Ngày 21/12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành nội vụ. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự và chỉ đạo Hội nghị.
Nhấn mạnh Hội nghị là dịp quan trọng để Bộ và ngành Nội vụ nhìn lại những kết quả đạt được trong năm 2024, phân tích sâu sắc những tồn tại, hạn chế và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2024 là năm có nhiều biến động phức tạp, khó lường, nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu "tác động kép" từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và từ các hạn chế, bất cập nội tại đã kéo dài nhiều năm.
Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; nhờ đó tình hình kinh tế-xã hội phục hồi tích cực, đạt được các kết quả quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Trong đó, tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7%, thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu, các cân đối lớn được bảo đảm. Công nghiệp và nông nghiệp phát triển đều, nhiều mặt phát triển rất mạnh, tạo nên các điểm nhấn trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc thực hiện 3 đột phá chiến lược cũng đạt được nhiều kết quả; chuyển đổi số có những bước tiến dài, nhận thức của các cấp, các ngành về chuyển đổi số ngày càng được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an sinh xã hội được chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả;…
Tập trung cao độ tham mưu hoàn thành các đề án, phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Trong năm 2024, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Nội vụ tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo, linh hoạt; chủ động, tích cực tham mưu hoàn thành mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 với khối lượng công việc rất lớn, trong đó đã sắp xếp 38 đơn vị hành chính cấp huyện và gần 1.200 đơn vị hành chính cấp xã.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đạt được nhiều kết quả quan trọng, là điểm nổi bật, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, điều chỉnh các lĩnh vực lớn của đời sống xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy sự minh bạch, hiệu quả trong phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tập trung cao độ tham mưu hoàn thành các đề án, phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ; thúc đẩy các phong trào, hoạt động thi đua; xử lý hiệu quả những vấn đề phức tạp, nhạy cảm;…
"Có thể khẳng định, trong năm 2024, hoạt động của Chính phủ có nhiều thành công trên các lĩnh vực. Trong kết quả chung đó có những đóng góp hết sức tích cực, hiệu quả của Bộ và ngành nội vụ.
Công việc rất dồn dập, nhiều việc khó, phức tạp như vấn đề về vị trí việc làm, tiền lương, thi tuyển công chức, sắp xếp, tinh gọn bộ máy… nhưng các đồng chí đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Tôi xin được ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những thành công, những kết quả của Bộ và ngành Nội vụ đạt được trong năm 2024", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu.
SẮP XẾP BỘ MÁY: Làm nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học
Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp mà Bộ Nội vụ đề ra trong thời gian tới ", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, việc thực hiện nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị. Các cơ quan Trung ương phải gương mẫu, đi đầu, phải làm khẩn trương thực hiện theo đúng thời hạn.
Việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, xã hội không chỉ ở khía cạnh nhập bộ, ngành, cơ quan, đơn vị này với bộ, ngành, cơ quan, đơn vị kia mà còn ở khía cạnh các bộ, ngành, địa phương phải tinh gọn bên trong tổ chức của mình như thế nào và theo yêu cầu, tối thiểu phải tinh gọn đầu mối bên trong 15-20%, cá biệt có những đơn vị đặt ra yêu cầu phải tinh gọn tới 40%.
Với nhiệm vụ quan trọng trong triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Nội vụ phải tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm khẩn trương, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả; phải ra được mô hình bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời trong thực hiện tổ chức, sắp xếp lại bộ máy phải hình thành được cơ chế chính sách đủ mạnh, có chính sách ưu đãi để hỗ trợ người lao động nghỉ sớm; phải hình thành hạ tầng pháp lý cho bộ máy hoạt động; tham mưu để có các hướng dẫn cụ thể đối với các địa phương, bộ, ngành làm gì trong tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy.
"Chúng ta làm nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học; làm nhanh để tiến lên phía trước nhưng cũng phải phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro, như tránh rủi ro do nhập cơ học, nhập nhưng có những thứ không hợp lý.
Trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp, tinh giản phải vừa làm, vừa thăm dò, hạn chế thấp nhất rủi ro. Đồng thời cần hết sức đề phòng rủi ro như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh là 'bảo đảm không để cơ quan nhà nước là nơi trú ngụ an toàn của những người lười biếng'.
Sắp xếp, tinh gọn phải lựa chọn được những cán bộ thực sự tinh hoa trong bộ máy hành chính công; những người thực sự đóng góp, cống hiến, có tài năng, trí tuệ, kinh nghiệm, nhiệt huyết, bản lĩnh", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ yêu cầu và nhấn mạnh thêm việc làm công tác sắp xếp, tinh gọn nhưng vẫn phải bảo đảm bộ máy vận hành, hoạt động liên tục, không đứt đoạn để phục vụ người dân, doanh nghiệp; cố gắng hạn chế thấp nhất các tiêu cực phát sinh.
Phải bỏ tư duy không quản được thì cấm
Một nội dung lớn nữa được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu đối với Bộ và ngành Nội vụ là tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính, cán bộ, công chức, viên chức để bộ máy mới hoạt động phải có hạ tầng pháp lý tốt; thể chế phải làm nền tảng cho sự bứt phá, chuyển mình, tăng trưởng mạnh trong tương lai cũng như khắc phục những hạn chế, bất cập hiện tại.
Trong xây dựng thể chế nói chung, phải bỏ tư duy không quản được thì cấm; luật được xây dựng và ban hành vừa phải bảo đảm chức năng quản lý nhưng phải có chức năng kiến tạo, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm tới công tác đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng và tạo lập nên nền hành chính thông thoáng, thân thiện, hiện đại hấp dẫn, hỗ trợ đắc lực người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; "phải xây dựng được nền hành chính ứng dụng số càng nhiều càng tốt, đó mới là nền hành chính công khai, minh bạch, hoạt động hiệu lực và hiệu quả".
Tiếp tục quan tâm hoàn thiện các cơ chế, chính sách về công tác cán bộ
Tiếp tục quan tâm hoàn thiện các cơ chế, chính sách về công tác cán bộ, trong đó chú trọng đổi mới về công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài và giữ chân nhân tài; hoàn thiện tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả thực hiện, nhiệm vụ, chức trách được giao.
Chú ý đổi mới công tác thi đua khen thưởng, phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả; thi đua, khen thưởng phải hướng mạnh tới người lao động trực tiếp; tổ chức hiệu quả các đại hội thi đua yêu nước để cùng với Đại hội Đảng các cấp tạo không khí hân hoan, phấn khởi, thiết thực chào mừng các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước.
Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn ngành là hợp nhất ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với Nội vụ trên tinh thần bảo đảm chủ động, thống nhất, đồng thuận, dân chủ, công khai, minh bạch. Bộ sau hợp nhất phải bảo đảm tinh gọn, sẵn sàng đảm nhận và làm tốt các nhiệm vụ được giao.
"Năm 2025 là năm đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng và là năm bản lề để chúng ta thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tiếp theo trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 đã được Đại hội XIII đề ra. Tôi tin tưởng rằng với bề dày truyền thống vẻ vang sau 80 năm thành lập, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Bộ, ngành Nội vụ sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân tin tưởng giao phó, đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, đóng góp tích cực để đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển hùng cường và thịnh vượng", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu.
Bộ Nội vụ sẽ chủ động tiên phong, mẫu mực trong việc triển khai hợp nhất
Phát biểu đáp từ, theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã nói 6 nhiệm vụ năm 2025, toàn ngành nội vụ đang rất nỗ lực, tham mưu để sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống hành chính nhà nước, đặc biệt là với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế để kiến tạo và phát triển đất nước, nâng cao quản trị quốc gia và quản trị địa phương. Đây là những nhiệm vụ rất lớn mà ngay sau đây Bộ Nội vụ sẽ phải tập trung.
Ba là cải cách công vụ, công chức, cải cách nền hành chính. Thứ tư là tham mưu công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu của việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong giai đoạn hiện nay. Thứ năm là công tác thi đua khen thưởng.
Trong yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2025, Bộ sẽ chủ động tiên phong, mẫu mực trong việc triển khai hợp nhất giữa Bộ Nội vụ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng như trong toàn hệ thống. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành nội vụ sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức để hoàn thànhxuất sắc nhiệm vụ nam 2025.