CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

15:06 - 09/11/2022

(Chinhphu.vn) - Chiều 9/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, với 444/447 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 89,16% tổng số đại biểu Quốc hội.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện - Ảnh 1.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Cụ thể, về gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp đổi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện (Điều 22 Luật Tần số vô tuyến điện được sửa đổi, bổ sung theo khoản 9 Điều 1 dự thảo Luật), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, có ý kiến đề nghị rà soát, sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 22 theo hướng khi đã cấp lần đầu với thời hạn tối đa theo quy định của pháp luật thì không được xem xét gia hạn.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý điểm d khoản 1 Điều 22 như sau: "Tổng thời hạn cấp lần đầu và các lần gia hạn giấy phép không vượt quá thời hạn tối đa quy định cho từng loại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tương ứng; trường hợp thời hạn cấp giấy phép lần đầu bằng thời hạn tối đa quy định cho loại giấy phép tương ứng thì không được gia hạn".

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung các khái niệm về băng tần, kênh tần có giá trị thương mại cao, thủ tục để xác định nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ vào Điều 3 (Giải thích từ ngữ) của Luật để tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định các băng tần, kênh tần số vô tuyến điện được cấp phép theo hình thức đấu giá hoặc thi tuyển.

Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết, nghiên cứu tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này đã quy định rõ các loại băng tần, kênh tần cấp phép trong từng phương thức cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp tại Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện (khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật), không sử dụng các thuật ngữ băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao và có nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ. Do đó, đề nghị Quốc hội cho phép không bổ sung giải thích về các thuật ngữ này.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho biết, có ý kiến cho rằng, tiêu chí về thời hạn sử dụng băng tần là quan trọng và cần phải được quy định trong nội dung đấu giá mà không cần quy định tại khoản 3a Điều 16 Luật Tần số vô tuyến điện (được bổ sung theo khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến đại biểu Quốc hội về đề nghị đưa tiêu chí thời hạn sử dụng băng tần vào nội dung đấu giá là xác đáng.

Tuy nhiên, để có cơ sở quyết định thời hạn giấy phép sử dụng băng tần đối với từng cuộc đấu giá thì ngoài quy định về thời hạn tối đa của giấy phép sử dụng băng tần (được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009) cần phải bổ sung quy định trong Luật giao thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định thời hạn giấy phép sử dụng băng tần được cấp thông qua đấu giá, thi tuyển hoặc được cấp lại tại khoản 3a Điều 16.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ quy định khoản 3a Điều 16 như dự thảo.

Ngoài những nội dung đã tiếp thu, giải trình nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan; chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp trong các quy định của dự thảo Luật./.