4 ngày nghỉ lễ; 1241 bệnh nhân tử vong và tiên lượng tử vong xin về
Chiều 3/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tổng hợp tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu từ các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế ngành cho thấy, sau bốn ngày nghỉ lễ (từ 7 giờ ngày 29/4 đến 7 giờ ngày 3/5), tổng số người bệnh khám, cấp cứu là 270.031 người bệnh.
Trong đó, số người bệnh nhập viên điều trị nội trú là 99.747 người bệnh. Số người bệnh ra viện là 72.977 người bệnh. Số người bệnh chuyển viện là 8.247 người bệnh.
Số người bệnh tử vong bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh và tiên lượng tử vong xin về là 1.241 trường hợp.
Tai nạn giao thông: 5725 trường hợp phải nhập viện điều trị; 82 người tử vong và tiên lượng tử vong xin về
Về tình hình khám cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, tổng hợp 4 ngày nghỉ đến sáng 3/5 số trường hợp tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị, theo dõi là 5.725 người bệnh.
Số người bệnh tai nạn giao thông chuyển viện là 1.385 người bệnh. Số người bệnh tai nạn giao thông ra viện là 2.469 người bệnh.
Số người bệnh tử vong do tai nạn giao thông bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh và tiên lượng tử vong xin về là 82 người bệnh.
Trong đó số ca tai nạn giao thông tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh là 28 người bệnh; Số ca tai nạn giao thông tử vong trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh là 34 người bệnh; Số ca tai nạn giao thông nặng tiên lượng tử vong xin về là 20 người bệnh.
2477 bệnh nhân nhập viện điều trị COVID-19; 17 F0 tử vong
Về công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19, tổng hợp sau 4 ngày nghỉ lễ, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, tổng số người bệnh khám COVID-19 là 4.618 người bệnh.
Số người bệnh COVID-19 nhập viện điều trị nội trú là 2.477 người bệnh. Số người bệnh COVID-19 chuyển viện là 176 người bệnh. Số người bệnh COVID-19 ra viện là 1.684 người bệnh.
Số người bệnh COVID-19 tử vong, bao gồm cả trường hợp tiên lượng tử vong xin về là 17 người bệnh.
Trong đó số ca COVID-19 Tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh là 7 người bệnh; Số ca COVID-19 nặng tiên lượng tử vong xin về là 10 người bệnh.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trong những ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4-1/5, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về bảo đảm công tác khám chữa bệnh, cấp cứu phục vụ nhân dân, đặc biệt đối tượng người bệnh tai nạn giao thông, thu dung điều trị COVID-19.
Tình hình tai nạn giao thông không có diễn biến đặc biệt. Diễn biến dịch COVID-19 đang được chủ động theo dõi sát để tham mưu chiến lược phòng chống kịp thời.
Trước đó, tại công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành về việc bảo đảm công tác khám, chữa bệnh trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/3 và 1/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã yêu cầu các bệnh viện không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu người bệnh.
Các cơ sở y tế tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác...
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng lưu ý trong trường hợp có diễn biến đặc biệt như bùng phát dịch COVID-19 và các dịch bệnh nguy hiểm, cấp cứu thảm hoạ, tai nạn hàng loạt, ngộ độc thực phẩm và các trường hợp đặc biệt khác, đề nghị đơn vị có báo cáo khẩn về cơ quan quản lý trực tiếp để kịp thời giải quyết.
Ngày 3/5: Thêm 1201 ca mắc mới
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 3/5 của Bộ Y tế cho biết có 1.201 ca mắc mới, trong ngày có 541 bệnh nhân khỏi; hiện còn 121 bệnh nhân đang thở oxy, trong đó có 31 ca thở máy xâm lấn.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.565.495 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.878 ca nhiễm).
Tình hình điều trị COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 541 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.624.032 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 121 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 80 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 8 ca
- Thở máy không xâm lấn: 2 ca
- Thở máy xâm lấn: 31 ca
- ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong.
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 1 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.195 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine COVID-19
Trong ngày 02/5 có 15.993 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.240.960 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.613.660 liều: Mũi 1 là 70.908.444 liều; Mũi 2 là 68.452.267 liều; Mũi bổ sung là 14.343.895 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.101.446 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.807.608 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.543 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.366 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.661.757 liều: Mũi 1 là 10.213.330 liều; Mũi 2 là 8.448.427 liều.
Đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng nguy cơ cao
Trước diễn biến gia tăng ca mắc COVID-19 trong thời gian qua, tại cuộc họp của Bộ Y tế với 63 tỉnh, thành chiều 26/4 về công tác phòng chống dịch trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương, Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm… tiếp tục đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ cao để bảo vệ chặt chẽ hơn nữa những đối tượng này trước diễn biến tăng về số ca mắc.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước COVID-19 như: Người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ để tránh gia tăng số ca bệnh. Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang.
Điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B... Đồng thời, người dân cũng cần tuân thủ theo lịch tiêm vaccine COVID-19 của Bộ Y tế.
TS. Đặng Thanh Huyền, Phó Trưởng Văn phòng chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nêu rõ: Vaccine COVID-19 có hiệu quả trong phòng bệnh và các biến chứng do COVID-19 gây ra, giảm tỉ lệ mắc bệnh nặng và tử vong.
Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo các nước triển khai tiêm vaccine COVID-19, ưu tiên hoàn thành liều cơ bản đối với các đối tượng từ 5 tuổi trở lên và bao phủ trên diện rộng để đạt miễn dịch cộng đồng, phòng bệnh cho cá nhân và những người xung quanh.
Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo các quốc gia triển khai tiêm nhắc các liều tiếp theo dựa trên tình hình dịch bệnh.