Đây là nội dung trong Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội. Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội ký.
Chỉ thị có nhiều nội dung mới thể hiện quyết tâm chính trị của Thành ủy Hà Nội nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nhận định, thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ thành phố tiếp tục phát huy truyền thống gương mẫu, đoàn kết, thống nhất, hợp tác, trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chủ động, sáng tạo, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đạt được kết quả khá toàn diện.
Một số việc lớn có tính chiến lược, việc khó, tồn tại từ nhiều năm của thành phố đã được lựa chọn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, bước đầu đạt kết quả, tạo chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, gần đây trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của không ít tập thể cấp ủy, địa phương, đơn vị; trong tham mưu, xử lý công việc của nhiều cá nhân cán bộ, công chức, viên chức đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần được thẳng thắn nhìn nhận, phân tích, đánh giá nguyên nhân để có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính trong thực thi công vụ
Để khắc phục những hạn chế tồn tại, với quyết tâm tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ.
Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị thành phố về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong việc chấp hành cương, kỷ luật công vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; tuyệt đối không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Không ngừng nâng cao tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm, hiệu quả đối với công việc được giao; khơi dậy tình yêu Hà Nội, ý chí, khát vọng, tâm huyết xây dựng, phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" bằng những việc làm cụ thể, hiệu quả, thiết thực.
Xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính trong thực thi công vụ, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thường xuyên "tự soi, tự sửa", liên hệ bản thân với nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" để kịp thời có giải pháp khắc phục.
Thực hiện nghiêm các nghị quyết của Trung ương về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan, coi đây là một trong những công việc trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Các việc cấp bách phải được giải quyết ngay; các vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm được bàn thảo kỹ lưỡng, thấu đáo trước khi quyết định
Chỉ thị cũng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; thực hiện tốt phương châm các việc cấp bách phải được giải quyết ngay; các vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm được tập thể bàn bạc kỹ lưỡng, thấu đáo, thông suốt trước khi quyết định.
Các công việc khác phải được giải quyết bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng; lựa chọn đúng, trúng những vấn đề cần tập trung chỉ đạo, nhất là việc khó, những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra...
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tiếp tục thực hiện phân cấp, ủy quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Kiểm tra, giám sát tổ chức đảng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp để kịp thời chấn chỉnh những khuyết điểm, lệch lạc và xử lý kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả những phức tạp phát sinh từ thực tiễn ngay từ cơ sở.
Rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các cấp các ngành; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ
Cá nhân các đồng chí cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, đi đầu về tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, nói đi đôi với làm, chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đối diện và vượt qua khó khăn, thử thách vì công việc chung.
Đồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cấp, ngành, đơn vị bảo đảm đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, một việc giao một đơn vị chủ trì, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ; rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc...
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, về chấp hành quy định giờ giấc làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực và vi phạm khác.
Ngoài 6 nhiệm vụ, Chỉ thị còn có phụ lục gợi ý về nhận diện một số biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố, bao gồm 12 biểu hiện về vi phạm kỷ cương, kỷ luật; 9 biểu hiện về né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; 4 biểu hiện về việc thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người dám đấu tranh, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo./.