In bài viết

Thu hẹp khoảng cách giữa giá đất bồi thường và giá thị trường

18:48 - 11/09/2022

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, việc bồi thường tái định cư tại TPHCM có 4 vấn đề. Đó là vẫn còn khoảng cách giữa giá đất bồi thường và giá trị trường; bất cập quỹ đất, quỹ nhà trên địa bàn; công tác phối hợp chưa đồng bộ và thông tin minh bạch có lúc chưa tốt.

Ngày 11/9, HĐND TPHCM đã tổ chức chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” với chủ đề “Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TPHCM”.

Vẫn còn khoảng cách giữa giá đất bồi thường và giá trị trường

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, hiện nay, việc bồi thường tái định cư tại TPHCM có 4 vấn đề. Đó là vẫn còn khoảng cách giữa giá bồi thường – giá trị trường; bất cập quỹ đất, quỹ nhà trên địa bàn; công tác phối hợp chưa đồng bộ và thông tin minh bạch có lúc chưa tốt.

Về vấn đề nhà ở tái định cư “vừa thừa vừa thiếu”, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, vấn đề bất cập trong bố trí quỹ đất, quỹ nhà tái định cư ở đây liên quan đến vấn đề quy hoạch, sự đồng bộ phù hợp của quy hoạch và nhiều khi không đáp ứng được nguyện vọng của bà con, từ quy hoạch, xây dựng hạ tầng, bố trí cho phù hợp với nguyện vọng, tức là cái sinh kế, học hành của người dân.

Đồng chí  Phan Văn Mãi cho biết, thời gian tới, TPHCM sẽ tập trung góp ý sửa đổi Luật Đất đai, giải quyết các bất cập. 

Đồng thời, TPHCM cụ thể hóa Nghị quyết 18, thu hẹp khoảng cách giữa giá đền bù và giá thị trường; làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đúng luật và đảm bảo nguyên tắc nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. 

Bên cạnh đó, TPHCM sẽ hỗ trợ thủ tục hành chính, cụ thể hóa chính sách đặc thù; làm tốt điều tra xã hội học, tìm hiểu nguyện vọng người dân; bố trí đủ nguồn vốn đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ. Ngoài ra, TPHCM cũng tập trung xử lý các tồn đọng cụ thể, tổ chức tiếp dân, thành lập các tổ công tác chuyên đề…

Trao đổi về dự án rạch xuyên tâm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã thành lập tổ công tác về dự án rạch xuyên tâm; đồng thời, rà soát lại quy hoạch, xác định phương thức đầu tư, nguồn vốn. 

Cuối năm 2022, UBND TPHCM sẽ trình HĐND TPHCM xin chủ trương đầu tư thực hiện dự án này; sẽ triển khai các công việc dự án từ năm 2023. Đây là một trong những dự án trọng điểm của thành phố, góp phần giải quyết, chỉnh trang đô thị, xử lý các nhà ven, trên kênh rạch, là công trình thành phố thực hiện kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số nơi thực hiện còn chậm

Kết luận tại chương trình, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá, thời gian qua, cùng với quá trình phát triển xã hội của TPHCM là sự đồng hành, ủng hộ, đóng góp to lớn của người dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai nhằm đảm bảo đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng.

Đồng thời, chính quyền TPHCM đã nỗ lực hết sức để triển khai thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tháo gỡ những vướng mắc, bất cập nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong thực thi, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; cũng như theo hướng để đảm bảo, tạo điều kiện tốt hơn cho người có đất bị thu hồi sớm ổn định cuộc sống và sản xuất. 

Tuy nhiên, thực tiễn cũng thật khó khăn để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người bị thu hồi đất và chủ đầu tư thực hiện dự án trong khi chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn còn tồn tại, bất cập, vướng mắc và nhiều thay đổi.

“Thành phố cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, trong một số trường hợp, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số nơi thực hiện còn chậm, còn chưa thể đảm bảo hoàn toàn theo nguyện vọng của người dân, phần nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người dân có đất bị thu hồi; vẫn còn tồn tại những vụ việc chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm, kéo dài nhiều năm”- đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.

Nhằm đảm bảo cho việc thu hồi đất phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phục vụ mục đích phát triển kinh tế trong đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TPHCM, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TPHCM, sở ngành, địa phương thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các cấp, các cơ quan liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm đạt được kết quả cao nhất trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư để đảm bảo thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền pháp luật về đất đai, chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước nhằm tạo sự đồng thuận của người dân; phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện dữ liệu đất đai TPHCM; thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Ngoài ra, tăng cường quản lý, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch trên địa bàn TPHCM; Tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, theo đúng quy định pháp luật.

Chấn chỉnh, khắc phục các bất cập trong thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến đất đai

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị tiếp tục rà soát, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định các quy định, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vừa đảm bảo quyền lợi của người dân vừa đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của TPHCM. Chấn chỉnh, khắc phục các bất cập trong việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến đất đai.

Đồng thời, kiện toàn và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nguồn nhân lực quản lý đất đai, tổ chức có chức năng thực hiện các nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo lập và phát triển quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất.

Bên cạnh đó, quan tâm khảo sát, điều tra xã hội học về cuộc sống của người dân sau tái định cư; đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn TPHCM.

Ngoài ra, quan tâm tổ chức tiếp công dân, đối thoại, tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các kiến nghị chính đáng của cử tri liên quan đến vấn đề quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Đối với chương trình Nhà nước vận động người dân hiến đất mở hẻm, làm đường và các trường hợp thu hồi đất, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị chính quyền chủ động hỗ trợ người dân về thủ tục hành chính và phí cập nhật hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trao tận tay người dân.

Đối với việc thực hiện các dự án đường Vành đai 3, cao tốc TPHCM – Mộc Bài, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị các sở ngành liên quan chủ động và quan tâm hướng dẫn UBND TPHCM Thủ Đức và quận, huyện thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. 

Đồng thời, sớm xác định ranh mốc quy hoạch; công khai đơn giá, chính sách tái định cư và thời gian sẽ tiến hành thu hồi đất để người dân có chủ động trong việc chuẩn bị việc di dời, nhanh chóng ổn định cuộc sống, phải đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân.

UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện phải có trách nhiệm nắm rõ từng trường hợp hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, xem xét nhu cầu và nguyện vọng của từng trường hợp để hỗ trợ, vận động. 

“Người dân đã hy sinh nơi ăn chốn ở của mình cho sự phát triển của thành phố, thành phố cũng phải đảm bảo người dân có cuộc sống tốt hơn”- đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.