CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Tháo gỡ 'điểm nghẽn' thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa

16:15 - 12/12/2022

(Chinhphu.vn) - Ngày 12/12, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức buổi họp báo công bố thông tin về Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề ''Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa''. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo chủ trì buổi họp báo.

Hội thảo Văn hóa 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa - Ảnh 1.

Công bố một số thông tin cụ thể về hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn, Phó Trưởng Tiểu ban Nội dung Hội thảo Văn hóa 2022 cho biết, để tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề: "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa". Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo.

Đây là diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia báo cáo, thảo luận nhằm làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn; trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng. Việc tổ chức Hội thảo cũng hướng tới kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023).

Hội thảo Văn hóa năm 2022 sẽ diễn ra trong 01 ngày, khai mạc vào 17/12/2022 (từ 8h00 đến 17h30) tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Hội thảo được chủ trì bởi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đồng chí đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo.

Tổng số khách mời tham dự Hội thảo khoảng hơn 800 đại biểu tham dự tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và trực tuyến tại một số điểm cầu và qua nền tảng Internet.

Hội thảo Văn hóa 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa - Ảnh 2.

Ông Bùi Hoài Sơn thông tin tại họp báo.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố, các Bộ, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế; đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và liên quan tới văn hóa.

Nội dung Hội thảo tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn.

Đồng thời, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Hội thảo gồm 02 phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 03 nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên sẽ có 01 báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia (phần thảo luận với hình thức trao đổi, thảo luận bàn tròn).

Trong phiên chuyên đề, Hội thảo sẽ nghe phát biểu khai mạc của lãnh đạo Quốc hội, phát biểu đề dẫn của lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, ý kiến tham luận và thảo luận của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật, các chuyên gia về quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, về thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và những vấn đề đặt ra qua các góc nhìn khác nhau.

Trong phiên toàn thể, Hội thảo sẽ tiếp tục nghe phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các báo cáo đánh giá về chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa; kinh nghiệm quốc tế của một số nước và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp.

Về công tác chuẩn bị nội dung, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị - xã hội, người dân, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương. Đến nay, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận, biên tập vào Kỷ yếu 105 bài tham luận có giá trị, chất lượng tốt.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn cho biết, nội dung của các bài tham luận gửi về bám sát chủ đề trọng tâm của Hội thảo với nhiều góc nhìn khác nhau về thể chế, cơ chế, nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Nhìn chung, các tham luận đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của thể chế, chính sách và nguồn lực trong phát triển văn hóa, là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa quốc gia, dân tộc.

Bên cạnh đó, các tham luận cũng đã xác định nhiều vấn đề đặt ra trong hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa; đồng thời, đề xuất, kiến nghị một số vấn đề cụ thể đối với các cơ quan có thẩm quyền.

Ban Tổ chức Hội thảo tin tưởng rằng với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Quốc hội, Ban Chỉ đạo, việc chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo tiến độ và chất lượng các công việc nêu trên, Hội thảo Văn hóa 2022 sẽ thành công như mong đợi, góp phần đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể và triển khai các nguồn lực một cách thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Hội thảo Văn hóa 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đắc Vinh: Hội thảo sẽ là dịp để bàn luận, thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến văn hóa để đưa ra các quyết sách đúng, các giải pháp sát với thực tiễn để triển khai tốt hơn, đi vào cuộc sống càng nhanh càng tốt.

Phát biểu tại họp báo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo nhấn mạnh, qua các tham luận, tổng hợp các ý kiến tại Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ có những kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền để xem xét sửa đổi, bổ sung hoàn thiện về vấn đề thể chế, chính sách và cố gắng bảo đảm cho được nguồn nhân lực cũng như các thủ tục tài chính để phát triển văn hóa theo đúng mục tiêu mà Đảng đã nêu ra và đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, Hội thảo sẽ là dịp để bàn luận, thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến văn hóa để đưa ra các quyết sách đúng, các giải pháp sát với thực tiễn để triển khai tốt hơn, đi vào cuộc sống càng nhanh càng tốt.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng cho cho biết, hiện công tác chuẩn bị nội dung và tài liệu, tham luận phục vụ Hội thảo Văn hóa 2022 đã hoàn tất và sẽ được công khai đầy đủ trên trang web của Hội thảo để các cơ quan báo chí, phóng viên tiếp cận, khai thác thuận lợi.

Thông tin chi tiết về Hội thảo tham khảo tại địa chỉ:

https://hoithaovhgd.quochoi.vn/

https://quochoi.vn/uybanvanhoagiaoducthanhnienthieunienvanhidong/Pages/default.aspx