Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật đường bộ cao tốc
Theo đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam sẽ tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về đầu tư, xây dựng và khai thác hệ thống đường bộ cao tốc theo quy định của pháp luật.
Về cơ chế chính sách, Cục Đường cao tốc Việt Nam có nhiệm vụ xây dựng để Bộ trưởng Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về đầu tư, xây dựng, huy động nguồn lực và khai thác hệ thống đường bộ cao tốc; xây dựng chiến lược, kế hoạch trung hạn, hàng năm, chương trình, đề án phát triển đường bộ cao tốc.
Cục này cũng làm nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật đường bộ cao tốc; thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án và các văn bản khác liên quan đến đường bộ cao tốc.
Thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc
Đáng chú ý, Cục Đường cao tốc Việt Nam sẽ được thực hiện thẩm quyền quyết định đầu tư, nhiệm vụ của chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc theo phân công, phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng; thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc theo phân công, phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Đơn vị này cũng được Bộ GTVT giao là cơ quan có thẩm quyền, nhiệm vụ của cơ quan ký kết hợp đồng đối với các dự án đường bộ cao tốc do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hoặc xã hội hóa theo phân công, phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng các dự án đường bộ cao tốc đầu tư theo phương thức PPP
Trong quản lý khai thác, Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng được giao tổ chức thực hiện việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đối với dự án đường bộ cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo các phương thức như: chuyển nhượng quyền thu phí, cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và các phương thức khác theo quy định của pháp luật.
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đối với các dự án đường bộ cao tốc đầu tư theo phương thức PPP hoặc xã hội hóa; bàn giao dự án cho Cục Đường bộ VN để quản lý, bảo trì khi kết thúc hợp đồng theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương được giao là cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền và các chủ đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc theo quy định.
Cục Đường cao tốc Việt Nam có 6 đơn vị
Về cơ cấu tổ chức, Cục Đường cao tốc Việt Nam có 6 đơn vị bao gồm: 1- Văn phòng; 2- Phòng Kế hoạch - Tài chính; 3- Phòng Quản lý đầu tư xây dựng và khai thác; 4- Phòng Pháp chế - Đấu thầu; 5- Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế; 6- Trung tâm Kỹ thuật và Điều hành giao thông đường bộ cao tốc.
Các tổ chức quy định từ (1) đến (5) nêu trên là đơn vị giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; tổ chức quy định tại (6) nêu trên là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục.
Trước đó, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam. Cục Đường cao tốc Việt Nam và Cục Đường bộ Việt Nam là 2 đơn vị được tách ra từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo Nghị định số 56/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT.