CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Ngăn chặn lợi dụng pháp luật để trù dập người tố cáo

11:48 - 10/05/2023

(Chinhphu.vn) - Thông tư số 03/2020/TT-BNV ngày 21/7/2020 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tố cáo

Theo Bộ Nội vụ, để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp ý, phê bình, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức, Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện một số chủ trương, quy định có liên quan đến bảo vệ người tố cáo và bước đầu đã đạt được kết quả nhất định.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập, còn tình trạng để lộ, lọt thông tin của người tố cáo; không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; người tố cáo bị chuyển đổi vị trí công tác, phân công công việc không đúng chuyên môn, sở trường… 

Hạn chế, bất cập nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa hoàn thiện, thiếu cụ thể.

Để giải quyết những tồn tại nêu trên, tại Chương VI Luật Tố cáo, Mục 2 Chương II Nghị định số 31/2019/NĐ-CP đã quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ người tố cáo. 

Trong đó bao gồm các quy định về quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ; cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ; trình tự, thủ tục bảo vệ; biện pháp bảo vệ… người tố cáo. 

Đồng thời, ngày 01/02/2019, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1061/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ và Ban cán sự đảng các bộ, ngành liên quan ban hành Thông tư quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức.

Trên cơ sở quy định của Luật Tố cáo; quán triệt tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Chỉ thị số 27-

CT/TW); thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc ban hành Thông tư quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết.

Nội dung chủ yếu của Thông tư 03/2020/TT-BNV 

- Về bố cục

Thông tư gồm 07 điều, trong đó từ Điều 3 đến Điều 6 quy định về nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và biện pháp bảo vệ người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức và Điều 7 quy định về hiệu lực thi hành.

- Về nội dung

a) Về phạm vi điều chỉnh

Phạm vi điều chỉnh của Thông tư bao gồm các nội dung về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

b) Về đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Thông tư được quy định tại Điều 2 Thông tư, gồm 03 nhóm đối tượng, cụ thể:

- Người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc tố cáo, giải quyết tố cáo.

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo.

c) Về nội dung bảo vệ vị trí công tác

Căn cứ quy định của Luật Tố cáo, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Thông tư quy định nội dung bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức là việc bảo vệ công việc gắn với chức danh, chức vụ, vị trí việc làm của cán bộ, công chức; công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý của viên chức trong quá trình giải quyết tố cáo.

d) Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ

Chương VI Luật Tố cáo đã quy định các nội dung về bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức. Một số điều trong Luật Tố cáo đã quy định cụ thể các nội dung liên quan đến việc bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo như: Người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ (Điều 47); cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ (Điều 49); biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm (Điều 59)…

Các nội dung quy định tại Luật Tố cáo có thể áp dụng trực tiếp. Điều 4 Thông tư làm rõ hơn về thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.

Căn cứ quy định tại Điều 57 Luật Tố cáo và nội dung liên quan đến việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, Thông tư quy định theo hướng vừa viện dẫn các quy định của Luật Tố cáo, vừa hướng dẫn cụ thể các trường hợp không thực hiện việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác đối với người được bảo vệ nhằm mục đích ngăn chặn việc lợi dụng các quy định của pháp luật trong công tác sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để trù dập, trả thù cán bộ, công chức, viên chức là người tố cáo.

*Toàn văn Thông tư 03/2020/TT-BNV

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, BIỆN PHÁP BẢO VỆ VỊ TRÍ CÔNG TÁC CỦA NGƯỜI TỐ CÁO LÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc tố cáo, giải quyết tố cáo.

3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo.

Điều 3. Nội dung bảo vệ vị trí công tác

Bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức là việc bảo vệ công việc gắn với chức danh, chức vụ, vị trí việc làm của cán bộ, công chức; công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý của viên chức trong quá trình giải quyết tố cáo.

Điều 4. Thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ

1. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được người có thẩm quyền giải quyết tố cáo yêu cầu hoặc đề nghị thực hiện biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong trường hợp người tố cáo đó không thuộc thẩm quyền quản lý của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

3. Tổ chức, đơn vị làm công tác tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện biện pháp bảo vệ vị trí công tác có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với tổ chức công đoàn, ban thanh tra nhân dân và các tổ chức khác cùng cấp trong việc thực hiện bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 5. Trình tự, thủ tục bảo vệ

Trình tự, thủ tục bảo vệ được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương VI Luật Tố cáo.

Điều 6. Biện pháp bảo vệ

1. Biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Tố cáo.

2. Không thực hiện việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ, trừ các trường hợp sau:

a) Thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Chương V Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng;

b) Được sự đồng ý của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức;

c) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

3. Không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ, trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2020.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.