CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Công điện khẩn chỉ đạo ứng phó mưa lũ tại Tây Nguyên

15:43 - 31/07/2023

(Chinhphu.vn) - Đề nghị tỉnh Lâm Đồng triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, các khu dân cư ven sông, suối nhỏ, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân.

Khẩn trương tìm kiếm cứu nạn 3 cán bộ, chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng xuống hiện trường, chỉ đạo công tác cứu hộ

 Sau nhiều nỗ lực cố gắng, đến 12h trưa nay, 31/7/2023, lực lượng chức năng đã tìm thấy nạn nhân thứ 04 trong vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng xảy ra vào chiều 30/7.

Theo thông tin từ Công an tỉnh Lâm Đồng, sau nhiều giờ huy động tối đa lực lượng, phương tiện tìm kiếm, đến 12h trưa nay, 31/7, lực lượng chức năng đã tìm thấy và đưa thi thể nạn nhân thứ 04 là anh Phạm Ngọc Anh (nguyên Chiến sĩ nghĩa vụ Công an đã xuất ngũ vào tháng 6/2023) ra khỏi khu vực hiện trường. Công tác giải tỏa điểm sạt lở vẫn đang được các lực lượng và phương tiện tích cực triển khai.

Hiện thi thể của nạn nhân đang được cơ quan chức năng làm các thủ tục bàn giao cho gia đình lo hậu sự.

Công điện khẩn của Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ứng phó mưa lũ tại khu vực Tây Nguyên

Bộ Giao thông vận tải vừa ra công điện khẩn yêu cầu các đơn vị tập trung ứng phó mưa lũ khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên. 

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị đường bộ, đường sắt và các Sở Giao thông vận tải khu vực Tây Nguyên, Trung Bộ (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) khẩn trương, tập trung ứng phó mưa lũ trên địa bàn.

Cụ thể, Cục Đường bộ Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với các Sở Giao thông vận tải, các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở; kiểm soát giao thông, chủ động điều tiết giao thông;

Cấm đường tại các vị trí nguy hiểm (ngầm tràn, cầu, phà…) trên các tuyến quốc lộ trong vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ; kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt khu vực đèo Bảo Lộc - Quốc lộ 20.

Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, bố trí máy móc, thiết bị, vật tư và nhân lực ở những vị trí trọng yếu thường xuyên bị sụt trượt để chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất.

Việc triển khai khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông phải bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình; cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công tại khu vực dễ bị sụt trượt, các công trình ở miền núi hay có lũ đột xuất.

Đối với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị này chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước... sẵn sàng, chủ động ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện.

Cùng với đó, có kế hoạch dừng chạy tàu tại các khu gian trong vùng mưa lũ để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ khu vực, các lực lượng chức năng của địa phương trong việc khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra.

“Tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt và hỗ trợ bảo đảm an toàn cho người dân đang di chuyển đi qua địa bàn quản lý, hướng dẫn di chuyển đến các vị trí tránh, trú an toàn khi có mưa to gió lớn; có phương án bố trí phương tiện, thiết bị để kịp thời hỗ trợ người dân đi qua các khu vực bị ngập lụt”, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.

Triển khai lực lượng xung khích kiểm tra, rà soát những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở

Ngày 30/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 286/VPTT gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng về việc ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lớn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, từ ngày 27 đến 13 giờ ngày 30/7, trên khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến trên 120 mm, một số trạm có lượng mưa lớn như đèo Bảo Lộc 371 mm, thủy điện  Đa M'bri 345 mm, Lộc Tân 337 mm, Đa Huoai 298 mm. 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mưa to sẽ tiếp tục đến ngày 1/8, có nơi trên 170 mm. Mưa lớn gây ngập lụt một số khu vực, sạt lở một số tuyến đường, trong đó sạt lở nghiêm trọng Quốc lộ 20 trên đèo Bảo Lộc, thiệt hại về người và tiếp tục có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.

Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng tập trung lực lượng, phương tiện để tìm kiếm người bị nạn, phân luồng giao thông và khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trên các trục giao thông chính; theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời tới các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Tỉnh Lâm Đồng triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất (đặc biệt các vùng sườn đồi dốc, bờ kè ta luy dương, đường đèo), các khu dân cư ven sông, suối nhỏ, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra, lắp đặt biển cảnh báo các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở.

Đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về tình hình, diễn biến thiên tai, công tác chỉ đạo ứng phó về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Khẩn trương tìm kiếm cứu nạn 3 cán bộ, chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp - Ảnh 2.

Bộ Công an chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất tại Lâm Đồng

Chiều 30/7, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ Công an - ƯPT) đã có Công điện gửi Ban Chỉ huy ƯPT Công an tỉnh Lâm Đồng; Ban Chỉ huy ƯPT các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục Cảnh sát giao thông; Công an tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận…

Công điện nêu rõ: Trong các ngày 29 đến 30/7/2023, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có mưa vừa nhiều nơi, rải rác có mưa to, có nơi mưa rất to; tổng lượng mưa tính từ 20h ngày 29/7 đến 15h ngày 30/7 đạt 40-70mm; đặc biệt, tại đèo Bảo Lộc, lượng mưa vượt trên 190mm đã khiến nhiều điểm bị sạt lở, đất đá, cây cối ngã đổ tràn ra đường gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng cả 02 chiều, nhiều phương tiện hư hỏng.

Khoảng 14h30 ngày 30/7/2023, khi các cán bộ, chiến sĩ thuộc Trạm Cảnh sát giao thông Mađaguôi – Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát được giao nhiệm vụ trở về chốt Cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc thì bất ngờ một lượng lớn đất đá đổ xuống vùi lấp 03 cán bộ chiến sĩ Công an và 01 người dân.

Để khẩn trương tìm kiếm cứu nạn 03 cán bộ, chiến sĩ Công an và 01 người dân bị mất tích, khắc phục hậu quả vụ sạt lở nêu trên và bảo đảm an toàn cho người dân, Văn phòng Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 04/CĐ-BCA-V01 ngày 10/7/2023 của Bộ Công an về việc chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân trong mùa mưa, lũ và khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Khẩn trương tìm kiếm cứu nạn 3 cán bộ, chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp - Ảnh 3.

Thứ nhất, Công an tỉnh Lâm Đồng chủ trì, quyết liệt, khẩn trương chạy đua với thời gian để tìm kiếm cứu nạn, huy động lực lượng, phương tiện của lực lượng Công an nhân dân phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân đang bị vùi lấp trong đất đá và khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất nêu trên;

Tổ chức cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình cán bộ chiến sĩ Công an bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị ảnh hưởng;

Bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng tại cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường, hầm mỏ để chủ động sơ tán, di dời;

Có phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, đảm bảo an ninh, trật tự, bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm tràn, khu vực nước ngập sâu, nước chảy xiết, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lũ;

Bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Khẩn trương tìm kiếm cứu nạn 3 cán bộ, chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp - Ảnh 3.

Chủ động các kế hoạch ứng phó lũ quét, sạt lở đất

Thứ hai, Công an các địa phương lân cận như Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai và Bình Thuận chủ động các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai đặc biệt khi có mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất.

Thứ ba, các đơn vị chức năng của Bộ sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để kịp thời chi viện khi có yêu cầu.

Thứ tư, tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn Nhân dân các biện pháp ứng phó mưa lũ; kịp thời thông tin về tình hình và hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai.

Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai.

Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Văn phòng Bộ (SĐT: 069.2341042, 0913.555.323).

Sạt lở đất vùi lấp 3 cán bộ, chiến sĩ Công an và 1 người dân

LÂM ĐỒNG: Khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm 3 cán bộ, chiến sĩ Công an và 1 người dân bị vùi lấp - Ảnh 1.

Một chiến sĩ Cảnh sát giao thông may mắn thoát khỏi vụ sạt lở đất.

Tối 30/7, Công an tỉnh Lâm Đồng đã thông tin chính thức vụ sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc, lùi lấp 3 chiến sĩ CSGT là: Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (SN 1981), Thượng úy Lê Quang Thành (SN 1977), Thượng úy Lê Ánh Sáng (SN 1990) và 1 người dân tên Ngọc Anh khi các anh đang nỗ lực di chuyển phương tiện, thiết bị ra khỏi khu vực nguy hiểm.

LÂM ĐỒNG: Khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm 3 cán bộ, chiến sĩ Công an và 1 người dân bị vùi lấp - Ảnh 2.

Thông báo cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra tình trạng mưa lớn, kéo dài. 

Đặc biệt, trên đèo Bảo Lộc, trong ngày 30/7, mưa lớn kéo dài từ sáng sớm khiến nhiều điểm bị sạt lở, đất đá, cây cối ngã đổ tràn ra đường gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng cả 2 chiều, nhiều phương tiện bị hư hỏng...

LÂM ĐỒNG: Khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm 3 cán bộ, chiến sĩ Công an và 1 người dân bị vùi lấp - Ảnh 3.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng tới hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm.

Trước tình hình trên, Đại tá Trương Minh Đương, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo ứng trực 100% lực lượng, phương tiện của Công an các địa phương, đơn vị liên quan phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ, phân tuyến, phân luồng và cảnh báo, hỗ trợ người dân…

LÂM ĐỒNG: Khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm 3 cán bộ, chiến sĩ Công an và 1 người dân bị vùi lấp - Ảnh 4.

Hiện trường vụ sạt lở đất khiến 4 chiến sĩ CSGT bị vùi lấp. Ảnh: Khánh Phúc.

Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã giao các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an TP Bảo Lộc, Công an huyện Đạ Huoai tiến hành các biện pháp điều tiết, hướng dẫn, cảnh báo phương tiện, người dân không đi vào các khu vực sạt, lở, nguy hiểm, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng tại các địa phương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện dọn dẹp đất đá, cây cối ngã đổ để sớm thông tuyến đường.

LÂM ĐỒNG: Khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm 3 cán bộ, chiến sĩ Công an và 1 người dân bị vùi lấp - Ảnh 5.

Vào khoảng 14h30 ngày 30/7, nhận được thông tin khu vực chốt đèo Bảo Lộc (tại Km 103+300, Quốc lộ 20, khu vực nằm giữa đèo Bảo Lộc) xảy ra sạt lở, số cán bộ, chiến sĩ thuộc Trạm Cảnh sát giao thông Mađaguôi, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đã trở về chốt Cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc để cùng người dân di dời phương tiện, trang thiết bị ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở.

LÂM ĐỒNG: Khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm 3 cán bộ, chiến sĩ Công an và 1 người dân bị vùi lấp - Ảnh 5.

Hiện công tác tìm kiếm các nạn nhân vẫn đang được triển khai.

Đúng thời điểm này, một lượng lớn đất đá từ trên cao đổ ập xuống, vùi lấp 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông và 1 người dân đang nỗ lực di chuyển thiết bị, phương tiện tại chốt Cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc. 

Các chiến sĩ hy sinh gồm Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường, Đại úy Lê Ánh Sáng và Thượng úy Lê Quang Thành.

Ngay khi nhận được thông tin, ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh, Đại tá Trương Minh Đương, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo huy động tối đa lực lượng, phương tiện tiếp cận hiện trường, khẩn trương triển khai các biện pháp để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân đang bị vùi lấp trong đống đất đá.

Hiện công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang được khẩn trương thực hiện.