Sửa Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Phải làm rõ trách nhiệm của 4 chủ thể

16/08/2022 12:33

(Chinhphu.vn) - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, trong đó nhấn mạnh vai trò của 04 chủ thể chính là cơ quan quản lý nhà nước; doanh nghiệp; tổ chức xã hội và bản thân người tiêu dùng.

Sửa Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Phải làm rõ trách nhiệm của 4 chủ thể - Ảnh 1.

Đại biểu Tạ Đình Thi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một đạo luật văn minh

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 tới. 

Trao đổi về sự cần thiết và những nội dung trọng tâm của dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. 

Có thể nói đây là một đạo luật văn minh, hướng tới bảo vệ quyền con người, quyền của người tiêu dùng trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta. 

Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, kiến tạo khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam; trong đó, các kết quả nổi bật có thể thấy là;

Hình thành hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cùng với đó đã lồng ghép các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nhiều văn bản, lĩnh vực chuyên ngành có liên quan, trong đó, đáng lưu ý là lĩnh vực thương mại điện tử, quản lý thị trường;

Thiết lập hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và hệ thống các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước; 

Nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội; kêu gọi và tăng cường trách nhiệm của các chủ thể trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhiều nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộ lộ không ít bất cập

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động của hội nhập quốc tế, nhiều nội dung của Luật đã bộc lộ không ít bất cập, cụ thể là:

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng chưa được quy định đầy đủ, thống nhất; một số trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không còn phù hợp do sự xuất hiện của nhóm người tiêu dùng mới hoặc hành vi tiêu dùng mới; 

Các quy định về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chưa thực sự chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng; 

Các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp; 

Cơ chế tiếp nhận và giải quyết yêu cầu tại cơ quan nhà nước (chủ yếu là cấp huyện) không được thực thi hiệu quả trên thực tế; 

Một số quy định chỉ phù hợp với các giao dịch kinh doanh – tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến mô hình kinh doanh có yếu tố mới trong điều kiện chuyển đổi số; 

Chưa có cơ chế khuyến khích toàn xã hội tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là sự tham gia của các tổ chức xã hội; 

Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào các quy định về các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan; 

Chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc thúc đẩy xu hướng sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Sửa Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Phải làm rõ trách nhiệm của 4 chủ thể - Ảnh 2.

Cuộc họp thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức.

Việc tổ chức thực hiện luật còn những hạn chế

Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện Luật còn có những hạn chế như Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã chỉ rõ: “Quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe, an toàn và tính mạng của người tiêu dùng. 

Nếu tình trạng này, không sớm được khắc phục, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, mà còn suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.

Sửa đổi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là hết sức cần thiết và cấp bách

Chúng ta cũng thấy rằng, hiện nay trên thế giới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã bao trùm lên mọi lĩnh vực, mọi mặt của đời sống xã hội với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử, nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới ra đời và phát triển. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự thay đổi phù hợp trong cách tiếp cận đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam. 

Việc sửa đổi Luật cũng được đặt ra nhằm thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới và đặc biệt là Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việc sửa đổi Luật lần này vừa khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đồng thời để xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với các luật được Quốc hội ban hành từ năm 2011 đến nay, thực hiện Hiến pháp năm 2013 nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Ở đây chúng tôi thống kê có đến 33 luật, bộ luật liên quan. Như vậy, có thể khẳng định việc sửa đổi Luật là hết sức cần thiết và cấp bách.

7 nhóm vấn đề lớn cần tập trung hoàn thiện để bảo vệ người tiêu dùng

Những nhóm chính sách lớn được tập trung xem xét, hoàn thiện nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. 

Đồng thời, thúc đẩy việc xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh và bền vững ở Việt Nam, ngăn chặn những hành vi kinh doanh nguy hiểm hoặc phi đạo đức, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. 

Có 07 nhóm vấn đề lớn mà tôi thấy cần quan tâm trong sửa đổi Luật lần này gồm có: 

Thứ nhất, hàng hóa có khuyết tật và thu hồi hàng hóa có khuyết tật; 

Thứ hai, hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; 

Thứ ba, cơ chế giải quyết tranh chấp; vai trò hỗ trợ của cơ quan nhà nước, vai trò của tổ chức xã hội trong công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; 

Thứ tư, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế; 

Thứ năm, các loại hình giao dịch, hoạt động, trách nhiệm của các chủ thể, cơ chế kiểm soát, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể nhằm khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững; 

Thứ sáu, quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 

Thứ bẩy, vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sửa luật, phải làm rõ trách nhiệm của 4 chủ thể 

Theo đại biểu Tạ Đình Thi, để chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trên thực tế, thì các chủ thể liên quan cần phải được huy động tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng. 

Như Chỉ thị số 30-CT/TW đã nhấn mạnh: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. 

Khắc phục triệt để tình trạng thiếu trách nhiệm, vô cảm, thiếu quyết liệt của từng ngành, địa phương, đơn vị được phân công phụ trách; có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và địa phương, trong đó có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; coi đây là một trong những nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cá nhân và tổ chức, người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước.” 

Vì vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi lần này cần làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, trong đó, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của 04 chủ thể chính là cơ quan quản lý nhà nước; doanh nghiệp; tổ chức xã hội và bản thân người tiêu dùng.

Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành và địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức xã hội các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt Chỉ thị số 30-CT/TW. 

Trước tiên, cần chủ động, tích cực tham gia theo trách nhiệm của mình vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ tốt, chất lượng cao, thân thiện với môi trường để phục vụ người tiêu dùng; chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Đặc biệt, người tiêu dùng cần tự nâng cao nhận thức về các quyền của mình đã được pháp luật bảo hộ, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật có liên quan.

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ 1/11/2024

Hướng dẫn thực hiện chính sách

(Chinhphu.vn) - Giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai được quy định tại Quyết định 3220 /QĐ-BYT ngày 1/11/2024 của Bộ Y tế.

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Danh sách GA HÀNH KHÁCH, GA HÀNG HÓA dự kiến ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO đi qua

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

Từ ngày 1/1/2025: GIẤY PHÉP LÁI XE cấp trước 1/1/2025 thì được cấp, đổi lại như thế nào?

(Chinhphu.vn) - Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

Thống nhất nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội; bổ sung quy định tiền lương, nhà ở, cấp bậc hàm...

(Chinhphu.vn) - Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan; bổ sung quy định liên quan đến tiền lương, cấp bậc hàm, nhà ở xã hội,...

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

Danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024

(Chinhphu.vn) - Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên chức danh GS, PGS năm 2024 (Xét tại Phiên họp lần thứ II của HĐGSNN nhiệm kỳ 2024-2029, ngày 2-3/11/2024).

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi