In bài viết

Nghiên cứu, đề xuất chính sách giải quyết vấn đề thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức y tế

06:40 - 28/02/2023

(Chinhphu,vn) - Nguyên nhân quan trọng nhất xảy ra tình trạng "chảy máu chất xám" trong cơ sở y tế công lập là chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ công nhân viên chức ngành y tế chưa phù hợp. Ngành y tế là ngành đặc thù từ khi còn học và đặc thù trong quá trình phục vụ người bệnh trong khi chế độ đãi ngộ hiện nay chưa tương xứng với đặc thù của ngành.

Nghiên cứu, đề xuất nhiều chính sách để giải quyết vấn đề thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế - Ảnh 1.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, GS.TS Trần Bình Giang và PGS.TS Đào Xuân Cơ tại Tọa đàm "Ngành y vượt khó". Ảnh VGP/Quang Thương

Cứ có bệnh viện mới thành lập là bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai rục rịch xin đi

Chia sẻ về tình trạng "chảy máu chất xám" tại Tọa đàm "Ngành y vượt khó" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Có lẽ những khó khăn về tài chính dẫn đến nguồn tài chính, nguồn chi thường xuyên cho cán bộ nhân viên, đặc biệt là trong 3 năm qua, của Bệnh viện Bạch Mai giảm trầm trọng.

Toàn bộ các dịch vụ của Bệnh viện Bạch Mai hiện tại thu giá viện phí tất cả bằng giá bảo hiểm y tế. Mà giá bảo hiểm y tế thì chúng ta đã ban hành rất lâu rồi và nhiều giá kỹ thuật đã hết sức lỗi thời trong khi hiện tại giá vật tư, thiết bị tăng lên rất nhiều.

Do vậy, chênh lệch thu chi của Bệnh viện không có, mặc dù Bệnh viện Bạch Mai được bệnh nhân rất tín nhiệm, đến rất đông.

Do thu không đủ chi nên nguồn tài chính để đãi ngộ cho cán bộ nhân viên rất thấp. Hiện tại Bệnh viện Bạch Mai đã phải dùng đến Quỹ phát triển sự nghiệp, vay Quỹ phát triển sự nghiệp để chi thường xuyên cho cán bộ, nhân viên. Điều đó làm cho thu nhập của người lao động, của các y bác sĩ giảm rất nhiều.

Bây giờ một khi có bệnh viện nào mới thành lập, tư nhân hoặc thậm chí kể cả bệnh viện công lập, có những khoa mới thành lập là cán bộ Bệnh viện Bạch Mai lại rục rịch xin sang đơn vị đó. Vì thực tế tại Bệnh viện Bạch Mai bây giờ nguồn chi cho cán bộ nhân viên eo hẹp.

Bệnh viện Bạch Mai đang hết sức lo lắng rằng đến ngày 1/7/2023, bắt đầu chi theo tiền lương mới thì nguồn chi thường xuyên của Bệnh viện Bạch Mai chưa chắc đã đủ chi tiền lương cho cán bộ, nhân viên.

Đây là khó khăn mà Bệnh viện Bạch Mai đã báo cáo Bộ Y tế. Bệnh viện Bạch Mai mong muốn Bộ Y tế sớm có các văn bản hướng dẫn để gỡ khó cho các bệnh viện. 

Các bệnh viện khó khăn một thì Bệnh viện Bạch Mai khó gấp đôi, bởi Bạch Mai vướng vào những vấn đề hết sức phức tạp về pháp lý.

"Rất nhiều người, thậm chí có các đồng chí lãnh đạo hỏi tôi sao Bạch Mai đông người thế mà Giám đốc cứ kêu thiếu tài chính. 

Vì hiện tại không có một cơ chế nào để giúp cho Bạch Mai thu đúng, thu đủ. Do vậy chúng tôi đã báo cáo Bộ Y tế nhanh chóng có giải pháp để tháo gỡ kho Bệnh viện Bạch Mai ở thời điểm này", PGS.TS Đào Xuân Cơ bày tỏ.

Nếu không tháo gỡ được khó khăn về đãi ngộ đối với nhân viên y tế thì nguy cơ thầy thuốc giỏi rời bệnh viện công là điều có thể lường trước được

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết: Cho đến nay, Bệnh viện Việt Đức chưa có tình trạng các thầy thuốc, cán bộ nhân viên y tế đi ra ngoài.

Tuy nhiên tình trạng này sẽ không thể kéo dài nếu như chúng ta không tháo gỡ được những khó khăn và nếu vẫn tiếp tục diễn biến thì nguy cơ có những cán bộ, thầy thuốc giỏi, chuyên gia đi khỏi Bệnh viện là điều có thể lường trước được.

"Với tư cách là một người quản lý bệnh viện, một thầy thuốc điều trị cho người bệnh, một chuyên gia cũng có kinh nghiệm trong gần 40 năm trong ngành nhưng đồng thời cũng là một người làm công tác đào tạo, giảng dạy để truyền thụ lại cho các thế hệ sau, tôi hết sức lo lắng", GS.TS Trần Bình Giang bày tỏ.

Ông nêu quan điểm: "Nhiều chuyên gia giỏi ở Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển đi và nếu tình trạng này tiếp tục ở những bệnh viện lớn thì trước mắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc khám chữa bệnh cho người bệnh.

Bởi những người bệnh nặng, tốn kém rất nhiều tiền để chữa trị, bệnh cần phải có điều trị rất phức tạp thì không bệnh viện tư nào nhận hết. Bệnh nhân đều phải đến những bệnh viện lớn, nếu chuyên gia, thầy thuốc giỏi thôi việc, nghỉ việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc khám chữa bệnh cho người bệnh.

Mặt khác, tình trạng này sẽ ảnh hưởng lâu dài cho những thế hệ sau, khi các em sinh viên, các bác sĩ về học không còn thầy giỏi dạy, không có các máy móc, phương tiện hiện đại để có thể thực tập".

"Khi đó làm sao chúng ta hy vọng có được những thế hệ tiếp nối để tham gia khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách có chất lượng, ngày càng cao hơn như Nghị quyết của Trung ương cũng như Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc đổi mới và nâng cao trình độ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Đấy là điều tôi hết sức lo lắng", GS.TS Trần Bình Giang bày tỏ.

Đề xuất nhiều giải pháp gỡ vướng về tài chính, bảo đảm thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng: Nếu chúng ta không kịp thời giải quyết những khó khăn liên quan đến chế độ cho bác sĩ, nhân viên y tế để ngăn chặn tình trạng "chảy máu chất xám" trong các cơ sở y tế công lập, nhất là các bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện hạng đặc biệt thì thời gian sau sẽ có nguy cơ chúng ta phải quan tâm.

Theo ông, nguyên nhân quan trọng nhất là chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ công nhân viên chức ngành y tế chưa phù hợp. Ngành y tế là ngành đặc thù từ khi còn học và đặc thù trong quá trình phục vụ người bệnh trong khi chế độ đãi ngộ hiện nay chưa tương xứng với đặc thù của ngành.

Trong khi đó, áp lực với công việc của nhân viên y tế rất lớn. Điều kiện làm việc còn khó khăn, chế độ đãi ngộ còn hạn chế và nguy cơ của cán bộ, nhân viên ngành y tế trong vấn đề chăm sóc người bệnh rất lớn.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, để giải quyết vấn đề này cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cả về quản lý, tài chính, tổ chức, nhân sự,...

Hiện Bộ Y tế đang tập trung tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Trung ương hoàn thiện thể chế chính sách để nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Mà trước tiên là tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại các đơn vị y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ, làm sao bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai là đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực và năng lực của cán bộ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Về tài chính y tế, vừa rồi Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành các văn bản, nghị định của Chính phủ, đặc biệt là Luật Khám chữa bệnh sửa đổi đã có hẳn một chương về tài chính trong các bệnh viện.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56 về nâng phụ cấp của y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40% và 70% lên 100%.

Để giải quyết vấn đề thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế, Bộ Y tế đang dự thảo để trình Chính phủ ban hành Nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu. Cùng với đó, đã tham mưu ban hành các quy định liên quan đến vấn đề liên doanh, liên kết. "Đây là vấn đề cốt lõi để bảo đảm bảo chế độ cho cán bộ, nhân viên y tế", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài việc nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu của người dân, ngành y tế còn hướng tới hội nhập với khu vực và quốc tế, để người dân có thể khám chữa bệnh ngay ở trong nước đối với các bệnh hiện đang phải ra nước ngoài.

Theo đó, các cán bộ y tế có năng lực, có trình độ kỹ thuật cao vừa thực hiện nghiệp vụ ở trong nước, vừa có thể sẵn sàng ra các cơ sở y tế khu vực và quốc tế để tham gia khám chữa bệnh theo quy định và thông lệ quốc tế. Đồng thời, Bộ Y tế cũng nghiên cứu để tham mưu đảm bảo hành lang pháp lý cho nhân viên y tế trong quá trình hoạt động, đáp ứng việc nâng cao chất lượng, tiến tới hội nhập quốc tế trong thời gian tới./.