Cụ thể, trường hợp có tuổi đời từ đủ 02 năm trở lên so với hạn tuổi cao nhất theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 4 Thông tư này và không đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư này; được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ thôi việc thì được hưởng chính sách quy định tại Điều 10 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP; trong đó, chế độ trợ cấp thôi việc cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và chế độ trợ cấp một lần cho số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được hướng dẫn thực hiện, như sau:
1. Cách tính hưởng trợ cấp:
a) Trợ cấp thôi việc cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
b) Trợ cấp một lần cho số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
Ví dụ 11: Đồng chí Ngô Thị Thu Trà; sinh tháng 9/1996; được tuyển dụng viên chức quốc phòng tháng 9/2016; công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh D.
Tháng 6/2025 đơn vị đồng chí Trà sáp nhập với đơn vị khác. Theo quy định đồng chí Trà không đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư này.
Tháng 12/2025, đồng chí Trà được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ thôi việc (tính đến thời điểm nghỉ thôi việc tháng 12/2025 đồng chí Trà có 09 năm 04 tháng phục vụ trong Quân đội, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) và thuộc trường hợp nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ ngày Quyết định sáp nhập của cấp có thẩm quyền có hiệu lực.
Giả sử tháng tiền lương hiện hưởng trước thời điểm nghỉ thôi việc (tháng 11/2025) của đồng chí Trà là 12.000.000 đồng; ngoài được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, đồng chí Trà được hưởng các chế độ sau:
Trợ cấp thôi việc cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là: 12.000.000 đồng x 0,8 tháng x 60 tháng = 576.000.000 đồng.
Trợ cấp một lần cho số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là: 12.000.000 đồng x 1,5 tháng x 9,5 năm = 171.000.000 đồng.
Tổng số tiền trợ cấp thôi việc đồng chí Trà nhận là: 747.000.000 đồng.
Ví dụ 12: Cùng là đồng chí Ngô Thị Thu Trà như nêu tại ví dụ 11. Tháng 12/2026, đồng chí Trà được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ thôi việc (tính đến thời điểm nghỉ thôi việc tháng 12/2026 đồng chí Trà có 10 năm 04 tháng phục vụ trong Quân đội, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) và thuộc trường hợp nghỉ thôi việc từ tháng thứ 13 trở đi kể từ ngày Quyết định sáp nhập của cấp có thẩm quyền có hiệu lực; ngoài được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, đồng chí Trà được hưởng các chế độ sau:
Trợ cấp thôi việc cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là: 12.000.000 đồng x 0,4 tháng x 60 tháng = 288.000.000 đồng.
Trợ cấp một lần cho số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là: 12.000.000 đồng x 1,5 tháng x 10,5 năm = 189.000.000 đồng.
Tổng số tiền trợ cấp thôi việc đồng chí Trà nhận là: 477.000.000 đồng.
2. Các trường hợp đã được hưởng trợ cấp nghỉ thôi việc theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì không được hưởng chế độ trợ cấp nghỉ thôi việc quy định tại Nghị định số 19/2022/NĐ-CP ngày 22/02/2022 và Nghị định số 32/2013/NĐ-CP ngày 16/4/2013 của Chính phủ.
Điều 6. Cách tính hưởng chính sách phục viên đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp
Trường hợp có tuổi đời từ đủ 02 năm trở lên so với hạn tuổi phục vụ cao nhất theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 4 Thông tư này và không đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư này; được cấp có thẩm quyền quyết định phục viên thì được hưởng chính sách quy định tại Điều 9 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP; trong đó, chế độ trợ cấp phục viên một lần cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chế độ trợ cấp một lần cho số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và trợ cấp tìm việc làm được hướng dẫn thực hiện, như sau:
1. Cách tính hưởng trợ cấp:
a) Trợ cấp phục viên một lần cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Phục viên trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ ngày Quyết định sáp nhập của cấp có thẩm quyền có hiệu lực:
Mức trợ cấp phục viên cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc | = | Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này | x 0,8 x | Số tháng để tính trợ cấp phục viên quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này |
Phục viên từ tháng thứ 13 trở đi kể từ ngày Quyết định sáp nhập của cấp có thẩm quyền có hiệu lực:
Mức trợ cấp phục viên cho số tháng công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc | = | Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này | x 0,4 x | Số tháng để tính trợ cấp phục viên quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này |
b) Cách tính hưởng trợ cấp một lần cho số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Mức trợ cấp cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc | = | Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này | x 1,5 x | Số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư này |
c) Cách tính hưởng trợ cấp tìm việc làm:
Tiền trợ cấp tìm việc làm | = | 03 tháng | x | Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này |