Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Văn Giao, Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng vừa có bài viết "Phát triển khoa học quân sự: Từ lý thuyết đến thực tiễn" đăng trên Báo Quân đội nhân dân điện tử.
Bài viết cho biết, thực hiện Nghị quyết số 791-NQ/QUTW ngày 30/12/2012 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ (KH-CN) và môi trường trong Quân đội (gọi chung là công tác khoa học quân sự-KHQS) đến năm 2020 và những năm tiếp theo, công tác khoa học quân sự được toàn quân quán triệt, triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, đạt nhiều thành tựu nổi bật.
10 năm qua, khoa học quân sự đã tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ khai thác làm chủ, cải tiến và hiện đại hóa một số vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) bảo đảm cho các đơn vị huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học, công nghệ có nhiều đổi mới; tiềm lực khoa học, công nghệ luôn được quan tâm đầu tư; công tác bảo vệ môi trường ngày càng được chú trọng.
Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào thực tiễn ngày càng nhiều và đạt hiệu quả về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Kết quả được thể hiện ở một số nội dung sau:
Một là, khoa học công nghệ đã đóng góp quan trọng trong xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, nhất là nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm trang bị kỹ thuật, phát triển công nghiệp quốc phòng.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được triển khai toàn diện, đồng bộ. Kết quả nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự đã cung cấp cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những luận cứ khoa học trong hoạch định chủ trương, chính sách, xây dựng và triển khai các chiến lược về quân sự, quốc phòng, các giải pháp phòng ngừa chiến tranh từ sớm, từ xa.
Nghiên cứu bổ sung, phát triển toàn diện lý luận nghệ thuật quân sự ở quy mô chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, tác chiến phòng thủ, tác chiến bảo vệ biên giới, biển, đảo; ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống...
Khoa học xã hội và nhân văn quân sự đã triển khai các nội dung nghiên cứu nhằm phát huy, động viên sức mạnh tổng hợp của toàn dân, cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tập trung nghiên cứu các giải pháp góp phần tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội trong thời kỳ mới; phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh trên mặt trận lý luận, tư tưởng, làm thất bại mọi âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội và hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ chính trị; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc tôn giáo, vùng sâu, vùng xa...
Tổ chức nghiên cứu, hoàn thành biên soạn hệ thống Điều lệnh tác chiến Quân đội nhân dân Việt Nam và bổ sung, hoàn thiện hệ thống tài liệu huấn luyện, tài liệu dạy học, biên soạn từ điển quân sự bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, sát thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục-đào tạo, xây dựng Quân đội chính quy.
Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự đã bám sát sự phát triển của nghệ thuật quân sự, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội.
Trên cơ sở phát huy nội lực, đồng thời khai thác làm chủ các loại vũ khí, thiết bị kỹ thuật mới, công nghệ cao, triển khai các chương trình, đề án khoa học, công nghệ lớn hướng đến các sản phẩm mục tiêu bảo đảm đồng bộ, quy mô lớn; công nghệ và trình độ khoa học, công nghệ trong các sản phẩm có bước phát triển quan trọng.
Từng bước làm chủ trong thiết kế, chế tạo nhiều tổ hợp vũ khí, thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, năng lực nghiên cứu trên một số lĩnh vực đã có bước tiến lớn, như: Công nghệ điện tử vi mạch, quang điện tử, tự động điều khiển, vật liệu, cơ khí chính xác, công nghệ thông tin...
Theo PGS.TS Ngô Văn Giao, Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng, một số bước phát triển khoa học, công nghệ nổi bật là:
Trong bảo đảm cho lực lượng hải quân, đã tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, có những bước tiến đột phá tạo tiền đề cho phát triển lĩnh vực đóng tàu.
Bước đầu đã làm chủ công nghệ chế tạo, đóng mới các tàu tên lửa, tàu pháo, tàu cứu hộ, cứu nạn, tàu cứu hộ tàu ngầm và một số loại tàu chuyên dụng khác.
Thiết kế, chế tạo được các loại radar cảnh giới biển; làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo các loại đạn trang bị cho tàu hải quân, các loại vũ khí dưới nước...
Về bảo đảm cho lực lượng phòng không-không quân, việc ưu tiên phát triển dựa trên ứng dụng các công nghệ hiện đại đã nâng cao năng lực quản lý vùng trời quốc gia, không để bị động, bất ngờ.
Bên cạnh cơ bản làm chủ hầu hết các loại radar, đã chú trọng cải tiến, hiện đại hóa những loại tên lửa phòng không, các tổ hợp pháo phòng không...; chế tạo và đưa vào sử dụng nhiều hệ thống mô phỏng phục vụ huấn luyện; nhanh chóng tiếp cận việc thiết kế, phát triển các dòng UAV đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và xu thế tác chiến mới.
Đối với vũ khí, thiết bị kỹ thuật cho lục quân và các binh chủng, ngành: Đã triển khai nghiên cứu thiết kế, chế tạo một số vũ khí mới, bảo đảm đủ trang bị, đạn dược cho sư đoàn bộ binh đủ quân; đặc biệt là các loại súng và đạn chống tăng thế hệ mới, đạn pháo tăng tầm, cối triệt âm.
Nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa, tích hợp một số vũ khí lên phương tiện cơ động bánh hơi, bánh xích; chế tạo một số loại súng và đạn đặc chủng trang bị cho các lực lượng đặc nhiệm; tự nghiên cứu và sản xuất được hàng trăm mác thuốc phóng, thuốc nổ.
Phát triển trang bị thông tin quân sự thế hệ mới và phương tiện tác chiến điện tử đạt nhiều thành tựu quan trọng, như đã làm chủ công nghệ mới nhất về truyền số liệu, công nghệ nhảy tần chống tác chiến điện tử; tự chủ trong thiết kế, chế tạo các tổng đài, máy thông tin vô tuyến điện quân sự cấp chiến dịch, chiến lược, sản xuất các dòng máy thông tin thế hệ thứ tư hiện đại...
Tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số trang thiết bị trinh sát, gây nhiễu cấp chiến thuật, xe tác chiến điện tử làm nhiệm vụ đặc biệt...
Về khoa học hậu cần quân sự, đã nghiên cứu và đưa vào trang bị hệ thống bếp hiện đại cho các đơn vị trên đất liền, trên tàu; ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất khẩu phần ăn chế biến sẵn, thực phẩm chức năng; chế tạo một số trang bị, phương tiện lọc nước mặn...
Ngành quân y đã nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm, thuốc phục vụ bộ đội theo đặc thù nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu; ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến phát hiện, chẩn đoán vi sinh vật, tác nhân sinh học; có nhiều thành tựu về ghép tạng, góp phần khẳng định vị thế của ngành y Việt Nam...
Hai là, tiềm lực khoa học quân sự được phát huy và tăng cường, phục vụ có hiệu quả cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trên các hướng ưu tiên và xây dựng ngành khoa học quân sự.
Công tác xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ quân sự luôn được quan tâm, tập trung vào một số khâu chủ yếu, như: Nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý, tổ chức khoa học, công nghệ; tăng cường công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu, quản lý khoa học quân sự, có nhiều giải pháp thu hút nguồn nhân lực khoa học, công nghệ phục vụ quốc phòng; quy hoạch và đầu tư chiều sâu phát triển cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặc thù quân sự.
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ có trình độ cao trên các lĩnh vực. Đã hình thành một số nhóm nghiên cứu mạnh và một số nhóm nghiên cứu trẻ trên một số lĩnh vực khoa học, cong nghệ trọng điểm. Xây dựng và duy trì hệ thống phòng thí nghiệm trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu với trang thiết bị tương đối hiện đại...
Ba là, hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học quân sự được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Hoạt động hợp tác trong nước tiếp tục phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Đã xây dựng phương hướng dài hạn và triển khai kế hoạch hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Xây dựng và triển khai nhiều chương trình, nội dung hợp tác nghiên cứu giữa Bộ Quốc phòng với các trung tâm nghiên cứu lớn của Nhà nước để khai thác tiềm lực ngoài Quân đội nhằm giải quyết các vấn đề về đào tạo, hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển giao công nghệ.
Hợp tác khoa học quân sự với các nước bạn được quan tâm; thực hiện có hiệu quả những hoạt động hợp tác quốc tế về khắc phục hậu quả bom, mìn, chất độc hóa học...
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả sau chiến tranh.
Công tác bảo vệ môi trường được đẩy mạnh, thực hiện đồng bộ các nội dung về quản lý, bảo vệ môi trường.
Việc lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư trong Quân đội được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định; xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong Quân đội đã cơ bản hoàn thành.
Các nhiệm vụ điều tra, khảo sát, đánh giá, quan trắc môi trường, xây dựng mô hình kiểm soát, xử lý chất thải, cải thiện môi trường được thực hiện có hiệu quả. Đánh giá và lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn trên phạm vi toàn quốc, triển khai kế hoạch xử lý hậu quả bom, mìn ở nhiều khu vực...
PGS.TS Ngô Văn Giao, Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng cho biết: Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 791-NQ/QUTW, để công tác khoa học quân sự đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 20/12/2022, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 1652-NQ/QUTW về lãnh đạo công tác khoa học quân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Thời gian tới, công tác khoa học quân sự tập trung vào việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác.
Chú trọng tiếp cận, khai thác triệt để những cơ hội, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phấn đấu từng bước làm chủ những công nghệ lõi trong nghiên cứu thiết kế, chế tạo các chủng loại vũ khí, thiết bị kỹ thuật, nhất là vũ khí công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm trang bị cho Quân đội và các sản phẩm lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội...