In bài viết

Ghi tên cả nhà vào sổ đỏ: Nên hay không?

11:16 - 13/03/2023

(Chinhphu.vn) - Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý kiến cho rằng không cần thiết ghi tên tất cả các thành viên hộ gia đình sử dụng đất vào sổ được cấp đổi. Đất đã cấp cho hộ cứ theo quy định trước đây là chỉ ghi tên chủ hộ đại diện.

Ngày 7/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham dự của đại diện các cơ quan báo, đài trên địa bàn thành phố.

Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng, Luật Đất đai là một trong các luật có tác động to lớn đến sự phát triển của đất nước về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cũng như đời sống của người dân. 

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã kế thừa Luật Đất đai trước đây, đồng thời có giảm bớt và bổ sung một số điều khoản quan trọng, phù hợp điều kiện thực tế. 

Từ nội dung dự thảo Luật, các đại biểu tập trung thảo luận về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, của công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về thu hồi, trưng dụng đất để đảm bảo công khai, minh bạch, giảm khiếu nại; vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai... 

Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi): Ghi tên tất cả thành viên hộ gia đình vào sổ đỏ, nên hay không? - Ảnh 1.

Nên khôi phục thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Công Đồng cho biết, so với Luật Đất đai năm 2013, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong dự thảo Luật lần này có sự thay đổi lớn về cơ chế giải quyết tranh chấp, đã thu gọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết chỉ còn thuộc về Tòa án, trong khi trước đó, việc giải quyết tranh chấp đất đai đang được giao cho 2 cơ quan cùng có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Theo ông Lê Công Đồng, việc tranh chấp đất đai của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức… thường rất phức tạp, chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất thường không rõ ràng. 

Theo quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện tại, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai mà thẩm quyền này sẽ thuộc về Tòa án. 

Việc này sẽ thu hẹp quyền lựa chọn của các đương sự trong việc giải quyết tranh chấp đất đai, cũng như gia tăng áp lực lên hệ thống Tòa án các cấp trong quá trình thụ lý, giải quyết tranh chấp đất đai.

Do đó, ông Lê Công Đồng đề nghị, dự thảo Luật nên khôi phục thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân các cấp nhằm đảm bảo quyền lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp của các đương sự; giảm áp lực về số lượng vụ việc tranh chấp đất đai do Tòa án phải giải quyết. Đặc biệt, thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai tại các địa phương hiện nay.

Không cần thiết ghi tên tất cả các thành viên hộ gia đình vào sổ đỏ

Ông Ngô Thái Bình (Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện tại, trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình sẽ cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (hay còn được người dân gọi là "sổ hồng - sổ đỏ") ghi đầy đủ tên thành viên trên sổ và trao cho người đại diện. 

Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình đã ghi trên giấy chứng nhận do các thành viên này từ tố tụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đây là điểm mới so với quy định của pháp luật đất đai hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Thái Bình, thực tiễn cho thấy việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và ảnh hưởng đến giao dịch định đoạt quyền sử dụng đất. 

Theo đó, hộ gia đình là đối tượng sử dụng đất có quan hệ hôn nhân, huyết thống, có quyền sử dụng đất chung... được ghi nhận trong Luật Đất đai 2003 và 2013. Song, luật lại không quy định căn cứ nào để xác nhận đủ các thành viên của hộ gia đình. 

Thông thường để xác định hộ gia đình trước đây thường căn cứ vào sổ hộ khẩu nhưng các nhân khẩu trong hộ khẩu thường có biến động tách, nhập khẩu, ở nhờ... làm tăng, giảm nhân khẩu. 

Hiện nay sổ hộ khẩu đã bỏ, cùng với việc tự do di chuyển, cư trú của dân cư, nếu dữ liệu dân cư đang do cơ quan Công an nắm giữ không cập nhật đủ còn nhiều rắc rối trong việc xác định thành viên trong gia đình để ghi vào sổ.

Do đó, ông Ngô Thái Bình nêu ý kiến, không cần thiết ghi tên tất cả các thành viên hộ gia đình sử dụng đất vào sổ được cấp đổi. Đất đã cấp cho hộ cứ theo quy định trước đây là chỉ ghi tên chủ hộ đại diện. 

Nếu các thành viên hộ gia đình muốn định đoạt quyền sử dụng đất thì họ sẽ tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm hoặc nhờ tòa án phân xử. 

Nếu bắt buộc phải ghi thì dự thảo Luật cần thống nhất căn cứ xác định thành viên hộ cho thuận tiện trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Thực hiện nghiêm việc công khai, công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng, thu hồi đất

Bà Nguyễn Thị Tuyết Dân (Báo Phụ Nữ) đề nghị, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thực hiện nghiêm việc công khai, công bố quy hoạch, kế hoạch (trừ trường hợp đặc biệt vì an ninh quốc phòng) sử dụng đất và thu hồi đất. 

Đồng thời, có cơ chế xử lý nghiêm không chỉ người dân không tuân thủ các quy định pháp luật mà còn đối với những cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện đúng quy định trong luật./.