảng 41,2%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 12,7%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 42,4% (trong đó công nghiệp chiếm khoảng 12,1%).

Đến năm 2030 GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng (theo giá hiện hành), năng suất lao động đạt 190,0 triệu đồng (theo giá hiện hành); giảm tỉ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 8%.

Thiết kế sản phẩm đẳng cấp, độc đáo đưa 'xứ sở hoa ban' trở thành trung tâm du lịch Tiểu vùng Tây Bắc- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Điện Biên - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Ưu tiên nguồn lực cho hạ tầng kết nối liên vùng, quốc tế

Trao đổi một số vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai Quy hoạch, Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết, Điện Biên cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho được các dự án hạ tầng quan trọng để liên kết vùng, với các địa phương của Lào, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giáo dục, y tế, văn hóa, nhằm dẫn dắt thúc đẩy thu hút các dự án có tính động lực, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa và trực tiếp phục vụ các định hướng, nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch tỉnh, cũng như của vùng Trung du và miền núi phía bắc.

Đồng thời, Điện Biên tiếp tục phát huy các lợi thế để chuyển dịch mô hình kinh tế dựa trên các nền tảng tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, chuyển đổi số trong thương mại, quảng bá du lịch, điểm đến để xóa nhòa khoảng cách và các khó khăn về địa lý, đến gần với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Xây dựng Điện Biên trở thành trung tâm du lịch của Tiểu vùng Tây Bắc

Về mục tiêu trở thành trung tâm du lịch của Tiểu vùng Tây Bắc, Phó Thủ tướng đề nghị Điện Biên thu hút các doanh nghiệp du lịch lớn thiết kế sản phẩm đẳng cấp, độc đáo với với "xứ sở hoa ban" như du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc; tăng cường quảng bá thương hiệu và kết nối điểm đến, sản phẩm du lịch giữa các địa phương nhất là Lào Cai, Sơn La và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Trong thời gian tới, với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai, kinh tế nông, lâm nghiệp của Điện Biên tiếp tục phát triển hiệu quả, bền vững và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, cần sớm quy hoạch vùng trồng, quy trình sản xuất, chế biến, xây dựng giá trị thương hiệu để vượt qua các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu.

Phó Thủ tướng lưu ý, khi Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành, sẽ "mở đường" cho nhiều chính sách về sử dụng đất rừng đa mục đích. Người dân có thể kết hợp trồng rừng với cây dược liệu, phát triển lâm nghiệp đa tầng và khai thác dịch vụ môi trường rừng cho mục đích du lịch,...

Bên cạnh đó, khi triển khai cam kết các mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng "0" vào năm 2050 sẽ ước tính 90% GDP toàn cầu nằm trong diện phải thực thi. Đây là cơ hội, sức hút đầu tư mới của Điện Biên, một tỉnh có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, kết hợp với thủy điện, thuỷ điện tích năng.

"Nguồn năng lượng sạch dồi dào có thể giúp Điện Biên còn có thể chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với tư duy mới, hình thành hệ sinh thái kinh tế số, các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số", Phó Thủ tướng gợi mở.

Thiết kế sản phẩm đẳng cấp, độc đáo đưa 'xứ sở hoa ban' trở thành trung tâm du lịch Tiểu vùng Tây Bắc- Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Điện Biên trao quyết định chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Quy hoạch hướng tới "trong rừng có phố, trong phố có rừng"

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Quy hoạch tỉnh Điện Biên là bước khởi đầu thể hiện khát vọng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng.

Tỉnh Điện Biên cần tiếp tục cụ thể hóa bằng các quy hoạch kinh tế, kỹ thuật, quan trọng nhất là phát triển mạng lưới đô thị, nông thôn, các đô thị chức năng. Trong đó, nắm vững Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, coi đô thị hoá là động lực tăng trưởng, chuyển đổi mô hình, cơ cấu kinh tế, gắn với hệ sinh thái thương mại, dịch vụ, công nghiệp, du lịch… và hành lang kinh tế, giao thông kết nối liên vùng, quốc tế.

"Điện Biên xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư có tên tuổi, uy tín để tư vấn cho các quy hoạch phát triển đô thị, du lịch…vừa có tính hiện đại, vừa gìn giữ những giá trị lịch sử, bản sắc văn hoá, tôn vinh nét đẹp của thiên nhiên, trong rừng có phố, trong phố có rừng. Đồng thời, khắc phục được tồn tại của các đô thị hiện nay như ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ùn tắc giao thông, quản trị mật độ dân số…", Phó Thủ tướng lưu ý.

Điện Biên cần đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù để đạt được những mục tiêu đặt ra, trước hết là có những dự án kết nối của vùng trung du, miền núi phía bắc và cả nước.

Cùng với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và khát khao vươn lên của nhân dân, Phó Thủ tướng tin tưởng Điện Biên sẽ bước vào chặng đường phát triển mới; sớm đạt mục tiêu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện; phát triển thành tỉnh khá của vùng trung du và miền núi phía bắc trong những năm sắp tới.
Thiết kế sản phẩm đẳng cấp, độc đáo đưa 'xứ sở hoa ban' trở thành trung tâm du lịch Tiểu vùng Tây Bắc- Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đến dâng hoa, viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia A1 - Ảnh: VGP/MK

Nhân dịp dự Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên 2024 và Lễ hội Hoa Ban năm 2024, Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã tới dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ và dâng hương, viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia A1.

Thiết kế sản phẩm đẳng cấp, độc đáo đưa 'xứ sở hoa ban' trở thành trung tâm du lịch Tiểu vùng Tây Bắc- Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ - Ảnh: VGP/MK

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Từ 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Chính sách mới

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Kiến nghị công dân đỗ vào các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau

Kiến nghị công dân đỗ vào các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau

Người dân góp ý

(Chinhphu.vn) - Bộ Quốc phòng trả lời cử tri kiến nghị công dân đỗ các trường phải đi nghĩa vụ quân sự trước, đi học sau.

PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THI, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THPT từ năm 2025

PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THI, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP THPT từ năm 2025

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ từ 6-14 tuổi

Hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ từ 6-14 tuổi

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng dẫn nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi qua Cổng dịch vụ công.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi