Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn do Văn phòng Chính phủ chuyển đến với nội dung: “Cử tri đề nghị xem xét, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực biên giới, như: Chính sách hỗ trợ dân cư và người công tác tại khu vực biên giới; chế độ ưu đãi đối với người trực tiếp và người được huy động làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; chính sách ưu tiên đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cho các xã biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân định cư ở khu vực biên giới”.
Ngày 25/3/2024, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời như sau:
Với quan điểm: “Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước”. Những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ dân cư và người công tác tại khu vực biên giới, ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có khu vực biên giới, như:
- Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
- Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2030.
- Chính phủ ban hành:
+ Nghị định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21/12/2018 về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
+ Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 29/4/2020 về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 02/3/2022 về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền.
+ Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vục II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Như vậy, cơ chế, chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, khu vực biên giới nói riêng được Đảng, Nhà nước ta ban hành toàn diện, đầy đủ và thường xuyên được rà soát, bổ sung những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn.
Do vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quán triệt, triển khai thực hiện sát tình hình thực tế, mang lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực; không đề nghị ban hành thêm văn bản quy định chính sách đặc thù cho khu vực biên giới để tránh chồng chéo với các văn bản hiện hành.
+ Chế độ ưu đãi đối với người trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia
Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới được xác định lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách. Các lực lượng này trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đều có hệ thống các chế độ, chính sách cụ thể theo quy định của pháp luật. Việc trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới là nhiệm vụ chính trị của mỗi cán bộ, chiến sĩ và được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật và hỗ trợ của địa phương.
Chính quyền các địa phương căn cứ vào chức năng, thẩm quyền và nguồn lực tại chỗ để có chủ trương, phương án hỗ trợ hợp lý cho các lực lượng trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới theo quy định của pháp luật.
+ Chế độ ưu đãi đối với người được huy động làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia
Ngày 09/01/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, trong đó Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới, bờ biển: Hằng năm, bố trí một phần ngân sách địa phương để đảm bảo cho các hoạt động của phong trào quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (Mục 1, điểm b).
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khác phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới quan tâm đầu tư, hỗ trợ các chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực biên giới; tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả hướng về đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới (Mục 2).
Ngày 11/8/2015, Bộ Quốc phòng ban hành Hướng dẫn số 7210/HD-BQP về việc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định tập thể, hộ gia đình, cá nhân được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được hưởng chế độ ưu đãi, gồm:
- Hỗ trợ trang thiết bị, thông tin, tài liệu: Được chính quyền các cấp nơi cư trú định kỳ hoặc đột xuất phổ biến, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật mới của Nhà nước; các hiệp định, thỏa thuận về biên giới mà nước ta ký kết với các nước liên quan; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương; được cung cấp tài liệu, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức liên quan; được ưu tiên xét, cấp phương tiện, trang bị thông tin liên lạc, định vị vệ tinh, quan sát, phương tiện an toàn, cứu sinh... khi có các chương trình, dự án.
- Hỗ trợ về điều kiện sản xuất, sinh hoạt: Được ưu tiên trong xem xét giao đất, giao rừng, giao diện tích sản xuất diêm nghiệp, nuôi trồng thuỷ, hải sản, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa và các loại đất sản xuất khác theo quy định của pháp luật; được ưu tiên xét tham gia các dự án xoá đói, giảm nghèo, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư của Nhà nước và địa phương ở khu vực biên giới; được ưu tiên tạo điều kiện xét, cấp vốn, nhất là những hộ gia đình tái định cư, khai hoang ở sát biên giới, ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ; hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn khi đánh bắt xa bờ để bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
- Trường hợp tập thể, hộ gia đình, cá nhân đăng ký (hoặc không đăng ký tham gia) nhưng được người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định huy động nhân lực, phương tiện, tàu thuyền... tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia nếu bị ốm, bị thương, bị chết, thiệt hại về tài sản, phương tiện, tàu thuyền thì tùy theo trường hợp cụ thể, được hưởng chế độ, chính sách theo Nghị định số 30/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 của Chính phủ hoặc được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
+ Chế độ ưu đãi đối với nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của nước ta.
Được quy định cụ thể, đầy đủ, chi tiết tại Điều 15, 16 Nghị định số 30/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 của Chính phủ về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Nghị định số 130/2015/NĐ-CP ngày 18/12/2015 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2010/NĐ-CP).
Căn cứ vào các quy định trên, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới, bờ biển cần căn cứ vào tình hình thực tế để quy định hình thức, định mức đảm bảo chế độ, chính sách và ưu đãi cho các lực lượng được huy động tham gia bảo vệ biên giới quốc gia theo đúng quy định của pháp luật. Đối với tỉnh Lạng Sơn, ngày 14/7/2023, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND về quy định chính sách hỗ trợ Nhân dân tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Như vậy, chế độ ưu đãi đối với lực lượng được huy động tham gia bảo vệ biên giới đã được đảm bảo và thể chế hóa bằng hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng Trung ương và chính quyền địa phương rà soát, đề nghị Nhà nước bổ sung hoặc xem xét ban hành mới quy định về chế độ ưu đãi đối với lực lượng được huy động tham gia bảo vệ biên giới quốc gia.