CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Gồng mình cứu rừng trong nắng lửa

06:30 - 01/05/2024

(Chinhphu.vn) - Liên tiếp xảy ra cháy rừng tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, An Giang, Kiên Giang, Hà Giang,... do nắng nóng gay gắt.

Gồng mình cứu rừng trong nắng lửa- Ảnh 1.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo công tác chữa cháy rừng tại xã Nam Thái, huyện Nam Đàn.

Nghệ An: Huy động hàng trăm người tham gia chữa cháy rừng tại huyện Thanh Chương, Nam Đàn

Ngày 30/4, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết, đến 21 giờ ngày 30/4, hàng chục hecta rừng hỗn hợp trên địa bàn vẫn chìm trong biển lửa. 

UBND huyện Nam Đàn, huyện Thanh Chương vẫn đang huy động hàng trăm người gồm: Quân sự, Công an, Kiểm lâm, công chức xã, Đội cơ động số 1 dùng mọi biện pháp để dập lửa. Các đơn vị thuộc Quân khu 4 đóng quân trên địa bàn cũng huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng tham gia chữa cháy.

Đám cháy được phát hiện khoảng 6 giờ 30 phút ngày 30/4 tại khu vực Khe Ớt, chân núi Đụn, xóm Tân Phong, xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương. 

Do rừng thông và keo có nhiều thảm thực vật, lá thông khô và thời tiết nắng nóng, gió Tây Nam thổi mạnh nên đám cháy nhanh chóng lan rộng sang khu vực rừng hỗn hợp thuộc địa bàn thị trấn Nam Đàn và xã Nam Thái (huyện Nam Đàn, Nghệ An). 

Gồng mình cứu rừng trong nắng lửa- Ảnh 2.

Dù chưa thống kê được thiệt hại nhưng ước tính, hàng chục ha rừng đã bị thiêu rụi và hàng chục ha rừng khác vẫn đang chìm trong biển lửa.

Hiện trên địa bàn, tạm thời không có gió Tây Nam, tuy nhiên do rừng có nhiều thảm thực vật, thời tiết nắng nóng nên đám cháy vẫn diễn biến phức tạp. 

Để đảm bảo an toàn, các lực lượng tham gia chữa cháy đang tập trung phát đường băng cản lửa và không để đám cháy lan rộng. Chính quyền địa phương cũng đến từng nhà ở dưới chân núi để vận động người dân sẵn sàng sơ tán khi lửa cháy lan.

Theo Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Nghệ An, hiện trên địa bàn có 15.000 ha rừng trồng thông nhựa, khoảng 720 ha rừng hỗn giao bạch đàn (là loài cây có tinh dầu, dễ cháy, khả năng bắt lửa rất nhanh) tập trung tại các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai đang có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. 

Ngoài ra, còn có hơn 42.000 ha rừng tre nứa và hơn 174.000 ha rừng hỗn giao gỗ - tre nứa tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp do giáp ranh với diện tích sản xuất nương rẫy, phát xử lý thực bì trồng rừng, đốt đồng cỏ chăn nuôi của bà con các đồng bào các dân tộc thiểu số.

Gồng mình cứu rừng trong nắng lửa- Ảnh 3.

Nghệ An: Lãnh đạo tỉnh trực tiếp đến hiện trường, chỉ đạo chữa cháy rừng

Ngay trong đêm 30/4, đoàn công tác lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An do đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có mặt trực tiếp tại khu vực cháy rừng tại xã Nam Thái, huyện Nam Đàn để động viên các lực lượng chữa cháy, đồng thời chỉ đạo các lực lượng tiếp tục các phương án chữa cháy rừng.

Tại hiện trường, Đoàn công tác đã ghi nhận, biểu dương các lực lượng, chính quyền huyện Nam Đàn, Thanh Chương và người dân đã không quản ngại khó khăn, căng mình dưới thời tiết khắc nghiệt để cứu rừng, giảm thiểu tối đa thiệt hại của vụ cháy.

Mặc dù đám cháy chưa được khống chế, ngọn lửa vẫn đang lan rộng, đây là thời điểm thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng nhiệt độ tăng cao, thực bì dày, lại cách khu dân cư không xa, vì vậy đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND yêu cầu chính quyền huyện Nam Đàn, Thanh Chương và lực lượng làm nhiệm vụ không được chủ quan lơ là, cần tiếp tục tập trung huy động lực lượng và các phương tiện dập tắt triệt để đám cháy, không để bùng phát trở lại và lan rộng.

Trong quá trình chữa cháy, cần khoanh vùng khu vực cháy nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia chữa cháy và nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các lực lượng, chính quyền địa phương tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp chữa cháy, nhất là việc liên tục làm các đường băng cản lửa để khoanh vùng đám cháy, hạn chế lây lan tối đa.

Bên cạnh đó, phát huy tinh thần quyết tâm, đoàn kết cao của các cán bộ, chiến sỹ Quân khu 4, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, các lực lượng Kiểm lâm, Quân đội, Công An, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và người dân địa phương để dập tắt đám cháy hoàn toàn.

Trước diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, cháy rừng rất cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 13/CĐ-CT.UBND ngày 19/4/2024 của UBND tỉnh về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 27/3/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2024.

Gồng mình cứu rừng trong nắng lửa- Ảnh 5.

Đến 22 giờ 30 phút ngày 30/4, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phối hợp cùng lực lượng chức năng và người dân hai huyện Thanh Chương và Nam Đàn đang khẩn trương dùng mọi biện pháp, phương tiện để dập lửa, khi hàng chục hecta rừng hỗn hợp đang chìm trong biển lửa.

Ông Vương Hồng Thái – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Hiện đám cháy vẫn đang bùng phát mạnh. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và người dân, lực lượng chức năng đang căng mình nỗ lực phát đường băng cản lửa và tập trung khống chế không để đám cháy lan rộng, ảnh hưởng tới khu vực dân cư gần đó.

Ngay trong chiều 30/4, Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4) đã huy động 60 cán bộ, chiến sĩ đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền, công an, nhân dân và các lực lượng chức năng khẩn trương khống chế đám cháy rừng xảy ra trên địa bàn thị trấn Nam Đàn và xã Nam Thái (huyện Nam Đàn).

Gồng mình cứu rừng trong nắng lửa- Ảnh 6.

Liên tiếp xảy ra cháy rừng tại huyện Tuyên Hóa và huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình dưới thời tiết nắng nóng gay gắt.

Quảng Bình: Liên tiếp xảy ra cháy rừng dưới thời tiết nắng nóng gay gắt

Trong hai ngày 29 và 30/4, tại tỉnh Quảng Bình đã liên tiếp xảy ra cháy rừng tại huyện Tuyên Hóa và huyện Quảng Ninh dưới thời tiết nắng nóng gay gắt. Chính quyền các địa phương đã huy động tối đa lực lượng để dập lửa, không để các đám cháy lan rộng.

Cụ thể, khoảng 10 giờ ngày 30/4, tại thôn Xuân Phú (Sơn Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) đã xảy ra cháy rừng. Sau khi nhận thông tin, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuyên Hóa đã huy động cán bộ, nhân viên phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Công an và cán bộ nhân dân xã Sơn Hóa tập trung chữa cháy.

Địa điểm xảy ra cháy là khu vực rừng trồng thông lấy nhựa, xen kẽ với bãi trống và lau lách thuộc tiểu khu 90, khoảnh 2 và khoảnh 3. Đến 16 giờ ngày 30/4, đám cháy đã được khống chế. Nguyên nhân vụ cháy và thiệt hại đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Trước đó, khoảng 11 giờ 30 ngày 29/4 tại thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cũng xảy ra cháy rừng. Hàng trăm người gồm: Công an, Quân sự, Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng cùng người dân địa phương cùng tham gia chữa cháy.

Điểm cháy xuất phát ở khu vực rừng do xã Hải Ninh quản lý, sau đó lan sang rừng trồng của dân và khu vực rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình chăm sóc, quản lý. Đến khoảng 22 giờ ngày 29/4, đám cháy mới cơ bản được khống chế.

Tuy nhiên, đến sáng 30/4, do chập điện, đám cháy rừng phòng hộ ven biển xã Hải Ninh tiếp tục bùng phát trở lại. UBND huyện Quảng Ninh đã huy động toàn bộ lãnh đạo 10 xã lân cận cùng hơn 300 người gồm: Quân đội, Công an, Kiểm lâm và người dân địa phương tham gia dập lửa. Đến 16 giờ 30 ngày 30/4, đám cháy mới được khống chế nhưng chưa thể dập tắt do các điểm âm ỉ lửa vẫn còn phát lộ nhiều nơi.

Theo thống kê, hai vụ cháy tại xã ven biển Hải Ninh trong hai ngày 29 và 30/4 đã gây thiệt hại hơn 20 ha rừng.

Ngày 30/4, tại tỉnh Quảng Bình tiếp tục nắng nóng gay gắt, nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ đến 45 độ C. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy rừng. Nắng nóng cũng khiến công tác dập lửa của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn do sức nóng tỏa ra từ các vụ cháy lớn; trong khi việc dập lửa chủ yếu bằng các công cụ thô sơ.

Trước diễn biến nắng nóng gay gắt vẫn diễn ra trong những ngày tới, tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương, người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác phòng chống cháy rừng. Khi xảy ra cháy rừng cần huy động tối đa lực lượng để dập lửa, không để đám cháy lan trên diện rộng.

Gồng mình cứu rừng trong nắng lửa- Ảnh 7.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo tại hiện trường vụ cháy rừng phòng hộ ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, ngày 28/4.

Cháy rừng tràm tại Giang Thành, Kiên Giang

Ngày 29/4, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã ký văn bản chỉ đạo sở ngành, thủ trưởng đơn vị tăng cường ứng trực phòng cháy chữa cháy trong dịp lễ 30/4 và 1/5.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác ứng trực, thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh tính chính xác trong báo cáo, đảm bảo yêu cầu về thẩm quyền, hình thức và nội dung; phản ánh được kết quả, kiến nghị vướng mắc phát sinh, đề xuất hướng giải quyết…

Trước đó, vào lúc 13 giờ, ngày 28/4 đã xảy ra vụ cháy rừng phòng hộ thuộc ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.

Hạt kiểm lâm địa phương đã phối hợp Công an tỉnh Kiên Giang, sư đoàn 330 Quân khu 9 và các đơn vị liên quan điều động nhiều xe chữa cháy, 35 máy bơm nước chuyên dùng, 2 vỏ máy, 1 ca nô, 2 flycam và các phương tiện bảo đảm thông tin liên lạc và 9 xe các loại.

Có hơn 500 cán bộ, chiến sĩ đến triển khai nhiều giải pháp để khống chế dập tắt lửa, hạn chế cháy lan rộng ra đối với khu vực rừng tràm trên.

Do thời tiết nắng nóng, gió nên rừng cháy lan rộng. Một số chỗ thuộc khu vực rừng trên khô thiếu nước nên công tác chữa cháy của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Rừng cháy có diện tích rộng khoảng hơn 900ha do Sư đoàn 330 (Quân khu 9) và Ban Quản lý rừng Kiên Giang quản lý, hiện đang thống kê diện tích rừng bị cháy.

Đến 15h chiều 29/4, lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đang tập trung chống chế đám cháy rừng.

Gồng mình cứu rừng trong nắng lửa- Ảnh 8.

Vụ cháy rừng phòng hộ thuộc ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành.

Chiều 28/4, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo trực tiếp công tác chữa cháy rừng phòng hộ thuộc ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND huyện Giang Thành khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách chữa cháy theo phương án “4 tại chỗ” và huy động huy động lực lượng chuyên nghiệp, phương tiện, máy móc thiết bị chữa cháy rừng đến tham gia chữa cháy rừng tại Giang Thành, quyết tâm không chế, dập tắt dứt điểm, không để bùng phát trở lại.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố có rừng tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm và sẵn sàng lực lượng tham gia chữa cháy rừng, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có cháy rừng xảy ra theo phương án “4 tại chỗ”.

Gồng mình cứu rừng trong nắng lửa- Ảnh 9.

Cháy rừng tại khu vực giáp ranh của 3 xã Lao Chải, Xín Chải, Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, Hà Giang

Hà Giang: Chữa cháy rừng 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh

Đám cháy rừng tại khu vực giáp ranh của 3 xã Lao Chải, Xín Chải, Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, Hà Giang thuộc khu rừng đặc dụng Phong Quang - Tây Côn Lĩnh được người dân và chính quyền địa phương phát hiện vào 2 giờ sáng ngày 26/4. 

Ngay trong đêm, lãnh đạo huyện Vị Xuyên, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang của huyện, tỉnh, lực lượng kiểm lâm, dân quân tự vệ và người dân đã được huy động lên rừng để triển khai các phương án chữa cháy kịp thời.

Trong ngày 26.4, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác chữa cháy rừng. 

Sau khi nắm bắt tình hình và nghe các phương án triển khai chữa cháy của lực lượng chức năng và huyện Vị Xuyên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chỉ đạo huyện Vị Xuyên chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục triển khai phương án chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”; phân tích kỹ hiện trường để triển khai tích cực phương án chữa cháy rừng đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Khu vực xảy ra cháy rừng có địa hình phức tạp, núi cao, thực bì dày, đang là cao điểm của mùa khô, gió lớn, trong khi nguồn nước hạn chế khiến việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và tinh thần, quyết tâm cứu rừng, hơn 1000 cán bộ, chiến sỹ, các lực lượng và người dân đã cắt đường băng cản lửa, triển khai các biện pháp chữa cháy kịp thời. Đến sáng 27/4, các đám cháy trên địa bàn 3 xã cơ bản được khống chế, ổn định.

Trong lúc chữa cháy rừng, có 2 đồng chí kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang - Tây Côn Lĩnh đã hy sinh, một số đồng chí bị ngạt khói phải đưa xuống cấp cứu tại bệnh viện. Thiệt hại ban đầu ước tính trên 10ha rừng.

Gồng mình cứu rừng trong nắng lửa- Ảnh 10.

Tối 26/4, Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn (tỉnh An Giang) cho biết, khoảng 10 giờ cùng ngày đã nhận được tin báo từ Ban Chỉ huy Quân sự xã Núi Tô xảy ra vụ cháy rừng tại khu vực Kẹt Càng Đước (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn).

Gồng mình cứu rừng trong nắng lửa- Ảnh 11.

Do tình hình khu vực đám cháy dốc cao, đá lớn, nhiều lò ảng, cháy lớn, khói nhiều, đá nổ, rơi từ trên cao xuống, gây nguy hiểm, nên khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, được sự thống nhất giữa kiểm lâm, ban quản lý rừng, công an, quân sự và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các lực lượng tham gia chữa cháy rút quân, để bảo đảm an toàn.

Gồng mình cứu rừng trong nắng lửa- Ảnh 12.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang và Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, cùng đoàn công tác của tỉnh đã đến kiểm tra thực tế vụ cháy rừng ở khu vực kẹt Càng Đước trên địa bàn xã Núi Tô (huyện Tri Tôn).

Theo báo cáo của huyện Tri Tôn, ngay khi nhận được thông tin về vụ cháy, hàng trăm người gồm nhiều lực lượng, như: Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng, quân sự, công an, cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân, cùng nhiều phương tiện, máy móc, thiết bị đã được huy động tham gia chữa cháy.

Gồng mình cứu rừng trong nắng lửa- Ảnh 13.

Khu vực cháy có địa hình phức tạp, đồi núi cao, dốc đứng, không có nhà dân, chủ yếu là cỏ, dây leo, rừng cây tạp, tre, tầm vông. 

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay các lực lượng đã cơ bản khống chế được đám cháy, nhưng hiện trường ở các khu vực hốc đá, lò ảng lửa vẫn còn cháy âm ỉ. 

Diện tích đám cháy khoảng trên 6ha, cháy lướt gốc cây tre, tầm vông, ít ảnh hưởng đến cây rừng. 

Các lực lượng chức năng tiếp tục bám sát địa bàn, theo sát tình hình, tiếp tục triển khai các biện pháp chữa cháy nhằm dập tắt hoàn toàn đám cháy, không để đám cháy bùng phát trở lại.

Gồng mình cứu rừng trong nắng lửa- Ảnh 14.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tập trung mọi nguồn lực khẩn trương dập tắt hoàn toàn đám cháy, không để bùng phát trở lại

Tại hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang biểu dương nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, quần chúng Nhân dân và các lực lượng chức năng đã nỗ lực chữa cháy và khống chế đám cháy. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy An Giang cũng lưu ý, các ngành chức năng tuyệt đối không chủ quan, cần tiếp tục tập trung huy động lực lượng và các phương tiện dập tắt triệt để đám cháy, không để bùng phát trở lại và lan rộng. 

Trong quá trình chữa cháy, cần khoanh khu vực cháy không cho người dân hiếu kỳ vào khu vực cháy, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia chữa cháy và Nhân dân.

Huyện Tri Tôn và các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, định hướng dư luận, để tránh gây hoang mang trong Nhân dân; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cản trở công tác chữa cháy và tạo tin đồn thất thiệt, không chính xác gây hoang mang dư luận.

Trước diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, cháy rừng rất cao, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang ủy yêu cầu, các cấp, các ngành, các địa phương phải nâng cao tinh thần cảnh giác và thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Công văn 1208-CV/TU, ngày 25/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị; an ninh, trật tự an toàn xã hội dịp lễ 30/4 và 1/5; thực hiện nghiêm Công văn 1118-CV/TU, ngày 27/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.