Cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn tất, sẵn sàng vận hành từ ngày 1/10/2022
Thông tin tại Hội nghị giao ban quý 3/2022 của Bộ Giao thông vận tải ngày 27/9, ông Nguyễn Xuân Cường, Quyền Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, triển khai Nghị định 56 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải, đến nay, các điều kiện đối với Cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn tất, sẵn sàng vận hành từ ngày 1/10/2022.
Trong đó, quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thông qua.
Hai quyết định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các khu quản lý đường bộ và chi cục đang được trình Bộ trưởng xem xét, thông qua.
Cục Đường bộ Việt Nam sẽ sắp xếp các vị trí nhân sự dôi dư trong 3 năm
"Thực hiện chủ trương chuyển đổi toàn bộ Tổng cục Đường bộ Việt Nam về Cục Đường bộ Việt Nam, có 320 cán bộ đang được thực hiện quy trình bổ nhiệm.
Trong đó, 105 quyết định thuộc thẩm quyền của Cục trưởng", ông Cường thông tin và cho biết, sau rà soát, có 19 vị trí dôi dư.
Thực hiện các quy định hiện hành, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ sắp xếp các vị trí nhân sự dôi dư trong 3 năm.
Trước đó, ngày 23/9/2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký Quyết định số 1218 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam.
Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về Giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.
Về cơ cấu tổ chức, Cục Đường bộ Việt Nam có 14 đầu mối bao gồm:
- Phòng Tổ chức - Hành chính;
- Phòng Pháp chế - Thanh tra;
- Phòng Kế hoạch - Đầu tư;
- Phòng Tài chính;
- Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông;
- Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái;
- Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế;
- Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.
Cùng đó là các Khu Quản lý đường bộ: I, II, III, IV và các đơn vị: Trường Cao đẳng Giao thông vận tải; Trung tâm Kỹ thuật đường bộ.
Trong quyết định cũng nêu các điều khoản chuyển tiếp các đơn vị: Ban Quản lý dự án 3, Ban Quản lý dự án 4, Ban Quản lý dự án 5, Ban Quản lý dự án 8, Trung tâm Truyền thông và Thông tin đường bộ, Cụm phà Vàm Cống, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 1, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 2, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 và Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 4 tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc sắp xếp đối với các đơn vị này.
Kiện toàn nhân sự lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam
Trong một diễn biến liên quan, chiều 27/9, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam.
Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Cao Hiến, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tổ chức cán bộ đã công bố Quyết định số 1239/QĐ-BGTVT, ngày 27/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chuyển đổi chức vụ của ông Nguyễn Xuân Cường, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam sang Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, kể từ ngày 01/10/2022.
Ông Nguyễn Cao Hiến, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tổ chức cán bộ cũng đã công bố các Quyết định số: 1235, 1242, 1237/QĐ-BGTVT, ngày 27/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chuyển đổi chức vụ các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Nguyễn Mạnh Thắng, Phan Thị Thu Hiền, Nguyễn Xuân Ảnh sang Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, kể từ ngày 01/10/2022.
Thay mặt Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chúc mừng ông Nguyễn Xuân Cường và các cán bộ lãnh đạo được Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải chuyển đổi chức vụ sang làm Cục trưởng và Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn chương chuyển đổi mô hình hoạt động để Cục Đường bộ Việt Nam sẽ đi vào hoạt động từ ngày 01/10/2022, trên tinh thần khách quan để ổn định cơ cấu tổ chức, ổn định tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Thứ trưởng lưu ý lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện trong thời gian ngắn, cần tổ chức triển khai nhanh, nhưng phải đảm bảo đầy đủ, đúng quy trình, quy định; đồng thời phát huy truyền thống của Cục Đường bộ Việt Nam qua nhiều giai đoạn, thế hệ, để tiếp tục khẳng định vai trò của ngành Đường bộ trong xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội.