Sách giáo khoa không thuộc danh mục định giá, bình ổn giá
Theo Thời báo Tài chính, hiện giá sách giáo khoa được quản lý giá theo quy định tại Luật Giáo dục và Luật Giá.
Theo đó, giá sách giáo khoa thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý toàn diện về sách giáo khoa, từ khâu tổ chức xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, thẩm định, phê duyệt nội dung sách giáo khoa, phê duyệt nhà xuất bản được phép xuất bản sách giáo khoa, thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất bản sách giáo khoa.
Bộ Tài chính là cơ quan tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa
Bộ Tài chính là cơ quan tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa của các đơn vị. Việc kê khai giá sách giáo khoa do các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà xuất bản tự xây dựng, quyết định giá và gửi thông báo mức giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá theo quy định tại khoản 9 Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.
Trong năm học 2022 – 2023, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa và có văn bản đề nghị các đơn vị rà soát và triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí (đặc biệt là một số chi phí như chi phí quản lý, chi phí quảng bá sách, lợi nhuận...) nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng.
Đến nay, các đơn vị đã kê khai điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa, mức giảm phổ biến trong khoảng từ 5% - 15% tùy từng cuốn sách.
Đề xuất đưa sách giáo khoa vào danh mục định giá
Hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó đã đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa nhà nước định giá; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định giá tối đa và các nhà xuất bản tự quyết định giá cụ thể.
Luật Giá (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023)./.