CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Sửa đổi tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ ngạch công chức chuyên ngành hành chính

19:14 - 10/05/2023

(Chinhphu.vn) - Thông tư số 06/2022/TT-BNV ngày 28/6/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 của Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.

Thông tư số 06/2022/TT-BNV có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2022.

 Trường hợp công chức, viên chức hành chính có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức chuyên ngành hành chính theo quy định của pháp luật trước ngày 30/6/2022 thì được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với ngạch công chức và tương đương tương ứng, được sử dụng khi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức hành chính.

Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP, bảo đảm phù hợp với nội dung quy định mới của Nghị định số 89/2021/NĐ-CP

Tại Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư không quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng mà chỉ quy định về năng lực sử dụng được ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về năng lực; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức chuyên ngành hành chính (ngạch chuyên viên cao cấp, ngạch chuyên viên chính, ngạch chuyên viên); không quy định văn bằng được đào tạo về chuyên môn tại các cơ sở giáo dục đại học thay thế cho chứng chỉ quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức.

Một trong những nhiệm vụ được nêu tại điểm b khoản 4 Mục III Điều 1 Nghị quyết 76/NQ-CP1sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

 Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Công văn số 3845/VPCP-TCCV ngày 10/6/2021 của Văn phòng Chính phủ) về việc rà soát, cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng không phù hợp đối với công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP. 

Theo đó, tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức giữ ngạch tương ứng (quy định khoản 3 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP).

Do vậy, để thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP, cũng như bảo đảm phù hợp với nội dung quy định mới của Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2021/TT-BNV là cần thiết.

Nội dung Thông tư 06/2022/TT-BNV sửa đổi tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ ngạch công chức chuyên ngành hành chính

Thông tư gồm có 03 Điều, cụ thể:

- Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2021/TT-BNV.

- Điều 2: Hiệu lực thi hành và điều khoản áp dụng.

- Điều 3: Trách nhiệm thi hành.

Về nội dung cơ bản Thông tư:

Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về năng lực sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Quy định về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức các ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp.

Về trình độ đào tạo của công chức ngạch văn thư viên chính và văn thư viên, bảo đảm phù hợp với Nghị định số 89/2021/NĐ-CP và yêu cầu của thực tiễn.

 Những nội dung chính sách, quy định trong Thông tư 06/2022/TT-BNV

Thế nào là "sử dụng được" ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số: 

Thông tư có quy định năng lực sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm là bảo đảm sự linh hoạt trong việc sử dụng năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm, phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động, chức năng, nhiệm vụ trong từng cơ quan, tổ chức. Việc sử dụng năng lực ngoại ngữ ở trình độ nào ứng với vị trí việc làm nào do Bộ, ngành theo nhiệm vụ được phân công quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP.

 Thế nào là "tương đương": 

Nghị định số 89/2021/NĐ-CP quy định chỉ có một loại chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước chung cho công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương; chuyên viên chính và tương đương; chuyên viên và tương đương. 

Theo đó, cụm từ "tương đương" để chỉ các ngạch công chức chuyên ngành khác tương ứng với ngạch công chức chuyên ngành hành chính (chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên). 

Việc xác định tính "tương đương" của ngạch công chức các chuyên ngành khác nhau hiện nay chủ yếu dựa vào hệ số lương của ngạch được xếp theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

*Toàn văn Thông tư 06/2022/TT-BNV

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 02/2021/TT-BNV NGÀY 11 THÁNG 6 NĂM 2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ QUY ĐỊNH MÃ SỐ, TIÊU CHUẨN CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ VÀ XẾP LƯƠNG ĐỐI VỚI CÁC NGẠCH CÔNG CHỨC CHUYÊN NGÀNH HÀNH CHÍNH VÀ CÔNG CHỨC CHUYÊN NGÀNH VĂN THƯ

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11 tháng 6 năm 2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp Iương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư

1. Sửa đổi điểm g khoản 3 Điều 5 như sau:

“g) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.”.

2. Sửa đổi điểm c khoản 4 Điều 5 như sau:

“c) Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính.”.

3. Sửa đổi điểm đ khoản 3 Điều 6 như sau:

“đ) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.”.

4. Sửa đổi điểm b khoản 4 Điều 6 như sau:

“b) Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính.”.

5. Sửa đổi điểm d khoản 3 Điều 7 như sau:

“d) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.”.

6. Sửa đổi điểm b khoản 4 Điều 7 như sau:

“b) Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương.”.

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 10 như sau:

“4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành văn thư - lưu trữ, lưu trữ học, lưu trữ học và quản trị văn phòng. Trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ngành hoặc chuyên ngành văn thư hành chính, văn thư - lưu trữ, lưu trữ.”.

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 11 như sau:

“4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành văn thư - lưu trữ, lưu trữ học, lưu trữ học và quản trị văn phòng. Trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ngành hoặc chuyên ngành văn thư hành chính, văn thư - lưu trữ, lưu trữ.”.

9. Sửa các điểm a, b, c, d và đ Điều 4 thành các khoản 1, 2, 3, 4 và 5.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2022.

2. Trường hợp công chức, viên chức hành chính có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức chuyên ngành hành chính theo quy định của pháp luật trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 thì được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với ngạch công chức và tương đương tương ứng, được sử dụng khi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức hành chính.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy định tại Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ để hướng dẫn hoặc xem xét, giải quyết./.