Hệ thống VBQPPL ngày càng hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước
Báo cáo với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về các nhiệm vụ lập pháp trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, năm 2023 là năm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật đề hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa. Do vậy rất cần sự phối hợp, đồng thuận của các Ủy ban của Quốc hội trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch hiện nay đang có 8 Luật 50 Nghị định, 35 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và khoảng 250 Thông tư, Thông tư liên tịch điều chỉnh trực tiếp.
Lĩnh vực văn hóa, công tác gia đình có 06 luật (Điện ảnh, Quảng cáo, Thư viện, Di sản văn hóa, Sở hữu trí tuệ, Phòng, chống bạo lực gia đình); 34 Nghị định, 15 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 110 Thông tư liên tịch và Thông tư.
Trong các lĩnh vực chuyên môn về văn hóa, gia đình, hiện mới có 05 lĩnh vực, 01 hoạt động có Luật điều chỉnh gồm: Luật Điện ảnh; Luật Di sản văn hóa; Luật Quảng cáo; Luật Thư viện; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật phòng, chống bạo lực gia đình (Luật này chỉ điều chỉnh 1 nhánh của công tác gia đình); 04 lĩnh vực chuyên môn còn lại được điều chỉnh bằng Nghị định gồm nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm; văn hóa quần chúng, văn hóa dân tộc và tuyên truyền cổ động; văn học chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, nhìn chung, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện chủ động, hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch đề ra, bám sát thực tiễn hoạt động của ngành, bảo đảm chất lượng, góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật của ngành, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước.
Cụ thể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa đã thể chế hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với tính đặc thù của văn hóa, nghệ thuật, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật và từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.
Các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về công tác gia đình tạo cơ chế để xây dựng, duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả mô hình phòng, chống bạo lực gia đình;
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thể dục, thể thao đã thể chế hóa đường lối của Đảng về phát triển thể dục, thể thao theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020, tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, tạo điều kiện cho thể thao thành tích cao phát triển, lập nhiều thành tích chưa từng có trong thể thao nước nhà, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Hệ thống pháp luật về du lịch đã cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động du lịch; tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành du lịch.
Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách thuế và thu hút nguồn lực cho phát triển văn hóa đã và đang được quy định tương đối cụ thể nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia vào hoạt động văn hóa nói chung.
Pháp luật về văn hóa: Còn nhiều "điểm nghẽn" cần tháo gỡ, nhiều vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, qua rà soát cho thấy, đối với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành văn hóa, thể thao và du lịch đều đã có những quy định nguyên tắc về chính sách ưu đãi thuế để phát triển Ngành, như lĩnh vực: di sản văn hóa, điện ảnh…
Tuy nhiên, hiệu lực của các quy định về chính sách thuế trong các luật chuyên ngành chỉ mang tính nguyên tắc, việc áp dụng phụ thuộc vào các quy định cụ thể của từng đạo luật về thuế.
Qua đánh giá một số quy định pháp luật về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển văn hóa, vẫn còn một số "điểm nghẽn" cần tháo gỡ.
Hệ thống pháp luật về văn hóa có số lượng lớn, cồng kềnh, nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, thiếu những quy tắc xử sự cụ thể để các chủ thể thực hiện, nhiều văn bản chứa đựng những quy định mang tính tuyên ngôn hơn là quy phạm pháp luật.
Một số lĩnh vực chuyên môn chưa có Luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh (nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, lĩnh vực văn học...).
Bên cạnh đó, một số định hướng, chủ trương về hỗ trợ sáng tạo, công nghiệp văn hóa còn chậm được thể chế hóa. Tính dự báo của một số quy định trong văn bản chưa cao, sớm bị sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực thi và trước những thay đổi của thực tiễn sinh động.
Việc kết nối giữa hệ thống pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch với pháp luật liên quan còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, chưa thực sự tạo chính sách, động lực cho phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động xây dựng Đề án hoàn thiện hệ thống pháp luật theo từng giai đoạn. Tuy nhiên cuối năm 2021 và năm 2022, qua các Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Nguồn lực cho phát triển văn hóa" đã đặt ra yêu cầu cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số chính sách pháp luật.
Mặt khác, trong năm 2023 và 2024, Trung ương sẽ tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, 25 năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, khả năng có thể phải tiếp tục thể chế hóa một số chủ trương, chính sách về văn hóa, thể thao và du lịch.
Để tiếp tục định hướng và triển khai, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy mong muốn, các Ủy ban của Quốc hội thống nhất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nhiệm vụ lập pháp thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đề xuất thực hiện theo Kế hoạch số 81/KH-TVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới 6 luật) để đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2024.
Thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, phát triển văn hóa
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy kiến nghị các Ủy ban của Quốc hội ủng hộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc kiến nghị, xem xét đối với đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật liên quan tác động trực tiếp đến nguồn lực phát triển văn hóa (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư, Luật Đất đai, các Luật vế thuế đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định về khuyến khích xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư, phát triển lĩnh vực văn hóa.
Trên cơ sở tổng kết các văn kiện của Đảng và sơ kết, tổng kết thi hành các luật chuyên ngành trong năm 2023, 2024 và thực tiễn phát sinh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội rà soát, nghiên cúu đề xuất xây dựng pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch trong các năm 2025, 2026.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho các lĩnh vực văn hóa đã được quy định khá rõ trong các luật và văn bản dưới luật. Triển khai thực hiện các quy định này, thời gian qua Nhà nước đã có những chương trình, dự án cụ thể để đầu tư phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, nguồn lực còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Do đó, rất cần một Chương trình mục tiêu quốc gia có tính chất tổng thể nhằm chấn hưng văn hóa trong thời gian tới "Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030", đề nghị các Ủy ban của Quốc hội đồng thuận với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đề xuất này./.