Theo đó, kỳ họp Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu của Quốc hội. Tại kỳ họp, Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt.
Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Nội quy kỳ họp Quốc hội nêu rõ: Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp Quốc hội, tập trung nghiên cứu, tham gia thảo luận, góp ý kiến vào các nội dung của kỳ họp Quốc hội và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Trường hợp không thể tham dự kỳ họp Quốc hội, phiên họp theo chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội nếu vắng mặt từ 2 ngày làm việc trở xuống trong cả kỳ họp Quốc hội; báo cáo bằng văn bản, có nêu rõ lý do đến Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định nếu không thể tham dự kỳ họp Quốc hội hoặc vắng mặt tổng số trên 2 ngày làm việc trong cả kỳ họp Quốc hội.
Trường hợp vắng mặt vì lý do sức khỏe hoặc lý do bất khả kháng thì đại biểu Quốc hội báo cáo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Trường hợp vắng mặt để thực hiện nhiệm vụ của kỳ họp Quốc hội theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội thì đại biểu Quốc hội báo cáo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Liên quan đến người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội, dự thính tại phiên họp Quốc hội, Nội quy quy định: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thành viên Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan do Quốc hội thành lập không phải là đại biểu Quốc hội được mời tham dự kỳ họp Quốc hội; có trách nhiệm tham dự phiên họp toàn thể của Quốc hội khi thảo luận về những vấn đề có liên quan đến ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách.
Người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội quy định được phát biểu ý kiến về vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách nếu được Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp đồng ý hoặc yêu cầu.
Tổng Thư ký Quốc hội trao đổi, thống nhất với Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về khách mời danh dự quốc tế trước khi báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc khách mời danh dự trong nước phát biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội theo đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội; xem xét việc khách mời danh dự quốc tế phát biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội theo đề nghị của Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào chương trình kỳ họp Quốc hội.
Đại diện cơ quan nhà nước, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan báo chí có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội.
Căn cứ chương trình kỳ họp Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội quyết định danh sách người được mời quy định tại khoản này.
Theo Nội quy, Kỳ họp Quốc hội giữa năm khai mạc vào ngày 20 tháng 5; kỳ họp Quốc hội cuối năm khai mạc vào ngày 20 tháng 10.
Trường hợp ngày 20 tháng 5 và ngày 20 tháng 10 trùng vào ngày thứ Sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội là ngày làm việc kế tiếp.
Trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức kỳ họp Quốc hội vào các thời điểm nêu trên thì ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước quyết định chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội.
Ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội cuối nhiệm kỳ và kỳ họp bất thường của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.