CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật

Đề xuất nhiều chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh

14:26 - 21/02/2024

(Chinhphu.vn) - Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Đề xuất nhiều chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh- Ảnh 7.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp.

Để chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 30, sáng 21/2 tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp nhằm cho ý kiến về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Dự cuộc họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trung tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Thượng tướng Phạm Hoài Nam - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Cùng dự cuộc họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Đề xuất nhiều chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh- Ảnh 8.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo.

Nhiều chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Ngay sau Kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến tại phiên họp thứ 30 tới đây và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là dự án Luật rất quan trọng, có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. 

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải chuẩn bị tốt nhất hồ sơ dự án Luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và Quốc hội xem xét, thông qua.

Đề xuất nhiều chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh- Ảnh 9.

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện có 7 chương với 86 điều

Theo Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện có 7 chương với 86 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV) đã bổ sung 15 điều, bỏ 2 điều.

Đối với những điểm mới, nội dung mới, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã bám sát kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo thẩm tra và ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như kết quả khảo sát, nghiên cứu tài liệu, trao đổi thận trọng, kỹ lưỡng với cơ quan soạn thảo dự án luật, các cơ quan liên quan để nghiên cứu, chỉnh lý nội dung.

Một số vấn đề lớn của dự thảo luật: Về áp dụng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt; nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng; chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh; hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và trách nhiệm quản lý nhà nước…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp kế thừa Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, Pháp lệnh Động viên công nghiệp. 

Quá trình xây dựng dự thảo luật, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để hoàn chỉnh dự thảo luật và tham khảo kinh nghiệm của thế giới. 

Thượng tướng Phạm Hoài Nam bày tỏ trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp vào dự thảo luật và sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền.

Đề xuất nhiều chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh- Ảnh 10.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Nhà nước ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, an ninh

Nhà nước ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, an ninh

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình xây dựng dự thảo luật. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là cơ hội để tạo điều kiện cho công nghiệp quốc phòng và an ninh phát triển, nâng cao tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh cũng như chính sách động viên công nghiệp, phát huy tự lực tự cường trong phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Do vậy, cần tập trung đầu tư công sức cho quá trình xây dựng luật.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần bám sát dự án luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV), tiếp tục nghiên cứu Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng và Pháp lệnh Động viên công nghiệp, nhất là những nội dung còn giá trị, đồng thời, tham khảo thêm một số luật khác. 

Trong đó cần quan tâm đến vấn đề Nhà nước ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, an ninh. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, trên cơ sở nền tảng đã có của dự thảo luật để tiếp thu, hoàn thiện.