CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Quy định mới về phong hàm cấp tướng, tăng tuổi nghỉ hưu sĩ quan Công an nhân dân

09:55 - 26/06/2023

(Chinhphu.vn) - Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Lực lượng Công an nhân dân có không quá 7 Thượng tướng, 162 Thiếu tướng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân gồm 2 Điều, quy định về: thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc; cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân; hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an…

Luật quy định: Sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; trường hợp không còn đủ 3 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định.

Về số lượng vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng, Luật quy định: Thượng tướng không quá 7, bao gồm: Thứ trưởng Bộ Công an (số lượng không quá 6) và sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Trong khi đó, số lượng Thiếu tướng không quá 162.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong luật này, quy định cấp bậc hàm cấp tướng đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan ở đơn vị thành lập mới nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Tuổi phục vụ cao nhất đối với nam công nhân công an là 62 tuổi, nữ là 60 tuổi 

Đáng chú ý, Luật được Quốc hội thông qua sửa đổi, bổ sung hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan công an. Cụ thể, Hạ sĩ quan 47 tuổi; Cấp úy 55; Thiếu tá, Trung tá (nam 57, nữ 55); Thượng tá (nam 60, nữ 58); Đại tá (nam 62, nữ 60); Cấp tướng (nam 62; nữ 60).

Trường hợp đơn vị công an có nhu cầu, sĩ quan công an là Cấp úy, Thiếu tá, Trung tá, Thượng tá, nếu có đủ phẩm chất, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng không quá 62 đối với nam và 60 đối với nữ. 

Trường hợp đặc biệt sĩ quan có thể được kéo dài tuổi phục vụ hơn 62 đối với nam và hơn 60 đối với nữ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Với công nhân công an, hạn tuổi phục vụ cao nhất với nam là 62 tuổi, nữ 60 tuổi và thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân - Ảnh 2.

Quang cảnh Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Ảnh: Hồ Long

Bảo đảm quyền lợi của sĩ quan, hạ sĩ quan, công an nhân dân

Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP &AN) của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, ngày 16/3/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới đã xác định “Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng, hậu cần, kỹ thuật Công an nhân dân và pháp luật có liên quan, nhất là Luật Công an nhân dân (sửa đổi)”.

“Hiện nay, tuổi nghỉ hưu của người lao động đã được điều chỉnh theo quy định của Bộ luật Lao động từ năm 2021, do đó, cần thiết phải điều chỉnh hạn tuổi phục vụ của Công an nhân dân để bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa các đối tượng, ngành nghề lao động, đồng thời cũng bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. 

Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện Luật Công an nhân dân, một số quy định của Luật không còn phù hợp, vì vậy cần sửa đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác Công an, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã được nêu trong Báo cáo số 255/BC-BCA-V03 ngày 27/02/2023 của Bộ Công an về tổng kết thi hành Luật Công an nhân dân”, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Ảnh: Hồ Long

Sĩ quan từ Đại tá lên Thiếu tướng tối thiểu còn đủ 3 năm công tác

Giải trình về quy định thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm Đại tá lên Thiếu tướng (khoản 1 Điều 1), UBTVQH cho biết, theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 thì hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan có cấp bậc hàm cấp tướng là 60, tuổi để xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng không quá 57 trừ trường hợp đặc biệt. Như vậy, sĩ quan được xem xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác.

Dự thảo Luật tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của nam sĩ quan có cấp bậc hàm cấp tướng là 62 tuổi, theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng. Do đó, nếu thiết kế độ tuổi để được thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng như Luật hiện hành thì phải liệt kê theo lộ trình tăng tuổi. 

Vì vậy, để bảo đảm về kỹ thuật lập pháp, dự thảo Luật quy định: “Sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác” là kế thừa Luật hiện hành, chỉ thay đổi về kỹ thuật để phù hợp với việc tăng hạn tuổi phục vụ theo lộ trình.

Về thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc, Luật chỉ quy định về nguyên tắc tiêu chí, điều kiện và giao Chính phủ quy định; đồng thời, bổ sung khoản 2 Điều 1 quy định như sau: “Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này để xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để xét thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và thăng cấp bậc hàm vượt bậc từ Đại tá trở xuống”.

“Về vấn đề này, UBTVQH xin báo cáo giải trình như sau: Việc thăng cấp bậc hàm cấp tướng vượt bậc đã được quy định trong Luật Công an nhân dân các năm 2005, 2014 và 2018; thực tiễn chưa có trường hợp nào “đang công tác” được thăng cấp bậc hàm cấp tướng vượt bậc. 

Việc quy định thăng cấp bậc hàm cấp tướng vượt bậc tại khoản 3 Điều 23 của Luật Công an nhân dân hiện hành là để dự phòng, nhằm giải quyết đối với trường hợp đặc biệt, cụ thể khi có yêu cầu, có thành tích đặc biệt xuất sắc và có sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. 

Hiện nay chưa có hướng dẫn của Đảng, quy định của pháp luật về tiêu chí, tiêu chuẩn đối với trường hợp này. 

Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật, trường hợp đặc biệt được phong thăng cấp bậc hàm cấp tướng vượt bậc do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Quy định này cũng thống nhất với quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam” – Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ.

Bổ sung quy định 1 vị trí có cấp hàm Thượng tướng, 5 vị trí có cấp hàm Thiếu tướng

Về số lượng vị trí bổ sung có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng, Quốc hội đã thống nhất bổ sung 6 vị trí có cấp hàm cao nhất là cấp tướng như dự thảo Luật. Đối với trường hợp, sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội thì sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cấp bậc hàm cao nhất theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Luật hiện hành; nhất trí Chủ nhiệm Ủy ban QP&AN của Quốc hội có cấp hàm Thượng tướng.

Quốc hội cũng nhất trí 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng trong bối cảnh Bộ Công an đã kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy; quy định Hiệu trưởng trường Đại học ANND, Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân, trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; 2 vị trí Phó Cục trưởng nhằm phù hợp với tổ chức, bộ máy Bộ Công an hiện nay, bảo đảm tương quan với các vị trí cấp tướng khác trong Công an nhân dân, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quy định về cấp bậc hàm đối với các chức vụ, chức danh. 

Trong đó, bổ sung 1 Phó Cục trưởng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và 1 Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an có cấp hàm Thiếu tướng vì đây là những đơn vị có quân số đông, nhiệm vụ lớn, quan trọng trong điều kiện xây dựng Chính phủ số, xã hội số và mở rộng quan hệ quốc tế. 

Vì vậy, việc bổ sung quy định 2 đơn vị này, mỗi đơn vị có 1 Phó Cục trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng là cần thiết để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ huy, nâng cao sức chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.

Liên quan cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá đối với Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng, tiếp thu các ý kiến Đại biểu Quốc hội, luật quy định: “Trưởng phòng và tương đương ở đơn vị trực thuộc Bộ Công an có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, tham mưu, nghiên cứu, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ toàn lực lượng; Trung đoàn trưởng ở đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội và Công an Thành phố Hồ Chí Minh; Trưởng phòng tham mưu, nghiệp vụ, tổ chức cán bộ, công tác đảng và công tác chính trị, Trưởng Công an quận, thành phố thuộc Công an thành phố Hà Nội và Công an Thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao hơn một bậc quy định tại điểm e khoản 1, điều này”.

Tăng ngay 2 tuổi nghỉ hưu đối với nam dưới 60 tuổi, nữ dưới 55 tuổi

Về quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an, Quốc hội nhất trí sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 30 theo hướng: Bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân Công an (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan Công an nhân dân trong trường hợp đặc biệt.

Thời gian tăng tuổi theo lộ trình: Mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình nêu trên.  

Thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ năm 2021 nhưng  không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Giao Chính phủ quy định cụ thể lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.