Hồ sơ đề nghị đặc xá
a) Hồ sơ đề nghị đặc xá bao gồm các văn bản, tài liệu quy định tại Điều 5 Nghị định số 52. Ngoài ra, một số trường hợp cụ thể phải có thêm các văn bản, tài liệu sau:
- Phạm nhân hoặc người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có tiền án nhưng đã được xóa án tích phải có một trong các tài liệu chứng minh đã được xóa án tích sau đây: Giấy chứng nhận hoặc quyết định xóa án tích của Tòa án có thẩm quyền cấp cho người có tiền án được xóa án tích; bản án ghi là có tiền án nhưng đã được xóa án tích; Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích do Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp cấp;
- Phạm nhân hoặc người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2022 phải có đơn của gia đình phạm nhân hoặc đơn của người đang được tạm đình chỉ trình bày hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân phạm nhân hoặc người đang được tạm đình chỉ là lao động duy nhất trong gia đình (trình bày rõ hoàn cảnh cụ thể từng thành viên của gia đình gồm: Bố, mẹ, vợ (hoặc chồng), con, anh, chị, em ruột sinh năm nào? đang ở đâu? làm gì?).
Đơn phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình phạm nhân, gia đình người đang được tạm đình chỉ cư trú xác nhận là đúng (không chấp nhận những đơn không có nội dung xác nhận này của Ủy ban nhân dân cấp xã);
- Người bị kết án phạt tù được tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ nhân nhân dân phải có bản sao quyết định tặng thưởng.
Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu được sao từ bản chính hoặc bản sao có giá trị sử dụng thay bản chính của những văn bản như: Bản án, bệnh án, kết luận giám định y khoa, các loại tài liệu xác nhận việc thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí, thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác và các tài liệu khác liên quan đến các điều kiện được đề nghị đặc xá của người bị kết án phạt tù. Khi trình danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá để Tổ thẩm định liên ngành nghiên cứu, thẩm định, phải có bản chính hoặc bản sao có giá trị sử dụng thay bản chính của những tài liệu này để kiểm tra, đối chiếu.
b) Danh sách, hồ sơ, thống kê phạm nhân được đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện và danh sách, hồ sơ, thống kê người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu được làm thành bốn bộ đóng dấu đỏ để Tổ thẩm định liên ngành thẩm định.
Sau khi thẩm định xong, một bộ có dấu đỏ cùng đầy đủ các tài liệu chứng minh gốc hoặc bản sao có công chứng của cơ quan có thẩm quyền được lưu tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu.
Hồ sơ tài liệu chuyển về Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá bao gồm:
- Hồ sơ đề nghị đặc xá cho phạm nhân:
+ Ba bộ có dấu đỏ gồm có các tài liệu sau: Biên bản thẩm định danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá của Tổ thẩm định liên ngành; Biên bản họp Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện; Thống kê số liệu người được đề nghị đặc xá; Phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân; Đơn đề nghị đặc xá, Bản cam kết; văn bản đề nghị đặc xá cho phạm nhân của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nhận phạm nhân trích xuất nhưng không quản lý hồ sơ gốc của phạm nhân (áp dụng đối với trường hợp phạm nhân trích xuất); các tài liệu liên quan đến điều kiện đề nghị đặc xá của phạm nhân theo quy định của Nghị định số 52 và Hướng dẫn này; danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá do Giám thị trại giam thuộc Bộ Công an, Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, Cục trưởng Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng lập theo kết quả thẩm định của Tổ thẩm định liên ngành (theo mẫu).
+ Chín bộ khác gồm có các tài liệu: Biên bản thẩm định danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá của Tổ thẩm định liên ngành; Biên bản họp Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện; Phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân; tài liệu chứng minh phạm nhân thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2022 (nếu có); các loại danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá như đã nêu trên.
+ Đối với những trường hợp mà Tổ thẩm định liên ngành đã thẩm định và có ý kiến là không đủ điều kiện đề nghị đặc xá phải làm thành 12 bộ hồ sơ riêng, trong đó có 03 bộ dấu đỏ, gồm các tài liệu sau: Biên bản thẩm định danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá của Tổ thẩm định liên ngành; danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá do Tổ thẩm định liên ngành lập; danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá do Giám thị trại giam thuộc Bộ Công an, Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, Cục trưởng Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng lập, gửi Tổ thẩm định liên ngành kèm theo Phiếu đề nghị đặc xá và các tài liệu khác giống như hồ sơ người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá đã nêu; danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá do Giám thị trại giam thuộc Bộ Công an, Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, Cục trưởng Cục An ninh điều tra, Bộ Công an,
Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng lập theo kết quả thẩm định của Tổ thẩm định liên ngành.
- Hồ sơ đề nghị đặc xá cho người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được lập thành 12 bộ (03 bộ dấu đỏ, 09 bộ photo). Tài liệu có trong hồ sơ gồm: Biên bản thẩm định danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá của Tổ thẩm định liên ngành; Phiếu đề nghị đặc xá cho người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; Đơn đề nghị đặc xá, Bản cam kết; các tài liệu liên quan đến điều kiện đề nghị đặc xá của người đang được tạm đình chỉ theo quy định của Nghị định số 52 và Hướng dẫn này; bản sao bản án và Quyết định thi hành án phạt tù; danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá do Chánh án
Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu lập theo kết quả thẩm định của Tổ thẩm định liên ngành (theo mẫu).
Đối với những trường hợp mà Tổ thẩm định liên ngành thẩm định và có ý kiến là không đủ điều kiện đề nghị đặc xá, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu phải làm thành 12 bộ hồ sơ riêng. Cách lập hồ sơ, danh sách tương tự như cách lập hồ sơ, danh sách của phạm nhân không đủ điều kiện đề nghị đặc xá đã nêu ở trên.
Trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá
a) Trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá được thực hiện theo quy định của Điều 15 Luật Đặc xá, Điều 7 Nghị định số 52, trong đó:
- Việc niêm yết, phổ biến Quyết định về đặc xá năm 2022 cho phạm nhân thực hiện như sau: Ngay sau khi Quyết định về đặc xá năm 2022 được công bố, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, Văn phòng Chủ tịch nước sao gửi Quyết định về đặc xá năm 2022 cho Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá để kịp thời chuyển đến các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện niêm yết, phổ biến cho phạm nhân biết.
- Việc lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá đang chấp hành án tại trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện và trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng để gửi Tổ thẩm định liên ngành thực hiện như sau:
+ Sau khi nhận được hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá do Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Giám thị trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện báo cáo, Cục trưởng Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, Chánh Văn phòng
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh kiểm tra, xem xét và lập danh sách, hồ sơ người đủ điều kiện đề nghị đặc xá để gửi Tổ thẩm định liên ngành.
+ Sau khi nhận được hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá do Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng hoặc
Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng kiểm tra, xem xét và lập danh sách, hồ sơ người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá để gửi Tổ thẩm định liên ngành.
b) Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt:
- Chính phủ giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù mà có yêu cầu đối nội, đối ngoại;
- Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp lập hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù không đủ điều kiện đề nghị đặc xá mà có yêu cầu đối nội, đối ngoại hoặc người đang được hoãn chấp hành án phạt tù mà có yêu cầu đối nội, đối ngoại; tập hợp hồ sơ, danh sách người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt trình các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt;
- Chính phủ chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan xét duyệt hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị để lập hồ sơ, danh sách trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá
Tổ thẩm định liên ngành có trách nhiệm giúp Hội đồng tư vấn đặc xá nghiên cứu, thẩm định danh sách, hồ sơ của người được đề nghị đặc xá theo quy định tại Điều 16 Luật Đặc xá và Điều 8 Nghị định số 52.
Thẩm tra, duyệt, kiểm tra hồ sơ đề nghị đặc xá và trình Chủ tịch nước danh sách đề nghị đặc xá thực hiện theo quy định tại Điều 17 Luật Đặc xá.
Quản lý tài liệu, hồ sơ, danh sách và số liệu người được đề nghị xét đặc xá
a) Tài liệu, hồ sơ, danh sách và số liệu phạm nhân được đề nghị xét đặc xá sau khi Tổ thẩm định liên ngành kiểm tra, thẩm định thuộc loại tài liệu được quản lý, sử dụng theo chế độ "MẬT" đến khi Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức công bố Quyết định đặc xá năm 2022 của Chủ tịch nước.
Cán bộ, chiến sỹ, chuyên viên, nhân viên của các bộ, ban, ngành tham gia công tác đặc xá phải chấp hành nghiêm chỉnh việc quản lý, sử dụng hồ sơ và danh sách người được đề nghị đặc xá theo chế độ “MẬT”. Những người vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.
b) Hồ sơ xét đề nghị đặc xá của phạm nhân phải đầy đủ tài liệu, nội dung ghi trong hồ sơ phải thống nhất, rõ ràng và đúng thủ tục quy định về đặc xá. Nếu để sai lệch các dữ liệu ghi trong hồ sơ đề nghị đặc xá so với hồ sơ gốc hoặc do lỗi kỹ thuật, sau khi thẩm định để lại không đề nghị đặc xá cho phạm nhân có đủ điều kiện hoặc do làm sai lệch hồ sơ và đề nghị đặc xá cho người không có đủ điều kiện thì Giám thị trại giam, trại tạm giam hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu đã lập hồ sơ phải chịu trách nhiệm.