Phát triển kinh tế tư nhân: Đề nghị quy định chặt chẽ nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh

16/05/2025 07:48

(Chinhphu.vn) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân quy định chặt chẽ nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh...

Phát triển kinh tế tư nhân: Đề nghị quy định chặt chẽ nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh- Ảnh 1.

Toàn cảnh Phiên thảo luận ở Tổ 9

Đề xuất nhiều chính sách cụ thể phát triển kinh tế tư nhân

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 15/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, các đại biểu tại Tổ 9 cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết cũng như tán thành ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn ở một kỳ họp. 

Các ý kiến đánh giá cao Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra trong thời gian rất ngắn đã hoàn thiện các nội dung để trình Quốc hội xem xét Nghị quyết này.

Đồng tình với sự đổi mới các chính sách hướng đến doanh nghiệp và các vấn đề mấu chốt đang được tập trung giải quyết để phát triển đất nước, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nhận thấy, dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân đề xuất nhiều chính sách cụ thể, nếu áp dụng triệt để thì sẽ tạo chuyển biến lớn trong phát triển KT-XH của nước ta và của địa phương.

Phát triển kinh tế tư nhân: Đề nghị quy định chặt chẽ nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh- Ảnh 2.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh dự Phiên thảo luận tại Tổ 9

Xác định rõ vị trí chiến lược của kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân

Về nguyên tắc phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, cần phải quán triệt nguyên tắc bình đẳng trong môi trường đầu tư kinh doanh. 

“Bất kỳ thành phần kinh tế nào như kinh tế Nhà nước gắn liền với doanh nghiệp Nhà nước, kinh tế tư nhân gắn liền với doanh nghiệp tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài gắn liền với doanh nghiệp có vốn FDI, các chính sách áp dụng đều phải dựa trên cơ sở bình đẳng. 

Vì thực tế thời gian qua, đâu đó chúng ta có nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn các doanh nghiệp trong nước chưa được quan tâm”, đại biểu nêu rõ.

Do đó, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị Ban soạn thảo ở phần mở đầu của dự thảo Nghị quyết cần xác định rõ vị trí chiến lược của kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. 

Đồng thời, đưa ra các chỉ tiêu quan trọng trong các thời kỳ như giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045-2050, cần làm rõ phát triển đội ngũ doanh nghiệp tư nhân với số lượng như thế nào? Ví dụ như doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp quốc tế phát triển tầm cỡ như thế nào và có định hướng rõ ràng để đì liền với đó là các chính sách phát triển. 

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, ngay ở phần mở đầu của dự thảo Nghị quyết cần nhấn mạnh vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân để hướng tới xây dựng các chính sách một cách bao quát và toàn diện.

Phát triển kinh tế tư nhân: Đề nghị quy định chặt chẽ nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Tán thành với các nội dung của dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, các nội dung chính sách mang tính chiến lược, trọng tâm còn nằm rải rác, dàn trải. Do vậy, cần quan tâm đến công tác quy hoạch, vấn đề đất đai, hỗ trợ tín dụng, vấn đề thanh tra, kiểm tra… để khơi dậy sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân.

Liên quan đến công tác quy hoạch, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn nêu rõ, quan điểm quy hoạch mà chúng ta đang thực hiện là “cái gì không có trong quy hoạch thì không được phép làm, điều này sẽ làm hạn chế đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp”. 

Đại biểu đề nghị đối với đề xuất của doanh nghiệp khác với quy hoạch trong từng thời kỳ cần phải được xem xét cụ thể để các dự án đó khi đánh giá tính khả thi có thể giúp cho doanh nghiệp phát triển.

Về vấn đề đất đai, dự thảo Nghị quyết đưa ra nhiều chính sách như miễn giảm tiền thuê đất, sử dụng ngân sách để giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư… 

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị cần có cơ chế mở đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có đất, có đề xuất đầu tư nhưng không nằm trong quy hoạch hoặc không nằm trong danh mục các dự án Nhà nước lựa chọn đầu tư.

Cần quy định chặt chẽ hơn về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra

Về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo Nghị quyết có nêu: “Số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng”. 

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị cần cụ thể hóa nội dung này và cần quy định chặt chẽ hơn để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện. 

Đồng thời, cần có giám sát trong thanh tra, kiểm tra như giám sát từ xa, giám sát qua hệ thống báo cáo, qua dữ liệu điện tử của doanh nghiệp…

Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nêu rõ, hoạt động thanh tra đã được quy định trong Luật Thanh tra. 

Tuy nhiên, hiện chưa có pháp luật nào quy định về kiểm tra, và hiện vấn đề này đang gây nhũng nhiễu nhiều cho doanh nghiệp và nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp về vấn đề này, ví dụ như cấp phép về xây dựng, hoàn công… 

Vì vậy, đại biểu đề nghị các nội dung về kiểm tra cần được luật hóa và quy định rõ trong dự thảo Nghị quyết. 

Tại khoản 9, khoản 10 Điều 4 của dự thảo Nghị quyết, cần làm rõ chế tài đi kèm để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả khi triển khai thực hiện Điều này.

Phát triển kinh tế tư nhân: Đề nghị quy định chặt chẽ nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh- Ảnh 5.

Các đại biểu tham dự Phiên họp tại Tổ 9

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đại biểu cho rằng, nên quy định rõ trong dự thảo Nghị quyết là doanh nghiệp tư nhân để làm rõ đối tượng xác định trong thành phần của phạm vi điều chỉnh. 

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định chuyển tiếp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể phát triển, đảm bảo tính ổn định và bền vững (từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, từ doanh nghiệp nhỏ lên doanh nghiệp vừa...).

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị rà soát để bảo đảm tính thống nhất, tính tương thích với các luật, Nghị quyết liên quan.

Góp ý về dự thảo Nghị quyết này, đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng, Nghị quyết đã góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế tư nhân hiện nay và dần hoàn thiện hệ thống pháp luật để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân - động lực quan trọng phát triển kinh tế đất nước.

“Trong dự thảo Nghị quyết có nhiều điểm mới có tính chất bước ngoặt về tư duy, nhận thức và hành động về kinh tế tư nhân. Tức là chúng ta đặt kinh tế tư nhân, nhìn nhận và đặt đúng vai trò, vị trí để cùng với kinh tế tập thể ở kinh tế nhà nước và các thành phần kinh tế khác trở thành động lực phát triển kinh tế đất nước”, đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh.

Phát triển kinh tế tư nhân: Đề nghị quy định chặt chẽ nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh- Ảnh 6.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Phân phối lại nguồn lực cho đồng đều để giúp kinh tế tư nhân phát triển

Nêu rõ hiện dự thảo Nghị quyết đang thiết kế nhiều nguồn lực như đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tài chính, tín dụng cho doanh nghiệp, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn, hay nói cách khác là phân phối lại nguồn lực cho đồng đều để giúp kinh tế tư nhân phát triển.

Đồng tình với những chính sách của dự thảo Nghị quyết liên quan đến hỗ trợ thuế, phí, đại biểu cho rằng, các nội dung này được thiết kế trên cơ sở nuôi dưỡng nguồn thu, do đó, sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn. Vì vậy, đề nghị rà soát, tính toán kỹ để không ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi ngân sách khác trong giai đoạn này, nhất là chi đầu tư phát triển.

Về tài chính, tín dụng được quy định tại Điều 9 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị nên cân nhắc rõ, bổ sung thêm nhiều chính sách ưu đãi về vốn. Cần có cơ chế quy định để triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước sao cho hài hòa giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, trong các quy định tại Điều 9, đại biểu đề nghị nên thống nhất theo đề nghị thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính.

Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm đối với các doanh nghiệp khoa học, công nghệ. Nhà nước cần phải chấp nhận mạo hiểm cùng với doanh nghiệp thì mới tạo ra cơ chế pháp lý, giúp các doanh nghiệp phát triển.

Phát triển kinh tế tư nhân: Đề nghị quy định chặt chẽ nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh- Ảnh 7.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái điều hành Phiên thảo luận tại Tổ 9

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. 

Các ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án; tán thành việc trình dự án theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Các ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã quán triệt, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là đã kịp thời triển khai yêu cầu cụ thể của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66/NQ-TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Vì vậy, các ý kiến cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Nghị quyết; nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết…

Ngoài ra, các đại biểu góp ý vào dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đa số ý kiến đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật nhằm hoàn thiện pháp luật về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. 

Đồng thời, đây là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận những vấn đề mới cả về quân sự, dân sự, an ninh, trật tự trên quy mô và phạm vi rộng lớn, với điều kiện môi trường địa - chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa đa dạng, khó khăn, phức tạp.

Các ý kiến tập trung góp ý về các nội dung như: về vị trí, chức năng của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc; về chính sách của Nhà nước; về quản lý nhà nước về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; về Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; về thẩm quyền, quy trình cử, điều chỉnh, gia hạn nhiệm kỳ công tác, rút lực lượng vũ trang và lực lượng dân sự; về bảo đảm và chế độ, chính sách…

Nội dung này, đã nhận được 0 góp ý, hiến kế
Góp ý, hiến kế cho Chính phủ ngay tại đây
Đọc nhiều
LỊCH THI TỐT NGHIỆP THPT năm 2025

LỊCH THI TỐT NGHIỆP THPT năm 2025

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Theo quy định của Bộ GDĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức vào các ngày 25, 26, 27, 28/6.

TOÀN VĂN: Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân

TOÀN VĂN: Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân

Phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp dân tộc

(Chinhphu.vn) - Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết này.

TOÀN VĂN: NGHỊ ĐỊNH 154/2025/NĐ-CP quy định về TINH GIẢN BIÊN CHẾ

TOÀN VĂN: NGHỊ ĐỊNH 154/2025/NĐ-CP quy định về TINH GIẢN BIÊN CHẾ

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Toàn văn Nghị định số 154/2025/NĐ-CP ngày 15/6/2025 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/6/2025; thay thế Nghị định số 29/2023.

Chi tiết 34 ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH

Chi tiết 34 ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH

Chính sách và cuộc sống

(Chinhphu.vn) - Kể từ ngày 12/6/2025, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Trong đó có 19 tỉnh và 4 thành phố hình thành sau sắp xếp và 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sắp xếp.

Đề xuất khẩn trương tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2025; sớm tăng lương cho cán bộ, công chức; xây dựng bảng lương đặc thù cho ngành y tế

Đề xuất khẩn trương tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2025; sớm tăng lương cho cán bộ, công chức; xây dựng bảng lương đặc thù cho ngành y tế

Tham vấn chính sách

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Quốc hội đề xuất khẩn trương điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2025; sớm tăng lương cho cán bộ, công chức; xây dựng bảng lương đặc thù cho ngành y tế.

Chúng tôi luôn Lắng nghe và phản hồi Chúng tôi
luôn
Lắng nghe
và phản hồi