Đột phá, nhưng không thể quá mở rộng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc tổ chức Hội thảo góp ý kiến vào dự thảo các nghị định là dịp để các tỉnh, thành phố cùng trao đổi, thảo luận, tham gia góp ý những nội dung trực tiếp của dự thảo. Đây cũng cũng là dịp để các địa phương trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ công tác ngành Nội vụ.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, những ý kiến đóng góp vào 03 dự thảo của ngành Nội vụ dù có mang tính đột phá nhưng cũng đều phải dựa vào nguyên tắc chung, đó là phải có cơ sở chính trị, các nghị quyết của Đảng và không thể mở rộng quá được.
Các ý kiến đóng góp cũng phải căn cứ trên cơ sở pháp lý đó là các luật có liên quan; đồng thời, từ thực tiễn đặt ra, ngành Nội vụ cũng phải quan tâm, đề xuất ý kiến để cụ thể hóa dự thảo nghị định.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành khu vực Miền Trung và Tây Nguyên tập trung bàn thảo với tinh thần hết sức dân chủ, thẳng thắn và bằng tiếng nói từ thực tiễn để cùng tham gia góp ý một cách đầy đủ vào các dự thảo của nghị định.
Theo báo cáo tại Hội thảo, cả 03 dự thảo nghị định đưa ra lấy ý kiến đều rất quan trọng trong bối cảnh phát triển của đất nước. Do vậy, việc đóng góp ý kiến trực tiếp, có trách nhiệm và tâm huyết của ngành Nội vụ các tỉnh, thành có tính quyết định đến công tác quản lý, điều hành, nhất là vấn đề liên quan đến công tác cán bộ trong tình hình mới; qua đó để hoàn chỉnh và trình Chính phủ sớm ban hành các nghị quyết.
Tinh giản biên chế: Phải có chính sách rõ ràng và đủ mạnh
Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng cả 03 dự thảo nghị định đều rất khó và mới, nhất là dự thảo nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Ngoài ý kiến đóng góp của ngành Nội vụ, cần có sự bàn thảo chung của toàn Đảng, toàn dân, chứ không riêng của ngành. Có như vậy nghị định được ban hành sẽ là hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ. Nghị định này không những có ý nghĩa chính trị, mà còn có ý nghĩa xã hội cao.
Các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến về nguyên tắc, điều kiện áp dụng, trình tự thực hiện khuyến khích và bảo vệ cán bộ; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị để có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong giai đoạn mới.
Đối với dự thảo nghị định quy định về chính sách tinh giản biên chế, các đại biểu đều cho rằng, nếu từ nay đến năm 2026 nếu phải giảm 5% biên chế công chức và 10% viên chức thì phải có cơ chế chính sách đủ mạnh, rõ ràng để quản lý, hỗ trợ cán bộ, nhất là cán bộ dôi dư, thuộc diện tinh gọn để sắp xếp lại tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực hiệu quả.
Thẩm quyền tuyển dụng công chức cấp xã: Cần linh hoạt
Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng Vũ Ngọc Đồng thống nhất với các nội dung trong dự thảo. Về nội dung tinh giản biên chế, ông Võ Ngọc Đồng đề nghị cần làm rõ, xác định tuổi nghỉ hưu tính theo từng năm hay theo Nghị định số 135/2000/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, đối tượng cán bộ hoạt động không chuyên trách là vấn đề mới. Do đó tại khoản 4, điều 4 của nghị định cần bổ sung cả thôn, khu phố.
Về nội dung tại điều 10, Đà Nẵng thống nhất với phương án 1; thành phố cũng xác định phương án, lộ trình cụ thể để sớm trình Trung ương về vấn đề này.
Đối với công chức cấp xã, Đà Nẵng cũng mong muốn Bộ Nội vụ tính toán lâu dài để có sự liên thông trong công việc, trong quản lý. Đối với vấn đề công chức kiêm nhiệm, tùy theo công việc để bố trí kiêm nhiệm phù hợp.
Về thẩm quyền tuyển dụng công chức cấp xã, Bộ Nội vụ cần linh hoạt, xem xét và hướng dẫn các địa phương thực hiện, tránh bị động, nhất là trong vấn đề thi tuyển, giúp tiết kiệm ngân sách, phù hợp với thực tiễn công việc ở mỗi địa phương, đơn vị.
Đối với dự thảo nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, đây là vấn đề khá mới. Nội dung này cần đòi hỏi luật pháp phải hoàn chỉnh, tránh bất cập, cồng kềnh, tránh quy định hóa. Tuy nhiên, việc này cũng phải dựa trên căn cứ, quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định Lê Minh Tuấn cũng thống nhất với 03 dự thảo nghị định. Tuy nhiên, ông Lê Minh Tuấn cũng đề nghị Bộ Nội vụ cũng cần làm rõ, sửa lại chính xác từ ngữ trong dự thảo. Ví dụ như trong dự thảo có nêu là “nâng lương” nhưng từ ngữ đúng của nó là “nâng bậc lương”.
Về dự thảo nghị định liên quan đến cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Bộ Nội vụ nên để các tỉnh giao cho chính quyền cấp huyện thực hiện việc tuyển dụng cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời, xem xét để bố trí người làm phù hợp, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ kiêm nhiệm ở thôn, tổ dân phố.
Đối với cán bộ thực hiện nhiệm vụ văn phòng không nên thực hiện việc kiêm nhiệm, bởi cán bộ thực hiện công việc này khá quan trọng, nhiều việc và cần phải có cán bộ có năng lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Bố trí cán bộ cấp xã phụ hợp với số lượng và nhiệm vụ được giao
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa Võ Chí Vương cũng bày tỏ sự thống nhất với ý kiến của lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh.
Tuy nhiên, ông Võ Chí Vương cho rằng, đối với dự thảo nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung cần xem xét có hệ thống pháp luật đồng bộ, mang tính cấp bách.
Về dự thảo Nghị định hoạt động công chức cấp xã, tại khoản 1, điều 6, cần xem xét diện tích, dân số ở địa phương đó để bố trí cán bộ làm việc phù hợp với cả số lượng và nhiệm vụ được giao.
Bộ Nội vụ nên giao cho UBND các tỉnh, thành bố trí cán bộ, số người làm việc nếu một số địa phương có sáp nhập.
Ngoài ra, việc quyết định cho thôi việc, phụ cấp, đóng bảo hiểm xã hội đối với người không chuyên trách… Bộ Nội vụ cũng cần xem xét và có sự điều chỉnh, bởi đây là trường hợp hưởng theo phụ cấp, cần miễn đóng công đoàn phí.
Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, những kiến nghị tâm huyết, sâu sát với thực tiễn cơ sở của các đại biểu.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, nội dung dự thảo 03 nghị định tại Hội thảo hôm nay có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, rất khó, đối tượng tác động rất rộng.
Do đó, Bộ Nội vụ đang tiếp thu kiến nghị của các địa phương, cử tri, quyết tâm xây dựng các nghị định đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, bảo đảm nguyên tắc trên cơ sở chính trị, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), các luật có liên quan và thực tiễn đặt ra.
Từ đó, làm cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tinh giản biên chế, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách; là hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Nhiều ý kiến đã làm sáng tỏ những hạn chế đặt ra trong thực tiễn có liên quan nội dung dự thảo. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ Nội vụ tiếp thu, tổng hợp và sẽ báo cáo với Chính phủ trong thời gian sớm nhất./.