Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã đề ra các giải pháp hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất như thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm; giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo; kiểm soát và phân cấp, phân quyền trong công tác chuyển mục đích sử dụng đất.
Thể chế nội dung này, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa theo hướng: Về thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đã được thể chế tại các Điều 63, 64 và 65 của dự thảo Luật theo phương thức loại trừ dần.
Theo đó, giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất chủ yếu áp dụng cho các trường hợp được giao đất không thu tiền sử dụng đất, được miễn tiền sử dụng đất và thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước (Điều 63).
Giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất được áp dụng đối với trường hợp: Dự án có quy mô sử dụng đất lớn (từ 100 ha trở lên); Có yêu cầu động lực lan tỏa về phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu về điểm nhấn kiến trúc, phát triển đô thị; Khu đất chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, không phải là khu dân cư tập trung; Dự án đáp ứng hiệu quả tổng hợp về sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường và yêu cầu nhà đầu tư có năng lực về tài chính, có kinh nghiệm triển khai dự án và cam kết về tiến độ hoàn thành dự án với thời gian ngắn nhất (Điều 64).
Đối với các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất còn lại thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất (Điều 65).
Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung quy định về điều kiện đối với quỹ đất được lựa chọn để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện. Các quy định nêu trên nhằm tạo điều kiện tiếp cận đất đai một cách công khai minh bạch, công bằng và phát huy nguồn lực đất đai.
Về cụ thể hóa các trường hợp thuê đất: đã được quy định tại Điều 58 về cho thuê đất. Theo đó, các trường hợp được áp dụng hình thức thuê trả tiền một lần hoặc lựa chọn trả tiền hàng năm gồm: sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất.
Các trường hợp còn lại được áp dụng hình thức thuê trả tiền hàng năm.
Quy định này vừa thể chế đúng tinh thần của Nghị quyết, vừa tạo điều kiện cho người sử dụng đất tập trung nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Về giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo: được thể chế tại Điều 56 và Điều 178 về giao đất không thu tiền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo sử dụng đất làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo.
Về phân cấp, phân quyền trong công tác chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ được quy định tại Điều 60, theo đó giao toàn bộ thẩm quyền này cho địa phương.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với nội dung này.