CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Đề xuất quy định về khen thưởng quá trình cống hiến

09:17 - 09/03/2023

(Chinhphu.vn) - Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Theo đó, dự thảo bổ sung một số đối tượng được khen thưởng quá trình cống hiến.

Đề xuất quy định về khen thưởng quá trình cống hiến - Ảnh 1.

Luật Thi đua, khen thưởng quy định các loại hình khen thưởng gồm: Khen thưởng công trạng, khen thưởng đột xuất, khen thưởng phong trào thi đua, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn, khen thưởng đối ngoại.

Trong đó, khen thưởng quá trình cống hiến là khen thưởng cho cá nhân có quá trình tham gia hoạt động lâu dài trong các giai đoạn cách mạng hoặc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, có công lao, thành tích đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Hướng dẫn cụ thể về khen thưởng quá trình công hiến, dự thảo nêu rõ: thời gian tham gia công tác để xét khen thưởng quá trình cống hiến quy định như sau:

a) Cán bộ tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945 là những người tham gia cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, người được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương hoặc được kết nạp lại trước ngày 19 tháng 8 năm 1945, được cơ quan có thẩm quyền công nhận;

b) Cán bộ tiền khởi nghĩa là người tham gia cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, được cơ quan có thẩm quyền công nhận;

c) Cán bộ hoạt động liên tục trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ là người có thời gian tham gia công tác liên tục từ sau ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975;

d) Cán bộ hoạt động thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là người có thời gian tham gia công tác liên tục trong thời gian từ sau ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đến ngày 20 tháng 7 năm 1954;

đ) Cán bộ hoạt động thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ là người tham gia công tác liên tục trong khoảng thời gian sau ngày 20 tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975;

e) Cán bộ công tác trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là người tham gia công tác từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay.

Bên cạnh đó, thực hiện việc xét, đề nghị khen thưởng đối với người có quá trình cống hiến, đã đến tuổi nghỉ chế độ hưu trí mà chưa được khen thưởng quá trình cống hiến (kể cả các trường hợp đã hy sinh, từ trần).

Điều kiện áp dụng khen thưởng

Dự thảo nêu rõ thời gian, điều kiện áp dụng khen thưởng. Cụ thể, bộ, ban, ngành, tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước khen thưởng quá trình cống hiến cho cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn khi có thông báo nghỉ chế độ hưu trí. Trường hợp cá nhân đã được khen thưởng quá trình cống hiến sau đó tiếp tục công tác, đảm nhiệm các chức vụ mới ở các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, nếu có thành tích trong công tác sẽ được đề nghị tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định.

Không khen thưởng đối với cá nhân bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, bị kỷ luật ở hình thức ở mức buộc thôi việc; bị tước danh hiệu quân nhân, quân hàm sĩ quan hoặc quân hàm chuyên nghiệp. Đối với cá nhân đã bị kỷ luật khai trừ Đảng, sau đó đã sửa chữa khuyết điểm, phấn đấu và được kết nạp lại vào Đảng, nếu đạt tiêu chuẩn theo quy định thì thời gian sau khi kết nạp Đảng lần sau được xét khen thưởng.

Hạ một mức khen đối với cá nhân đã bị kỷ luật lưu Đảng, khai trừ ra khỏi Đảng sau đó được kết nạp lại, cá nhân: Bị cách chức, giáng chức, giáng cấp bậc quân hàm, hạ bậc lương, cảnh cáo. Hình thức kỷ luật chỉ xem xét một lần đối với một hình thức khen thưởng (những lần xét khen sau không căn cứ vào hình thức kỷ luật đã xét khen thưởng lần trước).

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước khen thưởng.

Bổ sung một số đối tượng khen thưởng quá trình cống hiến

Dự thảo cũng quy định cụ thể về chức danh tương đương để xét khen thưởng quá trình cống hiến gồm: Chức danh tương đương Bộ trưởng; Chức danh tương đương Thứ trưởng, Phó Trưởng ban Đảng, Phó Trưởng đoàn thể Trung ương; Chức danh tương đương Vụ trưởng (Cục trưởng); Chức danh tương đương Phó Vụ trưởng (Phó Cục trưởng); Chức danh tương đương Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chức danh tương đương Giám đốc Sở, Trưởng các đoàn thể cấp tỉnh; Chức danh tương đương Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bộ Nội vụ cho biết, nội dung về khen thưởng quá trình công hiến đã được quy định trong Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 và được thực hiện ổn định trong thời gian qua. Nay tiếp tục được quy định trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Đồng thời dự thảo bổ sung một số đối tượng khen thưởng quá trình cống hiến theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở; bổ sung chức danh khen thưởng quá trình cống hiến đối với cá nhân công tác trong tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, có công lao, thành tích đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.