Giá xăng giảm mạnh nhờ việc áp dụng giảm thuế và xu hướng giá thế giới giảm.
Chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải, sẽ được cắt giảm; áp lực lạm phát sẽ bớt căng thẳng hơn; đời sống của người dân sẽ bớt khó khăn hơn; tổng cầu sẽ có xu hướng tăng và nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn.
Việc cắt giảm mạnh giá xăng dầu đạt được không chỉ nhờ mức giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới giảm, mà còn nhờ quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cắt giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường.
Quyết định nói trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một quyết định kịp thời. Để giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, hệ lụy đối với người dân và nền kinh tế chưa biết sẽ lớn đến mức nào.
Phản ứng chính sách kịp thời là một trong những đòi hỏi của nền quản trị quốc gia hiện đại. Nhận biết vấn đề và có phản ứng chính sách để giải quyết vấn đề cũng giống như nhận biết con bệnh và lên phác đồ điều trị con bệnh kịp thời.
Bệnh ung thư di căn rồi mới bắt đầu chữa trị thì bao giờ cũng tốn kém hơn và để lại hệ lụy nặng nề hơn. Nói chung hiện nay phản ứng chính sách kịp thời cần thiết đối với tình trạng giá xăng dầu tăng cao thì cũng cần thiết đối với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng thuốc và vật tư, thiết bị y tế, tình trạng bộ máy công quyền đùn đẩy công việc và né tránh trách nhiệm...
Đối với các vấn đề như vậy, phản ứng chính sách sớm ngày nào, tốt ngày đó. Ung thư sẽ không tự khỏi, mà sẽ di căn để ngày càng trở nên nặng nề hơn và đến mức không còn chữa trị được. Phản ứng quyết đáp và kịp thời vì vậy phải là đòi hỏi bắt buộc đối với mọi cơ quan nhà nước ở cả trung ương và địa phương.
Với phản ứng chính sách để giảm giá xăng dầu, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta cần phải cắt giảm không chỉ thuế bảo vệ môi trường, mà còn nhiều loại thuế liên quan khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu...
Tuy nhiên cắt giảm các loại thuế nói trên không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Khi thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì phải chờ Quốc hội họp mới có thể thông qua việc cắt giảm thuế được.
Trong lúc đó Quốc hội nước ta chỉ họp mỗi năm hai lần: một lần vào giữa năm và một lần vào cuối năm. Năm nay phải đến tháng 10 Quốc hội mới họp kỳ họp cuối năm của mình. Với tình hình nước sôi lửa bỏng như hiện nay thì chờ "bao giờ cho đến tháng 10"!
Rõ ràng để có thể phản ứng kịp thời trước những vấn đề cấp bách của đất nước, cần thiết phải tiếp tục đổi mới hơn nữa tổ chức và hoạt động của Quốc hội và có lẽ không chỉ của Quốc hội mà còn của cả bộ máy nhà nước nói chung.
Liên quan đến Quốc hội, một Quốc hội chuyên nghiệp hoạt động thường xuyên sẽ giúp Nhà nước phản ứng kịp thời đối với mọi vấn đề cấp bách của đất nước. Nếu Quốc hội vẫn tiếp tục họp mỗi năm hai kỳ ngắn như hiện nay, quan trọng là Quốc hội phải ủy quyền nhiều hơn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc nhanh chóng tổ chức các kỳ họp bất thường mỗi khi cần thiết.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng