Phương pháp học tập phù hợp sẽ giúp sinh viên có phương hướng học tập đúng đắn
Kiến thức của các môn học từ cấp 1 đến đại học là vô cũng nhiều, trong khi đó, mỗi môn lại có những tính chất khác nhau. Mỗi người sẽ có một phương pháp học tập riêng và chỉ khi phương pháp đó phù hợp với cá nhân thì những kiến thức mới được tiếp thu một cách hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, cách học ở đại học hoàn toàn khác với các cấp học dưới. Những môn học sẽ có một khối lượng kiến thức khổng lồ cần được dung nạp trong một thời gian rất ngắn. Phương pháp học cũ có thể rất khó để phù hợp với môi trường học tập mới. Việc thử để tìm hiểu về phương pháp học tập phù hợp sẽ giúp sinh viên sẽ có phương hướng học tập đúng đắn hơn.
Khi có phương pháp học tập, thời gian để tiếp thu những kiến thức được rút ngắn, có thể tiết kiệm nhiều thời gian hơn cho các kế hoạch khác. Ngoài ra, các phương pháp hiệu quả còn giúp sinh viên có thể tối ưu hóa thời gian học, tránh lãng phí thời gian vào những cách học không hiệu quả hoặc không cần thiết.
Khi đã tìm được cách học hiệu quả, sẽ kích thích sự thích thú học tập, từ đó thúc đẩy tư duy tự học, tự quản lý và kiểm soát quá trình học một cách hiệu quả hơn.
Một số phương pháp học tập khoa học
Có một số phương pháp học tập được các nhà nghiên cứu chỉ ra và chứng minh được hiệu quả, là những phương pháp khoa học và được tìm ra dựa trên các cơ sở thông tin về bộ não của người, thói quen.
Sơ đồ tư duy
Việc xây dựng được một sơ đồ tư duy thể hiện mối liên hệ giữa các kiến thức, sẽ mang lại những lợi ích đáng quan tâm về các mặt: ghi nhớ, phát triển nhận thức, tư duy, óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo… So với việc ghi chép truyền thống, thì sử dụng sơ đồ tư duy sẽ giúp việc ghi nhớ trở hiệu quả và có tác dụng hơn nhiều lần.
Phương pháp này có thể dùng biểu đồ hoặc hình ảnh trực quan dùng để thể hiện các khái niệm, định nghĩa, công thức hoặc các mục thông tin được liên kết với nhau một cách logic và có cấu trúc dựa trên khái niệm tổng quát hoặc chủ đề cụ thể.
Bằng cách viết xuống các ý chính và phân nhánh các ý phụ, tạo thành một cấu trúc hợp lý, sinh viên có thể tiếp thu "biển kiến thức" trên giảng đường đại học một cách có hệ thống. Từ đó, thí sinh có cái nhìn tổng quan và hiểu rõ mối quan hệ giữa các kiến thức trong sơ đồ.
Hơn nữa, phương pháp ghi nhớ này có thể được sử dụng để lập kế hoạch ôn thi. Bằng cách tạo ra một bản đồ chi tiết về các hoạt động, mục tiêu và thời gian, có thể theo dõi tiến trình, ưu tiên và phân chia công việc một cách rõ ràng.
Phương pháp đọc SQ3R
Với lượng kiến thức rộng, sinh viên rất khó để nhớ tất cả trong một thời gian ngắn rồi đi thi. Việc này cũng được khuyến cáo không nên, khi có quá nhiều kiến thức cần ghi nhớ trong một khoảng thời gian ít ỏi, sinh viên dễ rơi vào tình trạng hoảng loạn và hoang mang. Vì vậy, sinh viên cần chia thời gian học từ đầu học kỳ, không nên để nước đến chân mới nhảy.
Chuyên gia có đưa ra phương pháp SQ3R, được xem là một phương pháp để đọc và hiểu toàn diện, bao gồm 5 bước: Survey (Khảo sát), Question (Đặt câu hỏi), Read (Đọc), Recite (Nhớ lại), Review (Ôn tập) để giúp cho sinh viên có thể nhớ lâu, khắc sâu kiến thức được học.
Bằng cách đặt ra một mục tiêu và chia quá trình học thành các bước nhỏ, SQ3R giúp sinh viên tập trung hơn và tránh bị phân tâm trong quá trình học. Năm bước của phương pháp này có thể giúp sinh viên lưu giữ, nhớ lâu những kiến thức của học phần, phục vụ cho các kỳ thi.
Bên cạnh đó, phương pháp còn giúp tạo ra tương tác, liên kết với các nội dung và kiến thức. Việc đặt ra hàng loạt các câu hỏi giúp các thông tin từ từ được ghi lại theo cách trình bày, sắp xếp nội dung các câu trả lời một cách hệ thống. Từ đó, việc ôn tập lại cũng dễ dàng hơn, tăng khả năng ghi nhớ lâu dài.
SQ3R cũng có thể áp dụng cho nhiều loại nội dung và ngữ cảnh học tập khác nhau, từ sách giáo trình đến bài báo, tài liệu nghiên cứu và hơn thế nữa.
Phương pháp học của Simon
Đây là phương pháp học tập của Giáo sư Simon, người đạt được giải Nobel Văn học năm 1985.
Ông Simon chỉ ra rằng, với khoảng 50.000 mẫu thông tin của một môn học sẽ cần 6 tháng để có thể nhớ hoàn toàn các kiến thức đó. Theo đó, một mẫu thông tin đó khi được con người tiếp thu mất khoảng một phút rưỡi. Tính theo các phép toán thì một người trung bình có thể tiếp thu được 50.000 mẫu trong 40 giờ một tuần và chỉ vỏn vẹn 6 tháng đã có thể hoàn thành.
Tuy nhiên, để có thể tiếp thu kiến thức trong 6 tháng, sinh viên học tập theo phương pháp này cần tập trung hoàn toàn cho việc học. Hiện nay có quá nhiều thứ thực sự làm sinh viên bị phân tán ngay cả khi việc học tại trường do quá nhiều môn phải học cùng một lúc.
Phương pháp này có thể được thiết lập theo các bước: Thiết lập mục tiêu học tập, chia nhỏ kiến thức, học nhanh và tập trung, dần dần biến kiến thức thành kỹ năng của bản thân. Từ những bước nhỏ có mục đích, sinh viên sẽ dễ theo dõi tiến độ và có động lực học hơn nhiều.
Phương pháp học Feynman
Phương pháp Feynman là phương pháp được nhiều người áp dụng. Đây là phương pháp do nhà vật lý nổi tiếng Richard Phillips Feynman - người đoạt giải Nobel về vật lý sáng tạo ra.
Phương pháp giúp sinh viên dễ dàng ghi nhớ kiến thức hiệu quả hơn thông qua việc đơn giản hóa và giải thích lại bằng ngôn ngữ của mình. Việc giải thích lại sẽ giúp kiểm tra mức độ hiểu biết, học lại thông tin nhiều lần, nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức. Điều này làm cho sinh viên có thể nắm rõ được những gì mình cần tiếp thu, hiểu biết sâu sắc và đảm bảo nắm vững những kiến thức đó.
Có thể mô tả đơn giản về phương pháp này theo các bước cơ bản sau: Lựa chọn kiến thức mà bản thân muốn biết và hiểu sâu hơn, sau đó hãy đem những kiến thức đã học giảng dạy lại cho một người khác bằng ngôn ngữ và cách giải thích đơn giản nhất. Trong quá trình dạy lại cho người khác, sinh viên có thể nhận ra những lỗ hổng trong đó và biết cần phải bổ sung thêm những gì. Cuối cùng, sau khi đã tìm hiểu kỹ lại tất cả kiến thức, việc cần làm là cố gắng giải thích nó một lần nữa một cách đơn giản, rõ ràng và mạch lạc.