CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Lời khuyên cho học sinh “mất gốc” tự tin vượt vũ môn

09:24 - 16/05/2023

(Chinhphu.vn) - Với “cơ sở dữ liệu” gần như bằng không, nhiều bạn trẻ đang trăn trở và hoang mang không biết mình nên làm gì để khắc phục tình trạng “mất gốc” và vượt qua những kỳ thi quan trọng sắp tới.

Lời khuyên cho học sinh “mất gốc” tự tin vượt vũ môn - Ảnh 1.

Học sinh tự tin vượt vũ môn.

Sau đây là những lời khuyên hữu ích cho các bạn học sinh vượt qua khủng hoảng học tập.

1. Tâm lý bình tĩnh

Khi “mất gốc” kiến thức, bạn dễ rơi vào tâm trạng lo sợ, hoang mang và thậm chí là tuyệt vọng dẫn tới buông xuôi việc học hành, phó mặc tất cả cho sự may rủi. Tuy nhiên, việc đầu tiên nên làm không phải là than thở và khóc lóc mà bạn hãy tự trấn an mình phải thật bình tĩnh để có thể tìm ra cách giải quyết tốt nhất.

Trong học tập thì không bao giờ là quá muộn với một người thực sự có cố gắng và quyết tâm. Vì vậy dù tình trạng học tập hiện tại của bạn có thực sự tồi tệ đến đâu thì hoảng loạn và tuyệt vọng không phải là một cách tốt để vượt qua nó. Lời khuyên đầu tiên là bạn hãy thật bình tâm trở lại.

2. Xác định rõ vấn đề hiện tại là gì

Các bạn thường mất gốc một số môn cơ bản và quan trọng như: Toán, Văn hay tiếng Anh... Đây đều là những môn học tiên quyết để các bạn vượt qua kì thi tốt nghiệp và có cơ hội bước chân vào cánh cửa đại học. Vì vậy khi bạn bị "mất gốc" môn học nào đó hãy xác định xem tình trạng và mức độ đến đâu. Một số câu hỏi bạn nên tự đặt ra cho bản thân:

Bạn bị mất kiến thức cơ bản từ lúc nào? 

 Bạn bị hổng lượng kiến thức nào? 

 Lượng kiến thức hiện tại bạn tích được cho môn học là bao nhiêu trên thang điểm 10?

Việc xác định rõ tình trạng mất gốc rất quan trọng, bởi từ đó bạn có thể tìm ra được giải pháp cho bản thân cũng như xác định được bạn cần học những gì, bù đắp bao nhiêu lượng kiến thức.

3. Có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng

Để chữa cháy tình trạng mất gốc trước kì thi thì cần có thời khóa biểu cụ thể và rõ ràng dành cho môn học đó. Đồng thời xác định được tầm quan trọng cũng như mục tiêu điểm mà bạn muốn đạt được.

Có mục tiêu rõ ràng:

Xác định mình phải học lại từ đâu? Trong bài thi thì môn học yêu cầu phần kiến thức nào? Học như thế nào, tự học hay nhờ thầy cô giúp đỡ? Môn này mình cần đạt bao nhiêu điểm?

Có kế hoạch rõ ràng:

Mình có bao nhiêu thời gian để gỡ tình trạng mất gốc này? Một tuần học môn này bao nhiêu buổi, mỗi buổi mấy tiếng? Mục tiêu của từng buổi, từng tuần là khối kiến thức nào? Dự tính các bài tự kiểm tra năng lực và phân bố thời gian làm đề thi thử của môn.

4. Nhờ tới sự giúp đỡ của thầy cô hoặc bạn bè

Một khi bạn hổng một lượng kiến thức khá lớn thì việc tự học là rất khó khăn. Vì vậy hãy nhờ tới sự giúp đỡ của thầy cô. Hãy nhờ thầy cô giúp xác định bạn thiếu những kiến thức gì. Bạn cần học lại từ đâu và học những gì.

Thầy cô chính là những người biết rõ nhất về tình trạng học của bạn cũng như yêu cầu cơ bản của môn học. Họ cũng là người hiểu rõ nhất một học sinh "mất gốc" thì cần phải làm gì.

Và thỉnh thoảng bạn cũng có thể nhờ thầy cô kiểm tra và định hướng xem liệu tình trạng của bạn đã được cải thiện. Mình nghĩ thầy cô luôn sẵn sàng giúp đỡ.

5. Không ôm đồm kiến thức

Việc bạn "mất gốc" môn học khiến bạn cảm thấy số kiến thức mà mình cần học lại dường như là bất tận.

Tuy nhiên đối với môn học nào trong chương trình trung học phổ thông thì lượng kiến thức cần cho kỳ thi tốt nghiệp không quá khó và nhiều như bạn tưởng. Nó có tính quy luật và kiến thức cơ bản chiếm tới 70% số điểm trong bài thi.

 Vì vậy, hãy học tập trung và học từ những kiến thức cơ bản nhất, dễ nhất. Bạn cũng không nên học lan man, ôm đồm tất cả kiến thức mà hãy tập trung vào những kiến thức thường có trong bài thi.

6. Có phương pháp học hiệu quả

Muốn đạt được kết quả như mong muốn khi bị "mất gốc" thì ngoài chăm chỉ, bạn cần có phương pháp học phù hợp mới có thể đạt thành quả như mong đợi. Phương pháp học của mỗi người, mỗi môn học là khác nhau.

Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo phương pháp học của anh chị, bạn bè, từ đó tìm ra cách học phù hợp nhất với bản thân mình.

Vì để vượt qua kì thi tốt nghiệp, đại học bạn không chỉ phải học một hai môn mà tận 4 - 5 môn hoặc nhiều hơn. Vì vậy không thể chỉ dành thời gian cho một môn nào đó, nên với những môn bị hổng nhiều kiến thức bạn đặc biệt cần có phương pháp học riêng thật hiệu quả và phù hợp.

7. Nắm bắt được một số mẹo làm bài thi hữu ích

Việc nắm được một số đặc điểm của môn cũng như bài thi là cứu cánh hữu dụng cho bạn vớt vát điểm. Bên cạnh đó môn thi nào cũng thường có các mẹo giúp bạn làm bài tốt hơn.

Bạn có thể học tập các mẹo làm bài từ thầy cô, anh chị đi trước hay bạn bè... Bạn nên xác định rõ phần cơ bản và dễ nhất trong đề thi, cố gắng phải giành được số điểm tối đa của phần đó.

Ví dụ như bạn bị mất kiến thức cơ bản môn toán nhưng bạn vẽ hình chuẩn xác hay tìm được điều kiện của một bài toán là bạn có thể có thêm 0.25 điểm cho bài thi của mình. Hay bạn kém văn nhưng với cách trình bày sạch sẽ, triển khai ý rõ ràng, đủ ba phần cơ bản thì bạn cũng đã có được một phần điểm không nhỏ.

8. Không đặt mục tiêu xa thực tế

Một khi đã mất gốc môn nào đó thì để bù đắp kiến thức, bạn thường phải học rất nhiều, rất chăm chỉ. Tuy nhiên đừng vì vậy mà đặt kỳ vọng quá cao, điều đó gây áp lực tiêu cực cho bản thân. Hãy đặt mục tiêu phù hợp cho bản thân.

9. Không học tủ

Đây có lẽ là điều sai lầm nhất khi bạn học kém một môn nào đó. Hãy dành thời gian để ôn luyện tất cả các kiến thức đã học và tập trung kỹ hơn vào phần cơ bản. Đừng để nước đến chân mới nhảy nhé.

10. Tham gia học trực tuyến

Lời khuyên cho học sinh “mất gốc” tự tin vượt vũ môn - Ảnh 2.

Bạn "mất gốc" một môn nào đó, nhưng muốn tự học và không có thời gian cũng như điều kiện đi học thêm thì học trực tuyến cũng là một giải pháp không tồi. Trên các trang học trực tuyến thường có đầy đủ các bài giảng từ lúc bắt đầu môn học với những kiến thức cơ bản nhất tới những mẹo, những hướng dẫn hữu ích dành cho môn học.

Sở hữu ngân hàng học liệu khổng lồ, lên đến 250.000 câu hỏi và 10.000 video bài giảng thuộc các môn Toán, Vật Lý, Hóa, Sinh, Anh, Sử, Địa và Giáo dục Công dân dành cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, Onluyen.vn giúp học sinh củng cố kiến thức, xây dựng một lộ trình học tập mang tính cá nhân hóa.

Sau khi luyện tập theo đơn vị kiến thức, học sinh có thể kiểm tra tổng thể năng lực bản thân và điều chỉnh kế hoạch học bằng các bài kiểm tra với cấu trúc và thời gian như đang thi thật trong phòng thi như: tính toán thời gian làm bài, ghi nhận câu trả lời, xem lại đáp án và kết quả của bài thi.

Đồng thời, trong quá trình làm bài, người học có thể linh hoạt hoàn thành những câu hỏi dễ trước, câu khó sau. Sau khi học sinh kết thúc bài kiểm tra, hệ thống onluyen.vn sẽ cung cấp cho học sinh các đáp án và mức độ năng lực học tập của mình.

Với chức năng cá nhân hóa với mọi hành vi học tập của học sinh, hệ thống nhận biết được học sinh gặp vấn đề lỗ hổng kiến thức ở đâu, và gửi nội dung thông phản hồi thích hợp và cụ thể ở đấy, giúp người học điều chỉnh kịp thời.

Với khả năng giải quyết đắc lực và hiệu quả nhu cầu học, ôn thi của học sinh, ứng dụng Ôn Luyện đã được trao Danh hiệu Sao Khuê 2019 cho sản phẩm tiêu biểu của ngành phần mềm, dịch vụ CNTT của Việt Nam.
Và những nhà sáng lập ứng dụng nền tảng học tập Onluyen.vn tin rằng, tất cả các em học sinh đều xứng đáng được học tập trong một môi trường chất lượng, có tính cá nhân hoá cao.