Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính, thay thế Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg.
Trong đó, thực hiện Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước năm 2025, thực hiện sáp nhập Trường Nghiệp vụ Thuế vào Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính.
Theo đó, Bộ Tài chính xây dựng Đề án giải thể Trường Nghiệp vụ thuế thuộc Tổng cục Thuế; thời gian giải thể từ ngày 01/01/2025.
Phương án để giải thể Trường Nghiệp vụ thuế như sau:
Về nhiệm vụ, chuyển nhiệm vụ về xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng và tổ chức bồi dưỡng công chức, viên chức của Tổng cục Thuế về Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính; chuyển nhiệm vụ tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế về một Vụ/Cục thuộc Tổng cục Thuế.
Về nhân sự, Trường Nghiệp vụ Thuế hiện có 43 viên chức, trong đó có 1 Giám đốc, 02 Phó Giám đốc, 04 Trưởng phòng/khoa và tương đương, 07 Phó Trưởng phòng, 29 viên chức.
Theo đó, căn cứ nguyện vọng cá nhân và nhu cầu các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Tài chính sẽ thực hiện điều chuyển, sắp xếp viên chức của Trường sang các đơn vị khác thuộc Tổng cục Thuế, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính hoặc các đơn vị khác trong ngành; tiếp nhận không qua thi vào công chức đối với những viên chức đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP hoặc giải quyết thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định.
Về cơ sở vật chất, Trường Nghiệp vụ thuế hiện đang sử dụng trụ sở cùng trụ sở của Tổng cục Thuế tại 123 Lò Đúc và được giao quản lý, khai thác cơ sở vật chất tại Trung tâm bồi dưỡng miền Trung (tại Thừa Thiên Huế) với công năng gồm: 01 Hội trường với 600 chỗ ngồi, 10 hội trường nhỏ sức chứa từ 50 đến 150 chỗ ngồi, 9 phòng làm việc, 30 phòng chức năng; Khu ký túc xá gồm 316 phòng nghỉ học viên và 72 phòng nghỉ giáo viên và 57 phòng chức năng.
Theo đó, việc khai thác sử dụng tài sản đang giao cho Trường Nghiệp vụ thuế nêu trên sẽ chuyển giao về Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính hoặc một đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính để quản lý, khai thác theo quy định.
Như vậy, sau khi sắp xếp, kiện toàn, bộ máy cơ quan Tổng cục Thuế giảm 01 đơn vị (từ 17 xuống còn 16 đơn vị).
Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi, sắp xếp một số đơn vị sau:
Chuyển đổi mô hình Cục Thanh tra – Kiểm tra thuế thành Thanh tra Tổng cục Thuế
Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Tại Điều 15 dự thảo Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trong đó quy định cơ quan Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ gồm Thanh tra Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chuyển Cục Thanh tra – Kiểm tra thuế của Tổng cục Thuế sang mô hình Thanh tra Tổng cục, đảm bảo không làm tăng số lượng đầu mối và biên chế của Tổng cục Thuế (đề án đính kèm).
Thanh tra Tổng cục Thuế có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại KBNN theo quy định pháp luật.
Về tổ chức bộ máy, Bộ Tài chính dự kiến tổ chức Thanh tra Tổng cục Thuế gồm 07 phòng gồm: (1) Phòng Tổng hợp; (2) Phòng Thanh tra – Kiểm tra giá chuyển nhượng; (3) Phòng Thanh tra – Kiểm tra thuế số 01; (4) Phòng Thanh tra – Kiểm tra thuế số 02; (5) Phòng Xử lý sau thanh tra; (6) Phòng Thanh tra – Kiểm tra giải quyết tố cáo và Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; (7) Phòng giải quyết khiếu nại và giám sát thanh tra, kiểm tra.
Đổi tên một số đơn vị
Trên cơ sở những bất cập thực tiễn, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ đổi tên một số đơn vị để đảm bảo tên gọi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của đơn vị, cụ thể:
- Đổi tên Cục Kiểm tra nội bộ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng chống tham nhũng thành Cục Kiểm tra nội bộ để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật Thanh tra (trong đó quy định chức năng của Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ: "Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật").
- Đổi tên Vụ Chính sách thành Vụ Chính sách quản lý thuế nội địa để phân định với chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí.
Tháng 02/2002, Trung tâm bồi dưỡng cán bộ Thuế (tiền thân của Trường Nghiệp vụ Thuế) được thành lập theo Quyết định số 36/2002/QĐ-BTC ngày 20/03/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tháng 06/2007, Trung tâm bồi dưỡng cán bộ Thuế được tổ chức thành Trường Nghiệp vụ Thuế theo Quyết định số 2092/QĐ-BTC ngày 15/06/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Nghiệp vụ Thuế được quy định tại Quyết định số 2157/QĐ-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, Trường Nghiệp vụ Thuế là đơn vị thuộc Tổng cục thuế, Bộ Tài chính, có trụ sở tại Hà Nội và 01 Phân hiệu tại Thừa Thiên - Huế. Trường Nghiệp vụ Thuế có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Từ khi thành lập vào năm 2002 đến nay, Trường chủ yếu tập trung thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành Thuế theo chương trình, kế hoạch được Tổng cục Thuế giao. Bình quân năm, Trường tổ chức khoảng 45 lớp đến 50 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho trên 4.000 lượt học viên góp phần nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hoá ngành Thuế.