Ngày 22/2, Đoàn công tác của Bộ Tổng Tham mưu do Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn đã đến thăm, kiểm tra và làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Tham dự buổi làm việc có Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đại biểu lãnh đạo một số cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu và Viettel.
Theo Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương biểu dương Viettel luôn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương tin tưởng, với phương châm “Đoàn kết, sáng tạo, tự tin, bứt phá”, Viettel sẽ tiếp tục đạt nhiều thành tựu nổi bật hơn nữa trong thời gian tới.
Gợi mở, định hướng một số nhiệm vụ thời gian tới, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho rằng, Viettel cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động đi tắt đón đầu, tiếp cận công nghệ mới nhằm cho ra nhiều sản phẩm chất lượng cao phục vụ Quân đội, góp phần phát triển công nghiệp quốc phòng vững chắc.
Xác định mục tiêu, chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm để phát triển các sản phẩm có thế mạnh, nhất là tập trung vào các loại vũ khí, trang bị công nghệ cao; đồng thời, cần làm tốt việc cải tiến vũ khí, trang bị, kỹ thuật hiện có, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cũng lưu ý, Viettel phát huy thế mạnh, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục triển khai thành công các dự án quan trọng, nhất là những lĩnh vực mới, khó và phức tạp.
Tiên phong trong tham gia nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các loại trang bị kỹ thuật công nghệ cao theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự và phục vụ dân sinh; qua đó nâng cao khả năng làm chủ trang bị kỹ thuật và sản phẩm công nghiệp quốc phòng.
Triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.
Chú trọng liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước về nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Báo cáo tại buổi làm việc, Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, sau gần 35 năm hình thành và phát triển, Viettel đã trở thành tập đoàn kinh tế Nhà nước hàng đầu Việt Nam.
Năm 2022 đánh dấu một năm thành công với Viettel trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động với doanh thu hợp nhất của Tập đoàn đạt gần 164 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận đạt trên 43 nghìn tỷ đồng; duy trì là doanh nghiệp có thương hiệu giá trị nhất Việt Nam trong 7 năm liên tiếp với giá trị tương đương 9 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Viettel đã triển khai thành công nhiều dự án quan trọng, trong đó có những lĩnh vực rất mới, khó và phức tạp; tiếp tục giữ vững là doanh nghiệp quân đội hiệu quả, tiêu biểu, thực hiện tốt chủ trương kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh.
Với đội ngũ nhân sự chất lượng cao, Viettel tiếp tục đóng vai trò quan trọng làm hạt nhân cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, trong đó tiên phong trong tham gia nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các loại trang bị kỹ thuật công nghệ cao theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự và phục vụ dân sinh.
Đồng thời liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước về nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không vũ trụ./.
Theo Đại tá Dương Văn Yên, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng: Hiện nay, năng lực của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực.
Chính sách của Việt Nam là phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, triển khai đồng bộ theo hai chiều: Một là, đẩy mạnh các lĩnh vực có thế mạnh của công nghiệp quốc phòng để tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Hai là, huy động tối đa năng lực sản xuất, công nghệ của các thành phần kinh tế công nghiệp dân sinh cho các hoạt động công nghiệp quốc phòng.
Về chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam hiện đại, Đại tá Dương Văn Yên lưu ý, Việt Nam chủ trương xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, đủ năng lực sản xuất được các loại vũ khí trang bị hiện đại, vũ khí chiến lược, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại, nâng cao sức mạnh, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nâng cao tiềm lực quốc phòng.