Chuẩn bị đầy đủ, đúng các tài liệu nhập học theo thông báo từ trường Đại học
Trong giấy báo nhập học, thông tin xác nhận trúng tuyển gửi đến thí sinh, các trường Đại học, Cao đẳng sẽ có thông báo chi tiết về các tài liệu tân sinh viên cần chuẩn bị.
Thông thường, các giấy tờ nhập học cần thiết gồm có:
+ Giấy báo trúng tuyển đại học (bản chính)
+ Sơ yếu lý lịch học sinh – sinh viên (hồ sơ trúng tuyển)
+ Học bạ THPT
+ Giấy chứng nhận kết quả thi THPT QG
+ Giấy khai sinh (Bản sao)
+ Thẻ Căn cước/Căn cước công dân
+ Ảnh 3x4 hoặc 4x6
+ Học phí thu trước, phiếu khám sức khỏe, giấy chứng nhận diện chính sách (nếu có),…
Tân sinh viên nên lưu ý một số điều sau khi chuẩn bị giấy tờ nhập học:
+ Giấy báo nhập học phải là bản chính, Bằng tốt nghiệp phải có bản chính và bản sao (có công chứng).
+ Hồ sơ trúng tuyển phải ghi đầy đủ tất cả các mục, dán hình có đóng dấu giáp lai và xác nhận của địa phương.
+ Học bạ cần bản sao có công chứng, có thể sao học bạ tại trường cấp III đã theo học.
+ Đối với sinh viên trúng tuyển nhờ xét điểm ưu tiên (đối tượng, khu vực) phải nộp giấy chứng nhận ưu tiên. Giấy chứng nhận diện chính sách: dân tộc ít người, con liệt sĩ, con thương/bệnh binh (kèm bản sao thẻ thương/bệnh binh có công chứng), chứng nhận hộ nghèo… dùng để xét miễn giảm học phí.
+ Thí sinh trúng tuyển phải đến nhập học theo đúng yêu cầu ghi trong Giấy triệu tập trúng tuyển của trường. Đến chậm 15 ngày trở lên (kể từ ngày ghi trong giấy triệu tập trúng tuyển), nếu không có lý do chính đáng, coi như bỏ học.
+ Nếu xác định ở nhà trọ, sinh viên cần có giấy xin phép tạm vắng ở địa phương để đăng ký tạm trú tại địa phương nơi thuê nhà trọ.
Lưu ý về nơi ở, phương tiện đi lại dành cho tân sinh viên
Tân sinh viên cần xác định nơi ở và phương tiện chính để đi lại giữa nhà và trường học.
Đối với sinh viên đến từ các tỉnh, nhà xa trường học, thường gặp khó khăn với việc tìm nhà trọ. Nhà trọ thường có nhiều mức giá khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí khu trọ, tiện nghi, an toàn… Do đó, khi tìm nhà trọ, tân sinh viên cần xem xét, cân nhắc giữa tài chính và sự thuận tiện khi đi lại để chọn được khu trọ hợp với nhu cầu của bản thân.
Ngoài ra, trước khi ký hợp đồng thuê trọ, các sinh viên cũng nên tìm hiểu kỹ càng các chi phí thuê trọ, tiền điện, nước và các khoản phát sinh khác, đồng thời nói chuyện với chủ trọ về các yếu tố giờ giấc (giờ khóa cổng,…). Nếu có hợp đồng thuê nhà, sinh viên chú ý đọc kỹ và thảo luận với chủ nhà để bảo vệ quyền lợi cho bản thân.
Tùy theo khoảng cách từ nhà tới trường mà lựa chọn về phương tiện đi lại cũng thay đổi. Các sinh viên có thể lựa chọn xe bus để tiết kiệm chi phí nếu tiện tuyến đường, hoặc sử dụng phương tiện cá nhân để có sự thoải mái. Tuy nhiên, bất kể lựa chọn loại phương tiện, các sinh viên cần tuân thủ luật giao thông, chú ý đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh.
Những điều cần chuẩn bị cho sinh hoạt hàng ngày
Để thuận tiện cho việc chi phí sinh hoạt hàng ngày, tân sinh viên nên mở một tài khoản ngân hàng, có thẻ ATM. Thẻ ATM không chỉ tiện lợi cho việc chuyển, rút tiền, mà còn giúp sinh viên quản lý chi tiêu một cách hiệu quả hơn.
Việc chi tiêu, đặc biệt là trong thời gian mới nhập học, thường sẽ có nhiều khoản chi phí cao (tiền giáo trình, tiền học, tiền nhà trọ, tiền đi lại, mua sắm vật dụng sinh hoạt,…), do đó, nên có sẵn kế hoạch chi tiêu hợp lý.
Đối với đồ dùng sinh hoạt, có thể xem xét việc mua lại đồ thanh lý để tiết kiệm chi phí. Ngoài các vật cần thiết như bếp, bát đũa, nồi niêu xoong chảo, chăn gối nệm, quạt điện,... sinh viên cần chuẩn bị các giấy tờ cá nhân như căn cước công dân, bằng lái xe, giấy phép lái xe (nếu có), bảo hiểm y tế,... để đảm bảo cho cuộc sống tự lập mới.